Người đàn ông 30 năm đi chăm người điên

 9216 lượt xem
Gần 30 năm nay, hễ nghe ở đâu có người điên dại đang lang thang, gặp nạn là ông Nguyễn Văn Nhẫn lại đưa họ về nhà chăm sóc. Có nhiều người cho ông là gàn dở, ông mặc kệ người ta đàm tiếu, mọi việc ông làm đều từ cái tâm. 

“Lão gàn” Phạm Văn Nhẫn (sinh năm 1963), ở thôn Chi Ngôn, xã Thanh Hải, huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam. Bản chất “gàn” của ông Nhẫn đã có có từ nhỏ, dẫn chứng là năm 1979, lúc đó chàng trai Nhẫn mới 16 tuổi, chưa đến tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng đã tự cắt tay lấy máu viết đơn tình nguyện xin đi bộ đội.

Rời quân ngũ về quê lập gia đình, kinh tế chủ yếu dựa vào mấy sào ruộng, quanh năm "bán mặt cho đất, bán lưng cho trời", ông chỉ mong kiếm ngày hai bữa ăn nuôi con khôn lớn, chứ chưa bao giờ nghĩ sẽ đi cưu mang những số phận bất hạnh.
 
Vợ chồng "lão gàn" gần 30 năm đi cứu người điên dại gặp nạn.
 
Nói về việc đi "nhặt" những người điên dại về chăm sóc, ông Nhẫn tâm sự: “Khoảng năm 1984, lúc vợ chồng tôi đang phơi rơm trên đường thì thấy một đứa trẻ mình lấm lem đất cát khóc lóc đang đi ngược đường quốc lộ. Biết là đứa trẻ bị lạc, hai vợ chồng tôi thấy thương quá nên đưa cháu về cho ăn uống và tắm rửa. Sáng hôm khi đứa nhỏ ổn định tinh thần và hồi phục sức khỏe, tôi liền hỏi địa chỉ rồi đưa cháu về tận nhà”.
 
Những tưởng đó chỉ là chuyện thường tình trong cuộc sống mà ông vô tình gặp phải. Nhưng sau lần cưu mang, cứu giúp đứa trẻ đầu tiên ấy thì dường như số phận đã gắn ông Nhẫn với những người bất hạnh, những người điên và tâm thần bị lưu lạc.
 
Mỗi tháng ông gặp ít nhất có đến 2, 3 người không điên dại, tâm thần thì thất lạc, tinh thần bấn loạn… Ông lại đưa họ về nhà, cho ăn uống tắm rửa rồi tìm cách dò hỏi địa chỉ rồi báo tin cho gia đình đưa về. Cứ thế kế cận những mảnh đời lang thang tiếp tục được ông cưu mang và đùm bọc. Họ cứ đến rồi đi như chẳng khi nào ngớt. Không ít gia đình nhờ ông mà đã tìm được người thân của mình mất tích sau nhiều năm lưu lạc.
 
Cứ mỗi khi đón người mới về "lão gàn" lại chuẩn bị nơi nghỉ ngơi cho họ.
 
Mỗi khi phát hiện người lang thang, bệnh tật thì ngay lập tức ông Nhẫn đưa về nhà mình. Với kinh nghiệm có được trong công việc cứu người, người nào kiệt sức quá, ông Nhẫn nhanh chóng đưa vào trạm y tế xã nhờ các bác sỹ truyền đạm để phục hồi sức lực rồi mới đưa về nhà mình.
 
Ngay sau đó ông lại tìm cách dò hỏi thông tin về gia đình nhà những người gặp nạn. Trước kia chưa có điện thoại để liên lạc, ông thường lặn lội đến các cơ quan chức năng, các báo, đài trên địa bàn tỉnh Hà Nam và các tỉnh lân cận để nhờ đăng tải và xác minh thông tin về những người bị lạc. Từ khi có điện thoại phổ biến, ông Nhẫn mày mò gọi điện đến tổng đài 1080 để xin số và xác minh thông tin nên cũng đỡ phần khó khăn hơn.
 
Thấy cái việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” của ông Nhẫn chẳng giống ai, xóm làng cứ bàn ra tán vào, ông mặc kệ thiên hạ đàm tiếu, ông chỉ làm vì cái tâm của mình. Mặc dù thiên hạ bàn tán, nhưng ông lại có một hậu phương rất vững chắc là gia đình, luôn hết mình ủng hộ công việc của ông không một lời ca thán, oán trách.
 
Bà Đào Thị Lam, vợ ông Nhẫn tâm sự: “Việc ông ấy làm cũng chỉ là cứu người, chứ có không hề làm gì sai trái. Những người gặp nạn người ta cũng là con người, cũng vì hoàn cảnh, số phận, không may gặp nạn mình biết làm phúc để cứu người chứ mình không thể thấy chết mà không cứu”.
 
Hiện gia đình ông Nhẫn đang cưu mang một người bị tâm thần từ gần 4 năm nay, đó là ông Trần Văn Cường ở Bắc Giang. Không có người thân thích ở quê, ông Cường chỉ có một cô em gái đang làm việc trong Nam, nhưng vì điều kiện nên chưa ra đón ông Cường vào được, vì vậy gia đình ông Nhẫn coi ông Cường như người trong gia đình.
 
Ông Trần Văn Cường đã được ông Nhẫn cưu mang gần 4 năm nay.
 
Ngoài chuyện đi "nhặt" người điên dại về cưu mang chăm sóc, ông Nhẫn cũng kiêm thêm một cái nghề “gàn” không kém là chuyên đi tắm rửa và khâm liệm cho những nạn nhân xấu số bị tai nạn giao thông dọc quốc lộ 1A đoạn đi qua xã Thanh Hải và một số xã lân cận.
 
Gần 30 năm đi cứu người, ông làm bởi thấy việc mình cần làm và đúng với lương tâm. Nhiều gia đình sau khi đến nhận và đón người thân đều tìm cách trả ơn cho ông Nhẫn bằng tiền bạc nhưng ông nhất quyết không nhận.
 
Ông Nhẫn tâm sự: “Người ta có thể cho tôi là điên là khùng, nhưng tôi chỉ làm vì cái tâm của mình, mặc cho ai muốn bàn tán. Mà những việc tôi làm chưa thấm vào đâu so với nỗi khổ của những người có số phận bất hạnh đang kiệt sức vì đói khát ngoài kia”.
 
 
Ý kiến của bạn