Vũ Thư - Thái Bình là huyện có đạo Phật du nhập sớm. Các tăng ni, tín đồ phật tử nơi cửa ngõ phía Tây này luôn bám sát phương châm “Đạo pháp, dân tộc, chủ nghĩa xã hội”, phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân”, thi đua yêu nước, xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, hăng hái góp sức, đồng lòng cùng toàn dân xây dựng quê hương, đất nước đẹp, giàu.
Coi công tác giáo dục chính trị, tư tưởng là quốc sách hàng đầu, Ban đại diện (BĐD) Hội Phật giáo Vũ Thư chú trọng triển khai Nghị quyết, thông bạch của Trung ương Giáo hội Phật giáo, Nghị quyết Đại hội VI Phật giáo tỉnh; hướng dẫn học tập Hiến chương, quy chế hoạt động, nội quy tăng sự đến từng vị tăng ni. Thực hiện Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo, các nghị quyết của UBND tỉnh về quy định hướng dẫn hoạt động tôn giáo, căn cứ vào tình hình thực tế, BĐD Hội Phật giáo huyện ra quyết định bổ nhiệm trụ trì cho một số vị, khuyến thỉnh sư thầy kiêm nhiệm trụ trì phục vụ tín ngưỡng cho nhân dân tại một số chùa chưa có sư trụ trì.
Đến cuối năm 2011, Vũ Thư có 47/111 chùa có sư trụ trì, với 77 tăng ni đang tu học, hoạt động phật sự trong phạm vi 27/30 xã, thị trấn. Trong 3 tháng an cư kết hạ để “Trưởng dưỡng đạo tâm, trang nghiêm giáo hội”, 75 - 80% tăng ni đã thu xếp công việc chùa cảnh, Phật sự tham gia trau dồi giới định tuệ, học tập nghiên cứu kinh điển, nâng cao trình độ về mọi mặt, được Tỉnh Hội đánh giá cao.
Để đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo tín đồ phật tử, các chùa đã tổ chức nhiều lễ hội truyền thống mang đậm nét dân gian, thể hiện sự hòa quyện giữa phật giáo và tinh thần dân tộc, như: nghi thức cầu an, cầu siêu, lễ hội hoa đăng, đại lễ Phật đản, đại lễ Vu lan báo hiếu… gắn với các hoạt động thiết thực như: Thăm hỏi, tặng quà các cụ già, người tàn tật, mẹ Việt Nam anh hùng, đối tượng chính sách, trẻ mồ côi…
Làm theo lời dạy của đạo Phật “Từ bi, hỷ xả, cứu khổ, cứu nạn”, phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “thương người như thể thương thân”, “lá lành đùm lá rách”, các tăng ni, phật tử luôn hăng hái đi đầu trong công tác từ thiện, đóng góp xây dựng các loại quỹ: Đền ơn đáp nghĩa, Vì người nghèo, quỹ khuyến học, ủng hộ xây dựng cổng làng văn hóa, xây 2 nhà tình nghĩa, thăm hỏi, trao hàng nghìn suất quà cho các học sinh có hoàn cảnh khó khăn, người nhiễm chất độc da cam. Điển hình như: Sư thầy Thích Đàm Tiến cùng các tín đồ phật tử chùa Sùng Quang, tặng 15 xe lăn cho người khuyết tật, trao quà cho nạn nhân chất độc da cam, người khiếm thị… trị giá lên tới hàng trăm triệu đồng.
Cứ đến dịp Tết Nguyên đán, chùa Keo lại tổ chức trao quà cho người nghèo, thưởng cho các cháu học sinh đạt thành tích cao trong học tập, tặng quà các cháu nhân ngày thiếu nhi, với tổng số tiền trên 250 triệu đồng và ủng hộ hơn 10 tấn gạo, hàng trăm thùng mì tôm, hàng nghìn cuốn vở cho đồng bào lũ lụt miền Trung. Chùa Ứng Linh, tặng áo ấm cho người cao tuổi, thành lập quỹ khuyến học, hàng năm đều tổ chức trao thưởng học sinh giỏi… Bên cạnh đó, các tăng ni còn khéo léo vận dụng lời Phật dạy giảng giải cho tín đồ phật tử tích cực làm nhiều việc thiện.
Hưởng ứng phong trào xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”, các tăng ni Phật giáo Vũ Thư luôn quan tâm đến việc trùng tu, sửa sang và xây dựng mới nơi thờ tự, bảo đảm đúng quy định cho phép. Tham gia lao động sản xuất, tạo của cải nuôi sống mình và làm việc thiện. Chấp hành nghiêm Hiến chương Giáo hội Phật giáo, các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vận động tín đồ và nhân dân bài trừ mê tín dị đoan, chống tệ nạn xã hội, góp phần giữ gìn thuần phong mỹ tục, xây dựng cuộc sống lành mạnh. Vì vậy, số chùa đạt “Chùa cảnh 4 gương mẫu” ngày càng tăng (năm 2007 là 28 chùa đến năm 2011 tăng lên 39 chùa).
Trong đó có 18 chùa được công nhận 5 năm liền, như: Chùa Keo, chùa Từ Khánh, chùa Ứng Linh, chùa Từ Vân… BĐD Hội Phật giáo huyện và 29 tăng ni, tín đồ được nhiều cấp, ngành khen thưởng, nhiều làng, khu dân cư có đông tín đồ phật tử đạt danh hiệu làng, khu dân cư “văn hóa”. Các tăng ni tích cực góp phần xây dựng khối đại đoàn kết, làm nhiều việc ích nước, lợi nhà, có gần 40 vị được nhân dân tín nhiệm bầu là đại biểu HĐND các cấp và giữ các chức vụ quan trọng trong các tổ chức đoàn thể. Các tăng ni dù ở bất cứ cương vị nào cũng là những công dân mẫu mực, không ngừng tu dưỡng đạo đức, trí tuệ, nêu cao tinh thần hòa hợp của Phật giáo, đem đạo vào đời, thi đua yêu nước, xây dựng “Chùa cảnh 4 gương mẫu”.