Tuyên Quang: Đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào

 7936 lượt xem
Ngày 16-8, tại quảng trường Tân Trào, huyện Sơn Dương, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 67 năm Cách mạng Tháng Tám thành công, Quốc khánh 2-9 và đón nhận đón nhận Bằng xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào. 

Đồng chí Lê Hồng Anh trao Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào cho lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang. 

Dự Lễ kỷ niệm có các đồng chí: Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Huỳnh Ngọc Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội; lãnh đạo các Bộ, ban, ngành Trung ương; lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang; các đồng chí lão thành cách mạng, cán bộ tiền khởi nghĩa, Mẹ Việt Nam Anh hùng cùng đông đảo nhân dân các dân tộc Tuyên Quang.

Tại Lễ kỷ niệm, đồng chí Chẩu Văn Lâm - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Tuyên Quang đã đọc diễn văn ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng vẻ vang của toàn Đảng, toàn dân, trong đó nhấn mạnh sự đóng góp của đồng bào các dân tộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương nói riêng, tỉnh Tuyên Quang nói chung đối với thành công của Cách mạng Tháng Tám năm 1945. 
 
Diễn văn nhấn mạnh: Từ khi có Đảng, nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang một lòng một dạ sắt son theo Đảng, xây dựng phong trào, phát triển, củng cố cơ sở cách mạng vững chắc. Tuyên Quang là nơi đã tiến hành cuộc khởi nghĩa giành chính quyền cấp xã, cấp châu thắng lợi đầu tiên trong cả nước. Khi tình hình thế giới biến động mau lẹ, thời cơ có lợi cho cách mạng Việt Nam, Bác Hồ đã chỉ thị phải chọn ngay một địa bàn để làm căn cứ lãnh đạo cách mạng cả nước. Tân Trào, Tuyên Quang, mảnh đất hội tụ đầy đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hoà”, có dân tốt, có cơ sở cách mạng tốt, địa hình tốt, thuận tiện làm một trung tâm liên lạc với miền xuôi, miền ngược và nước ngoài, đã được chọn làm nơi đặt “đại bản doanh” của Trung ương Đảng để chuẩn bị các điều kiện tiến tới tổng khởi nghĩa. 
 
Trong lòng nhân dân cả nước, Tuyên Quang đã trở thành địa danh thân thiết và thiêng liêng, nơi khắc ghi những mốc son chói lọi, những trang sử hào hùng của Đảng và cách mạng Việt Nam; nơi ghi dấu những hình ảnh thân thương, những kỷ niệm sâu đậm về Bác Hồ - vị Cha già kính yêu của dân tộc. Tuyên Quang "Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến" đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử cao cả, bảo vệ tuyệt đối an toàn lãnh tụ và căn cứ đầu não của cách mạng, góp phần quan trọng vào thắng lợi vĩ đại của cuộc đấu tranh giải phóng và cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc Việt Nam.
 
Với gần 500 di tích lịch sử, Tuyên Quang mãi mãi là “bảo tàng sống”, là kho tư liệu vô giá của lịch sử Đảng và lịch sử cách mạng Việt Nam, là niềm tự hào của nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cũng như đồng bào cả nước. Đặc biệt, Khu di tích lịch sử Tân Trào “nằm trong hệ thống di tích lịch sử cách mạng quan trọng bậc nhất của lịch sử dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20”; trong đó, có những di tích nổi tiếng như: Lán Nà Lừa, đình Tân Trào, đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào, lán Hang Bòng, Khu Lập Binh - Bình Yên…luôn chứa đựng những dấu ấn sống động, sục sôi, hào hùng của Cách mạng Tháng Tám và cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tân Trào - mảnh đất địa linh, “Quê hương Cách mạng dựng nên Cộng hòa”, nơi hội tụ tinh hoa trí tuệ của dân tộc, luôn là điểm tựa tinh thần cho đồng bào cả nước trong tiến trình thực hiện các nhiệm vụ chiến lược của cách mạng Việt Nam, là địa chỉ đỏ trong công tác giáo dục truyền thống cho nhân dân mọi miền đất nước và là nơi tham quan, nghiên cứu hấp dẫn của bạn bè yêu chuộng hòa bình trên thế giới.
 
Phát huy truyền thống của quê hương cách mạng, trong sự nghiệp đổi mới, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang luôn đoàn kết, khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đạt được thành tựu quan trọng, toàn diện trên các lĩnh vực: Kinh tế của tỉnh tiếp tục tăng trưởng với tốc độ khá cao, bình quân 6 năm 2006 - 2011 tăng 13,81%; thu nhập bình quân đầu người năm 2011 tăng 25,5 lần so với năm 1991. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng tăng dần tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ; giảm dần tỷ trọng nông, lâm nghiệp, thuỷ sản. Công nghiệp có tốc độ phát triển nhanh.
 
Những đổi thay trên quê hương cách mạng ngày hôm nay là minh chứng sống động cho sức mạnh của khối đại đoàn kết; sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong tỉnh; là sự tri ân, động viên, giúp đỡ quý báu của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương, các tỉnh, thành bạn và của nhân dân cả nước đối với quê hương cách mạng.
 
Phát biểu tại buổi Lễ, đồng chí Lê Hồng Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã một lần nữa khẳng định sự cống hiến của nhân dân các dân tộc Tuyên Quang trong suốt những năm trường kỳ kháng chiến. Đảng bộ và nhân dân các dân tộc Tuyên Quang luôn làm tròn nhiệm vụ thiêng liêng của mình là xây dựng, chiến đấu, bảo vệ Thủ đô kháng chiến, bảo vệ tuyệt đối an toàn của các cơ quan đầu não của Trung ương và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tuyên Quang đã được Bác Hồ, Trung ương Đảng chọn làm nơi tổ chức nhiều đại hội, hội nghị quan trọng…có vai trò quyết định đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, làm tiền đề cho cách mạng Việt Nam tiếp tục đi lên.
 
Đồng chí Lê Hồng Anh khẳng định, lịch sử đã hun đúc lên những giá trị truyền thống trường tồn, là động lực cho sự phát triển của Tuyên Quang. Đó là truyền thống yêu nước nồng nàn, đoàn kết một lòng chống kẻ thù chung; truyền thống tuyệt đối trung thành với sự lãnh đạo của Đảng, với Bác Hồ, với cách mạng, ý chí khắc phục khó khăn hoàn thành nhiệm vụ. Việc xếp hạng Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Tân Trào là sự tôn vinh, đánh giá cao của Đảng và Nhà nước về vị trí, vai trò to lớn của khu di tích, đồng thời ghi nhận những đóng góp to lớn của Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang trong sự nghiệp cách mạng Việt Nam.
 
Đồng chí Lê Hồng Anh bày tỏ vui mừng khi chứng kiến trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Tuyên Quang đã năng động, sáng tạo, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, phấn đấu đạt nhiều thành tích quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của nhân dân không ngừng được cải thiện, nâng cao, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo…Những thành tích đó góp phần quan trọng vào những thành tựu chung cho sự phát triển của cả nước.
 
Đồng chí nhấn mạnh, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần tiếp tục đoàn kết, sáng tạo, chủ động khai thác triệt để, có hiệu quả các nguồn lực nội sinh và tiềm lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững, đưa Tuyên Quang trở thành một trong những tỉnh miền núi phát triển toàn diện, hòa nhập với cả nước vững bước trên con đường đổi mới.
 
Cùng với phát triển kinh tế, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang cần quan tâm đặc biệt đến công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, tăng cường phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, nâng cao chất lượng việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”, nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm của từng đảng viên và tổ chức Đảng trong việc phục vụ nhân dân; chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; củng cố nâng cao hiệu quả hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội. 
 
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Lê Hồng Anh đã trao Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Tân Trào của Thủ tướng Chính phủ cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Tuyên Quang.
 
Tại buổi Lễ đã diễn ra chương trình nghệ thuật đặc sắc với chủ đề “Sắt son quê hương Tân Trào” do các nghệ sĩ Nhà hát Ca múa nhạc Trung ương và các diễn viên của Trung tâm Văn hóa và Triển lãm tỉnh Tuyên Quang thể hiện. Bằng ngôn ngữ nghệ thuật, chương trình đã làm sống lại những ngày tháng lịch sử hào hùng của Thủ đô kháng chiến vào Tháng Tám mùa thu 67 năm trước đây.
 
 
Ý kiến của bạn