Nông nghiệp Bạc Liêu: Đột phá từ giống và kỹ thuật mới

 9382 lượt xem
Đánh giá về hoạt động kinh doanh lúa gạo trong tỉnh, Công ty Lương thực Bạc Liêu nhận xét: “Chất lượng lúa gạo Bạc Liêu bao giờ cũng tốt hơn nhiều tỉnh, thành phố trong khu vực nên thương lái rất ưa chuộng”. Đó không chỉ nhờ vào những yếu tố, đặc điểm của vùng đất, mà quan trọng hơn, chính là thành tựu về ứng dụng giống mới, kỹ thuật canh tác hiện đại mà ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã và đang áp dụng. 

Có thể nói, thành tựu lớn nhất của Nông nghiệp Bạc Liêu hiện nay là đã có trên 90% diện tích sản xuất lúa chất lượng cao. Trong đó, trên 50% diện tích sản xuất giống xác nhận. Nếu như 10 năm về trước, cả tỉnh chỉ thử nghiệm vài giống trình diễn trên cánh đồng mẫu, thì giờ đây, toàn tỉnh đã có trên 80% diện tích trồng lúa xuất khẩu. Đa dạng hóa giống mới là chủ trương của ngành Nông nghiệp và nông dân trong tỉnh đang hưởng ứng tích cực. Theo kết quả khảo sát mới đây của Trung tâm Giống nông nghiệp - thủy sản (NN-TS) tỉnh, có 26 bộ giống chất lượng cao đang có mặt tại Bạc Liêu nên nông dân rất dễ lựa chọn cho mình bộ giống thích nghi ở từng tiểu vùng sinh thái. Do áp dụng giống mới cộng với kỹ thuật canh tác hiện đại nên năng suất cao và chất lượng cao.

 
 
Nông dân huyện Hòa Bình canh tác giống lúa chất lượng cao.
 
Hiện có trên 10 bộ giống đang được Trung tâm Giống NN-TS sản xuất trình diễn để làm cơ sở nhân rộng ở Bạc Liêu. Đó là giống OM4900, OM6162, OM6976, OM5451, dòng BL17, BL29, BL46… Năng suất sản xuất trình diễn những loại giống và dòng lúa mới này đạt từ 6 - 8 tấn/ha/vụ. Trong đó, dòng BL29 đã sản xuất lúa giống nguyên chủng được khoảng 500kg và giống xác nhận được 1,2 tấn. Vụ hè thu 2012, Trung tâm Giống NN-TS tỉnh cam kết sẽ làm trung gian liên kết với Công ty Lương thực tỉnh tổ chức cho nông dân sản xuất theo hình thức bao tiêu sản phẩm. Và BL29 là một thành công lớn trong công tác chọn tạo giống lúa mới của tỉnh mà “cha đẻ” của nó lại là một nông dân “tay lấm chân bùn” - ông Tám Lạc (Phạm An Lạc, ấp Láng Giài, thị trấn Hòa Bình, huyện Hòa Bình).
 
Những năm gần đây, hơn một trăm dòng lúa mới “made in Bac Lieu” của ông Tám Lạc lần lượt ra đời tạo nên tiếng vang cho tỉnh ở cả khu vực ĐBSCL. Ông Tám Lạc rất vui khi được Trung tâm Giống NN-TS tỉnh tạo mọi điều kiện để ông xây dựng thương hiệu giống lúa Bạc Liêu. Với sự định hướng và hỗ trợ kỹ thuật của các nhà khoa học, các dòng lúa này đang được ứng dụng sản xuất trong tỉnh và một số vùng sinh thái trồng lúa có đặc trưng tương đồng để tiến tới đề nghị được công nhận là giống lúa quốc gia. 
 
Trong số 146 dòng lúa đã được “ra đời” trên đất Bạc Liêu, có một dòng đang mang lại triển vọng rất lớn cho tỉnh là dòng BL15. Dòng lúa này có nhiều ưu việt như: Lúa cứng cây, không đổ ngã, năng suất rất cao, bình quân 8,5 tấn/ha/vụ. Theo đánh giá của ông Tám Lạc, đây là dòng lúa lai mới cho năng suất cao chưa từng thấy ở Bạc Liêu từ trước đến nay. Còn ông Phan Văn Liêm, Giám đốc Trung tâm Giống NN-TS tỉnh, cho rằng, dòng lúa BL15 đời F9 còn có nhiều ưu điểm khác thường như: Chiều cao từ 0,9 - 1m, kháng sâu bệnh, cây lúa gọn đẹp, bông dài từ 28 - 30cm, hạt gạo to, thời gian sinh trưởng từ 95 - 100 ngày, chất lượng gạo đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.
 
 
Ông Tám Lạc nghiên cứu lai tạo giống.
 
Thực tiễn này đã chứng minh: trong khi diện tích trồng lúa của tỉnh giảm dần từng năm, nhưng sản lượng lúa vẫn giữ ở mức ổn định 850.000 tấn. Sản lượng này vừa bảo đảm an ninh lương thực cho tỉnh, vừa có hơn ½ sản lượng lúa tham gia xuất khẩu. Để đạt được những kết quả này, cùng với sự thay đổi bộ giống, tỉnh còn vận động nông dân ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất để vừa giúp tăng năng suất, vừa tiết kiệm được chi phí. Đó là quy trình sản xuất “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 năm giảm” và hiện đang sản xuất theo quy trình VietGAP trên lúa Một bụi đỏ Hồng Dân… Chỉ tính khiêm tốn, những kỹ thuật này đã cho giá trị tăng thêm từ 900.000 - 1.000.000 đồng/ha. 
 
Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT khẳng định, nhờ khuyến cáo sử dụng phân hữu cơ sinh học thay dần phân vô cơ nên chất lượng lúa luôn được đảm bảo. Công nghệ làm khô hạt lúa, vấn đề đầu tư hỗ trợ lò sấy, công nghệ sau thu hoạch, máy gặt đập liên hợp... Ngày càng được ngành chức năng và nông dân quan tâm. Đặc biệt là việc ứng dụng công nghệ san phẳng mặt ruộng định vị bằng tia laser đã tạo được chất lượng hạt lúa rất đồng đều.
 
Từ giống lúa và việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất, nông dân trong tỉnh đã thay đổi tập quán canh tác, không còn độc canh cây lúa mà đã kết hợp giữa trồng lúa với nhiều loại cây con khác mang lại hiệu quả kinh tế rất cao. 
 
Gần 15 năm kể từ ngày tái lập tỉnh, đối với nông dân Bạc Liêu, đây thật sự là cột mốc ấn tượng, đánh dấu sự phát triển, vươn lên vượt qua đói nghèo từ chính cây lúa - con tôm và những cách làm mang lại hiệu quả tốt nhất.
 
 
Ý kiến của bạn