Tân Việt đổi mới

 8975 lượt xem
Trải qua bao thăng trầm vì bom đạn chiến tranh kể từ ngày giành chính quyền, Tân Việt luôn phấn khởi, tự hào trước những đổi thay vượt bậc của quê hương... 

Xã Tân Việt (Thanh Hà) xưa kia giống như một ốc đảo. Tứ phía bao bọc bởi sông nước nên nơi đây quanh năm lầy lội. Nhiều người mắc bệnh "chân voi, chân đơn" cũng do thường xuyên phải lội nước. Không có trường học, học sinh phải bơi qua sông đi học nhờ ở xã khác. Cho đến bây giờ, lớp người cao tuổi ở Tân Việt vẫn còn nhớ câu ca “Trăm cái tội không bằng chỗ lội làng Côm” nói về những cực khổ vì cảnh đi lại khó khăn của địa phương mình trước đây. Nhưng cũng chính vị trí địa lý như vậy lại tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ Việt Minh hoạt động bí mật và phát triển phong trào cách mạng ở đây.  

Theo lịch sử đảng bộ địa phương, trước năm 1945 các hoạt động cách mạng đã diễn ra sôi nổi khắp các thôn, xóm ở Tân Việt. Nhiều địa điểm như chùa Vạn Tuế, nhà ông Cả Giới, nhà ông Lý Giáo... được Huyện bộ Việt Minh Thanh Hà chọn là nơi tổ chức các cuộc họp bí mật. Trong các ngày 21 và 22 -5 -1945, dưới sự chủ trì của đồng chí Trần Cung, Tỉnh ủy viên, tại đây đã diễn ra các cuộc họp bàn kế hoạch tổ chức biểu tình, biểu dương lực lượng Việt Minh từ chợ Nứa (xã Tân An) kéo về huyện lỵ Thanh Hà và họp bàn việc giành chính quyền của huyện và các xã. Ngày 25-5-1945, tại chùa Vạn Tuế, Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Thanh Hà được thành lập với 3 đảng viên. Dưới sự lãnh đạo của chi bộ, nhân dân Tân Việt đã tích cực tham gia tước vũ khí, phá kho thóc của Nhật ở bến đò Hương. Đầu tháng 8-1945, lực lượng Việt Minh xã Tân Việt đã tổ chức tuyên truyền, diễn thuyết công khai về 10 chính sách của Việt Minh, đồng thời kêu gọi nhân dân chống phát xít Nhật, không nộp thóc tạ cho Nhật, đoàn kết giúp nhau chống đói. Cuộc diễn thuyết tại sân đình Ngọc Lộ đã được đông đảo nhân dân hưởng ứng. Người dân Tân Việt, trong đó nhiều gia đình giàu có, khá giả đã tích cực tham gia mua tín phiếu với tổng số tiền 1.300 đồng để ủng hộ Việt Minh, chuẩn bị mọi điều kiện cho Tổng khởi nghĩa. Ngày 21-8, Huyện bộ Việt Minh Thanh Hà tiếp tục mở cuộc họp tại chùa Vạn Tuế bàn kế hoạch tổ chức lực lượng vũ trang cướp chính quyền. Ngày 22-8, từ các thôn, xóm của Tân Việt, từng chiếc thuyền cắm cờ đỏ sao vàng vượt qua cánh đồng nước mênh mông về bến đò Hương tham gia khởi nghĩa giành chính quyền ở huyện. Ngay sau đó, ngày 23-8, Mặt trận Việt Minh xã Tân Việt tập hợp lực lượng tự vệ vũ trang, tổ chức giành chính quyền ở 3 thôn Vạn Tuế, Cam Lộ, Ngọc Lộ, mở ra một thời kỳ mới cho nhân dân, thời kỳ người dân thực sự làm chủ mảnh đất quê hương mình. 
 
Về thăm lại Tân Việt vào một ngày thu tháng 8, chúng tôi thực sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay của nơi đây. Khu vực trung tâm xã, trụ sở làm việc của Đảng ủy, chính quyền, các trường mầm non, tiểu học, THCS, trạm y tế đều được xây dựng mới khang trang, sạch đẹp. Tại các thôn Cam Lộ, Ngọc Lộ, Vạn Tuế, đâu cũng thấy nhà cao tầng, nhà xây với kiến trúc hiện đại mọc lên. "Lội làng Côm" ngày xưa không còn. Thay vào đó là những con đường bê - tông phẳng lỳ. Ngay cả đường ra đồng của nhiều thôn cũng đang từng bước được kiên cố hóa. Do có nhiều sông nước, người dân Tân Việt phát triển mạnh ngành dịch vụ vận tải đường thủy. Mấy năm trở lại đây, nhiều hộ mở thêm dịch vụ vận tải đường bộ. Cơ cấu kinh tế của địa phương chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng dịch vụ thương mại lên 44,4%, giảm dần tỷ trọng nông nghiệp xuống còn 40,5%. Trong nông nghiệp, xã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển trang trại đạt hiệu quả cao và phát triển chăn nuôi, thủy sản tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa, bảo đảm vệ sinh môi trường. Nhờ đó, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 10 - 11%/năm. Xã đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài, phong trào xây dựng làng văn hóa. Đến nay, 2 trong số 3 thôn của Tân Việt đã được công nhận là làng văn hóa. Nhiều năm nay, Tân Việt luôn là một trong những xã có số học sinh giỏi, học sinh thi đỗ vào các trường đại học với điểm cao, đỗ thủ khoa đại học, cao đẳng thuộc tốp đầu của huyện... Kinh tế phát triển, người dân Tân Việt tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, tôn tạo các công trình công cộng, di tích của địa phương. Tại thôn Vạn Tuế, ngôi chùa  cổ, nơi thành lập Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện cũng vừa được trùng tu, tôn tạo với kinh phí gần 950 triệu đồng.
 
Theo ông  Nguyễn Tuấn Tiến, 74 tuổi, ở thôn Vạn Tuế, có được diện mạo của quê hương Tân Việt như ngày hôm nay là do Đảng bộ, chính quyền địa phương luôn biết dựa vào dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân. Dẫn chứng cho vấn đề này, trưởng thôn Vạn Tuế, Nguyễn Đắc Hồng cho biết:  Từ đầu năm đến nay, toàn thôn đã đầu tư kinh phí hơn 1 tỷ đồng để tôn tạo lại chùa Vạn Tuế, làm hơn 250 m đường nội đồng bằng bê - tông, xây dựng cổng ở 2 xóm Đoàn Kết, Lam Sơn. Trong đó, ngoài đóng góp của nhân dân còn có tiền ủng hộ của con em xa quê. Cách làm của thôn Vạn Tuế là cán bộ thôn, xóm chủ động xây dựng kế hoạch, dự toán xây dựng các công trình. Sau đó tổ chức họp, lấy ý kiến của nhân dân ở các xóm. Được sự đồng thuận của dân, thôn mới tiến hành triển khai kế hoạch. Trong quá trình thực hiện, thôn luôn làm tốt công tác tuyên truyền, vận động, công khai minh bạch về tài chính, phát huy quyền giám sát của dân... Tới đây, thôn Vạn Tuế tiếp tục vận động nhân dân tham gia hiến đất, mở rộng đường làng, phấn đấu xây dựng các tuyến đường của thôn đạt các tiêu chí của nông thôn mới.
 
Cách làm của thôn Vạn Tuế cũng là cách làm chung của các thôn Cam Lộ, Ngọc Lộ và của xã Tân Việt. Ông Nguyễn Quang Vỹ, 67 tuổi, Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Tân Việt cho biết: "Trải qua bao thăng trầm vì bom đạn chiến tranh kể từ ngày giành chính quyền, chúng tôi luôn phấn khởi, tự hào trước những đổi thay vượt bậc của quê hương Tân Việt hôm nay. Phát huy truyền thống cách mạng chúng tôi quyết tâm xây dựng quê hương ngày một tươi đẹp, văn minh". 
 
 
Ý kiến của bạn