Nâng cao hiệu quả hoạt động công tác thi đua trong tình hình mới

 7086 lượt xem
(BTĐKT) - Ngày 21 tháng 5 năm 2004, sau khi tổng kết Chỉ thị 35-CT/TW, Bộ Chính trị đã ra Chỉ thị số 39-CT/TW khẳng định rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, nhân rộng điển hình tiên tiến”. 

Sau hơn 08 năm thực hiện Chỉ thị, để phong trào thi đua thực sự là công cụ khơi dậy lòng tự tôn dân tộc, nêu cao tinh thần tự giác, phát huy truyền thống yêu nước của mọi công dân, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết dân tộc thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước, Bộ Chính trị và Ban Bí thư Đảng đã có Kết luận số 83-KL/TW ngày 30/8/2010 chỉ rõ những mặt thành công và những tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục trong thời gian tới nhằm nâng cao chất lượng công tác thi đua khen thưởng, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phong trào thi đua, tránh hình thức và lãng phí. 

Sôi nổi các phong trào thi đua tại địa phương
 
Qua khảo sát của Ban Thi đua - Khen thưởng Trung ương, hàng năm Tỉnh ủy, Thành ủy, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đều ban hành các văn bản chỉ đạo, kế hoạch tổ chức thực hiện các phong trào thi đua thường xuyên, chuyên đề, đột xuất của ngành và địa phương. Tổ chức phát động phong trào thi đua yêu nước với nội dung trọng tâm của từng địa phương như “Phấn đấu hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, lập thành tích thiết thực chào mừng các ngày lễ lớn, các sự kiện trọng đại trong năm” gắn kiền với việc thực hiện đăng ký, giao ước thi đua theo các cụm Thi đua các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương… 
 
Để phong trào thi đua được triển khai đến từng đơn vị, cá nhân, tuỳ theo đặc điểm tình hình của từng địa phương, các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản phân chia các khối, cụm thi đua, hướng dẫn ký kết giao ước thi đua, xây dựng kế hoạch kiểm tra chỉ đạo sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm.
 
Qua 8 năm đổi mới, hàng năm, các địa phương luôn thực hiện, triển khai tổ chức tốt các phong trào thi đua thường xuyên, có truyền thống như:
 
+ Phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” góp phần đẩy mạnh công tác an sinh xã hội; cải cách hành chính, lề lối làm việc; phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở...
 
+ Phong trào xây dựng chính quyền trong sạch vững mạnh, “Người công chức kiểu mẫu” thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước trong công tác cải cách hành chính, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý nhà nước…
 
+ Phong trào thi đua ngành giáo dục như: "Dạy tốt - học tốt" , "Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương về đạo đức, tự học và sáng tạo", "Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”...
 
+ Phong trào thi đua lĩnh vực văn hóa: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, xây dựng “Gia đình văn hóa, thôn, buôn, khu phố văn hóa, cơ quan văn hóa”...
 
+ Phong trào thi đua “Lao động giỏi” “ Lao động sáng tạo” trong các doanh nghiệp được đẩy mạnh, góp phần tăng trưởng doanh thu của doanh nghiệp, cải thiện đời sống nhân viên và người lao động.
 
Thi đua trong thực hiện vận động các chủ trương, chính sách quan trọng như “Thanh niên tình nguyện”, “Xây dựng nông thôn mới”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Hiến máu nhân đạo”; Thi đua trong thực hiện công tác đền ơn đáp nghĩa, hoạt động nhân đạo, từ thiện, hỗ trợ, giúp đỡ đối tượng có hoàn cảnh khó khăn …của các tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp. 
 
Theo số liệu khảo sát, hầu hết các tổ chức, cơ quan, ngành nghề, địa phương đều tổ chức phong trào thi đua. Ví dụ, Khối các ban Đảng là 88,5%, khối các doanh nghiệp: 90,9%, khối các cơ quan quản lý Nhà nước: 95%, khối các đoàn thể chính trị xã hội: 70%, khối các lực lượng vũ trang:100%, khối các cơ quan tư pháp: 100%, khối trường học, đối tượng là học sinh và sinh viên: 86%, cụm dân cư: 83%. 
 
Bên cạnh các nội dung chủ yếu của phong trào thi đua thường xuyên, các địa phương đã chỉ đạo lồng ghép với các nội dung thi đua chuyên đề, thi đua theo đợt, đột xuất.
 
Cần đưa thi đua, khen thưởng đi vào chiều sâu
 
Từ năm 2004 đến nay, phong trào thi đua yêu nước tại các địa phương đã có chuyển biến, tác động tích cực, cổ vũ, động viên các tầng lớp nhân dân phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. 
 
Những thành công nổi bật phải kể đến sự chính là sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng và chính quyền luôn coi trọng việc xây dựng kế hoạch, các tiêu chuẩn, tiêu chí, thang điểm, tổ chức giao ước thi đua. Trên cơ sở đó, phát động phong trào thi đua yêu nước của cả nước, của từng địa phương. Bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng ở tất cả các cấp đang từng bước được kiện toàn tổ chức để đảm nhiệm công tác này. Thực tế cho thấy nơi nào tổ chức bộ máy làm công tác thi đua, khen thưởng được ổn định, có trình độ chuyên môn thì nơi đó hiệu quả công tác thi đua, khen thưởng được duy trì và thường xuyên được tăng cường.
 
Tuy nhiên, thời gian qua, việc thực hiện triển khai chưa có sự chỉ sát sao, trực tiếp đi kiểm tra uốn nắn kịp thời của các cấp uỷ đảng, chính quyền tới từng đơn vị cơ sở dẫn đến nhiều nơi chỉ “phát” mà không “động”, hưởng ứng chung chung, chưa có khả năng thuyết phục cao, lôi kéo được nhiều đối tượng, quần chúng nhân dân tham gia. Đặc biệt đối với các nơi ở vùng sâu, vùng xa, vừng biên giới và hải đảo càng khó khăn trong tổ chức thực hiện. 
 
Mặt khác, công tác tuyên truyền ý nghĩa của từng đợt thi đua chưa được sâu rộng, dẫn đến tình trạng các phong trào thi đua thực hiện hình thức và sức lan toả kém, tính sôi nổi trong thi đua lao động không được khơi dậy, hiệu quả từ việc tổ chức phong trào thi đua không cao. 
 
Điều này làm cho việc bình xét các danh hiệu mang tính cào bằng nể nang, thiếu tính điển hình tiên tiến nên có hiều đơn vị cuối năm khi tổng kết có 100% cá nhân đạt danh hiệu Lao động tiên tiến hoặc 60 - 70% Chiến sỹ thi đua cơ sở. 
 
Công tác khen thưởng tại các địa phương vẫn còn một số hạn chế nhất định trong tổ chức thực hiện như: Quy trình, thủ tục hồ sơ khen thưởng ở cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu với những thủ tục như xác nhận nộp ngân sách, bảo hiểm xã hội, môi trường, an toàn lao động còn rườm rà mỗi nơi thực hiện một khác. 
 
Phong trào thi đua yêu nước ở một số sở, ban, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị triển khai chưa đồng đều, chưa liên tục, chất lượng phong trào có nơi, có lúc chưa cao, công tác kiểm tra, đôn đốc còn hạn chế nên phong trào còn có biểu hiện hình thức, thiếu tính cụ thể, thiết thực...
 
Muốn làm tốt công tác khen thưởng thì phải lãnh đạo tốt phong trào thi đua và tổ chức việc bình bầu danh hiệu thi đua nghiêm túc ngay từ cơ sở.
 
Nơi nào có phong trào thi đua mạnh mẽ, đều khắp thì khen nhiều, phong trào thi đua xuất sắc thì khen cao, phong trào yếu thì ít khen mà khen nhiều là không đúng. Khen thưởng còn nhằm dẫn dắt phong trào thi đua, là định hướng phát triển xã hội. Việc khen thưởng từ phong trào thi đua thể hiện hướng đi đúng của phong trào cần được tiếp tục duy trì và phát huy. Tuy thi đua và khen thưởng có mối quan hệ khăng khít với nhau, tác động qua lại nhưng lại độc lập với nhau, không phụ thuộc chặt chẽ với nhau. Nếu thi đua là hành động cách mạng, tự nguyện, tự giác của quần chúng nhân dân có tổ chức của Nhà nước gắn liền với truyền thống yêu nước nồng nàn của dân tộc thì khen thưởng lại là chức năng quản lý của Nhà nước, là ghi nhận, biểu dương, khuyến khích, tôn vinh công trạng của nhân dân.
 
 Để công tác thi đua khen thưởng và phong trào thi đua yêu nước thực sự có hiệu quả trong việc thực hiện nhiệm vụ phát triển đất nước thì mỗi cá nhân, các cấp uỷ Đảng, chính quyền, đoàn thể và nhân dân chúng ta cần phải xác định rõ nhiệm vụ, quyết tâm thi đua để phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, góp phần cùng với cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc. 
 
Ngọc Tú
 
 
Ý kiến của bạn