Những tấm lòng vì cộng đồng

 9140 lượt xem
Nhiều năm qua, phong trào làm đường giao thông nông thôn phát triển rộng khắp trên địa bàn tỉnh với hình thức “Nhà nước hỗ trợ, nhân dân cùng làm”. Trong sự “chung sức” ấy có những tấm lòng đã hy sinh lợi ích cá nhân vì lợi ích cộng đồng. 

Chung tay vì cộng đồng.

Nghĩa tình thầy giáo

 Thôn Ngọc Bích, xã Tam Ngọc (TP.Tam Kỳ) tuy không xa trung tâm thành phố là mấy, nhưng vào trong các thôn xóm vẫn còn những con đường đất nhỏ bé ngoằn ngoèo, thường sạt lở vào mùa mưa. Nhà thầy Huỳnh Ngọc Châu (giáo viên trường Tiểu học Kim Đồng, huyện Phú Ninh) nằm giữa cánh đồng. Cũng như những hộ khác trong xóm, đường vào nhà thầy nằm cạnh bờ kênh nên thường xuyên bị sạt lở. Chứng kiến cảnh đi lại khó khăn của bà con trong xóm mỗi khi vào mùa vụ hoặc đến kỳ thu hoạch nông sản, thầy Châu nảy ra ý định bê tông hóa đoạn đường.
 
Thầy Châu cho biết: “Biết Nhà nước có chủ trương bê tông hóa giao thông nông thôn, nhưng tôi nghĩ, nếu mình làm được gì thì cố gắng làm. Nhà nước còn phải lo những nơi khó khăn gấp bội chỗ mình. Thôi thì dành dụm tích góp, vận động anh em cùng làm”.
 
 
Thầy Châu cùng bà con làm đường.
 
Với 200 mét đường có bề rộng hơn 1,5m, thầy Châu nhẩm tính vật liệu (loại không tự lo được) đã không dưới 25 triệu đồng, đó là chưa kể công thợ, ăn uống...”Để hoàn thành, có những lúc đến 10 nhân công là bà con trong xóm cùng nhau làm, nghĩ đến lúc con đường hoàn thành ai nấy đều vui và quên hết cả mệt nhọc”, thầy Châu cười tươi nói.
 
Thầm lặng giúp đời
 
Khi đi ngang qua cuối kênh N6, thuộc thôn Đàn Trung, xã Tam Đàn (huyện Phú Ninh) sẽ thấy một cái cống nhỏ luôn là nơi dồn ứ các loại chất thải. Với nhiều loại rác: Túi ni lông, bao đựng thuốc trừ sâu, xác súc vật chết đến các loại phụ phẩm nông nghiệp… Ứ đọng bốc mùi hôi thối cả một vùng. 
 
Tại đây, người dân thường xuyên bắt gặp một người đàn ông tóc bạc cặm cụi vớt từng cái rác, phơi khô rồi đốt. Vậy mà lượng rác vẫn không hề giảm. Cứ vài ba ngày, cống lại ứ đầy rác thải và người đàn ông lại vớt, đốt. Công việc thầm lặng như vậy hết ngày này qua tháng khác...
 
Ngoài ra, không kể ban đêm hay ban ngày, hễ thấy rác dồn ứ là ông ấy lủi thủi ra dọn. Ông còn mua 2 cây bồ để cổ thụ đem trồng trước trạm y tế xã với mong muốn tạo bóng mát cho nơi này.
 
Ông là Nguyễn Văn Việt, nhà ở gần chùa Chiên Đàn. Một người hàng xóm của ông Việt cho biết thêm, gần đây, ông Việt còn bỏ tiền, bỏ công làm một con đường đá dăm để thuận tiện cho bà con trong việc đồng áng. Để làm công việc này, ông Việt đã liên hệ với UBND xã xin lại xỉ thải của công trường đúc dầm cầu rồi thuê nhân công cùng ông dùng xe bò chở đi làm đường. Với hàng chục công lao động, hơn 60 xe đá sỏi, con đường dài 300m nay đã sắp hoàn thành.
 
Nói về những việc làm của mình, ông Việt thản nhiên cho rằng đó chỉ là những “chuyện nhỏ bé”. Nhưng trong ông còn có 2 điều trăn trở: “Con đường tuy gần hoàn thành, nhưng 2 hộ dân có đất nằm ngay đầu tuyến đường cứ nấn ná không chịu ủng hộ để chúng tôi nối 300m đường này với đường chính. Hơn nữa, chỗ cống kênh hôi thối, nếu được, thôn, xã nên vận động người dân làm thành một tổ, thường xuyên dọn rác mới đảm bảo vệ sinh môi trường”.
So với những công trình, dự án bạc tỷ thì không có gì đáng nói. Nhưng ở địa bàn nông thôn, những việc làm nhỏ bé đó thật sự có ý nghĩa bởi nó đem lại hiệu quả thiết thực cho người dân, góp phần gắn kết con người lại với nhau bằng những nghĩa cử nhân ái.
 
 
Ý kiến của bạn