Dù là xã đặc biệt khó khăn thuộc Chương trình 135 của Chính phủ, với trên 90% dân số sinh sống trên địa bàn là đồng bào dân tộc, nhưng ở Đồng Sơn (Hoành Bồ) lại đang có những mô hình phát triển kinh tế rất hiệu quả. Bà con nơi đây đang từng bước khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới.
Mô hình nuôi dũi sinh sản ở hộ gia đình anh Đặng Văn Thành, thôn Tân Ốc 2, xã Đồng Sơn (Hoành Bồ).
Đến thăm mô hình nuôi dũi sinh sản của hộ gia đình anh Đặng Văn Thành, thôn Tân Ốc 2, đồng chí Đặng Hữu Linh, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Đây là một trong những mô hình nuôi dũi sinh sản đầu tiên của huyện, được sự hỗ trợ của Trạm Khuyến nông huyện, gia đình anh Thành đã đầu tư hệ thống chuồng trại mua 6 con dũi sinh sản về nuôi và bắt thêm dũi sinh sống tự nhiên trong rừng về tăng đàn. Đến nay gia đình anh đã có gần 30 con dũi và cũng từ mô hình của gia đình anh Thành đã lan rộng ra trên địa bàn xã với gần 10 hộ đang tham gia thực hiện nuôi dũi”.
Với lợi thế có trên 12.200ha rừng, nằm trong khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng nên người dân xã Đồng Sơn có thể khai thác các lâm sản phụ từ rừng phục vụ cho phát triển sản xuất.
Theo anh Thành: “ Được huyện quan tâm hỗ trợ cho một mô hình nuôi dũi sinh sản vợ chồng tôi đã mạnh dạn đầu tư gần 10 triệu đồng làm hệ thống chuồng trại. Tính theo giá thị trường hiện nay mỗi kg có giá bán khoảng 300.000 đồng thì chỗ dũi nuôi này của gia đình tôi cũng được gần chục triệu đồng. Tôi dự định sẽ đầu tư làm thêm chuồng mới để mở rộng.
Những năm gần đây cùng với phong trào chăn nuôi động vật có nguồn gốc hoang dã của nhân dân trong toàn huyện, bà con nông dân xã Đồng Sơn cũng đã phát triển mạnh mẽ nghề nuôi này với các loài như nhím, dũi, dê. Tính đến nay trên toàn xã đã có gần 70 hộ nuôi nhím, có hộ cho thu nhập 70-80 triệu đồng/năm. Kịp thời nắm bắt nhu cầu thị trường các hộ dân trong xã đầu tư nuôi được gần 300 con dũi. Các hộ gia đình đã kết hợp giữa chăn nuôi và trồng rừng cho thu nhập mỗi năm lên tới hàng trăm triệu đồng.
Ở một xã vùng cao như Đồng Sơn, đồng bào dân tộc chiếm 97% dân số, hệ thống cơ sở hạ tầng chưa phát triển, toàn bộ các tuyến đường từ trung tâm xã đến các thôn chưa được cứng hoá và có nơi chưa có, xã còn 4 thôn thì 2 thôn chưa có điện lưới. Trong 19 tiêu chí của Bộ tiêu chí Quốc gia về NTM thì Đồng Sơn mới chỉ có 3 tiêu chí đạt (an ninh, y tế, bưu điện), vì vậy mong ước thoát nghèo, xây dựng đời sống mới của bà con nơi đây càng mãnh liệt hơn, càng quyết tâm hơn. Triển khai chương trình xây dựng NTM vừa qua tỉnh đã quyết định ưu tiên đầu tư xây dựng tuyến đường từ trung tâm xã Đồng Sơn lên thôn Phù Liễn dài 8,2km theo tiêu chuẩn đường cấp A giao thông nông thôn với tổng mức đầu tư 29,4 tỷ đồng. Hiện công tác đầu tư đã cơ bản hoàn thành, chuẩn bị khởi công thực hiện, các tuyến đường giao thông, hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội khác cũng đang được quan tâm đầu tư để cùng với quyết tâm thoát nghèo của bà con trong xã, mục tiêu xây dựng NTM ở Đồng Sơn sớm thành hiện thực.