Xây dựng nông thôn mới: Những cách làm hiệu quả

 8594 lượt xem
Sau gần hai năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2015, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có cách làm sáng tạo và hiệu quả để hoàn thành các mục tiêu đề ra. 

Cảnh Thuỵ (Yên Dũng) là một trong 40 xã điểm của tỉnh xây dựng NTM giai đoạn 2012-2015. Xác định một trong những nội dung quan trọng của việc xây dựng NTM là tăng thu nhập và nâng cao đời sống cho người dân nên cấp uỷ, chính quyền xã tích cực chỉ đạo, vận động nông dân đưa giống cây trồng mới vào sản xuất. Đồng thời khai thác lợi thế đất đai màu mỡ trồng các loại rau xanh, rau giống cho thu nhập mỗi năm khoảng 10 tỷ đồng. Hiệu quả kinh tế đã được khẳng định nhưng do đồng ruộng manh mún, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch chi tiết về giao thông, thuỷ lợi nội đồng nên việc đưa tiến bộ kỹ thuật, công nghệ hiện đại vào sản xuất nông nghiệp hàng hoá tập trung còn hạn chế. Ông Ong Khắc Vượng, Chủ tịch UBND xã cho biết: "Khắc phục tình trạng này, cuối năm 2011, xã có Nghị quyết về việc "dồn điền, đổi thửa" để tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để nông dân thay đổi hình thức tổ chức sản xuất, giảm chi phí, tăng thu nhập". Theo đó, xã chọn thôn Tân Mỹ để làm điểm. "Vạn sự khởi đầu nan", ban đầu nhiều hộ dân còn chưa đồng thuận vì sợ nhận phải thửa ruộng cách xa nhà, khó khăn về nước tưới. Ban quản lý xây dựng NTM xã phối hợp với lãnh đạo thôn và các ngành, đoàn thể đến từng hộ vận động, nói rõ về lợi ích của việc tích tụ ruộng đất như không tốn kém kinh phí, tăng thu nhập… Cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện trước đã lôi cuốn bà con làm theo. Xã đầu tư 125 triệu đồng hỗ trợ tiểu ban xây dựng, quy hoạch để khảo sát thực trạng đồng ruộng, quy hoạch đường giao thông nội đồng, kênh mương, cắm hơn 200 cột mốc. Nhờ vậy, đầu năm nay, 45 ha đất canh tác của thôn Tân Mỹ với tổng số gần 2 nghìn thửa đã được dồn đổi lại còn 414 thửa, ô nhỏ nhất là 500 m2, lớn nhất 4.600 m2. Mỗi hộ chỉ còn 1-3 thửa, giảm 5-7 thửa so với trước đây. Ông Nguỵ Đình Khánh, người dân trong thôn cho biết: "Được cán bộ xã vận động, gia đình tôi có 7 thửa ruộng với diện tích một mẫu cách xa nhau nay dồn còn hơn một thửa. Vụ mùa này, tôi dùng  máy cày, bừa nên làm đất nhanh, giảm đáng kể công lao động. Đồng thời rút ngắn được thời gian chăm sóc lúa, dễ theo dõi và phòng trừ sâu bệnh". Nhiều hộ dân khác trong thôn cũng cùng chung suy nghĩ như gia đình ông Khánh. Được biết, để người dân thuận lợi trong sản xuất, xã đã đầu tư gần 1 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước để cứng hoá kênh mương nội đồng ở thôn Tân Mỹ. Đặc biệt, năm nay cùng với thôn Tân Mỹ, thôn Bẩy và thôn Đông được tỉnh chọn xây dựng "cánh đồng mẫu lớn" với tổng diện tích 50 ha. Dẫn chúng tôi đi thăm cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay, anh Nguyễn Khả Phương, Trưởng thôn Tân Mỹ phấn khởi nói: "Vụ mùa này, tỉnh hỗ trợ thôn gieo cấy 39 ha lúa hàng hoá BC15. Kết quả sản xuất những năm trước cho thấy, giống lúa này năng suất đạt 260-280 kg/sào, tiêu thụ thuận lợi với giá bán cao hơn các giống lúa khác 2-3 nghìn đồng/kg". 

Từ mô hình ở Tân Mỹ, đến nay, xã Cảnh Thuỵ tổ chức hội thảo để nhân rộng ra các thôn còn lại. Kế hoạch dồn đổi ruộng của toàn xã sẽ hoàn thành trong năm nay, mỗi hộ giảm chỉ còn 1-3 thửa. Để hoàn thành mục tiêu này, xã trích ngân sách hỗ trợ mỗi thôn 1,5 triệu đồng/ha dồn điền đổi thửa, 1 triệu đồng/ha xây dựng công trình phục vụ sản xuất và kinh phí cho ban chỉ đạo. Đến nay, xã hoàn thành 11/19 tiêu chí NTM, thu nhập bình quân đầu người đạt gần 14 triệu đồng/năm, cao gấp 1,3 lần so với  bình quân chung toàn huyện.
 
Xã điểm xây dựng NTM Hương Mai (Việt Yên) lại có giải pháp khắc phục những khó khăn về nguồn vốn hỗ trợ, huy động sức dân làm các công trình hạ tầng. Đây là tiêu chí đòi hỏi phải đầu tư kinh phí rất cao, mỗi công trình ước đến hàng tỷ đồng. Lãnh đạo xã đã có nhiều cuộc họp bàn. Ban đầu, khi triển khai nhiều người dân tìm cách "né" bởi thu nhập và mức sống chưa cao. Do đó, Ban quản lý xây dựng NTM xã phối hợp với các thôn có công trình xây mới kiên trì vận động, đả thông tư tưởng để người dân thấy rõ lợi ích đi đôi với nghĩa vụ, muốn xây dựng thành công NTM phải có sự chung tay góp sức của cả cộng đồng. Tại thôn Xuân Hoà, cán bộ, đảng viên gương mẫu góp tiền xây dựng công trình, vận động người dân cùng tham gia. Việc đóng góp và sử dụng nguồn vốn đều được công khai, thông báo trên loa truyền thanh để người dân thấy rõ hiệu quả và trực tiếp giám sát. Ngoài ra, thôn có cách làm linh hoạt để không ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân. Các hộ giàu, hộ khá và trung bình được khuyến khích đóng ngay một đợt; hộ thu nhập thấp đóng 50%, hộ đặc biệt khó khăn được miễn. Nhờ vậy, đến nay ngoài đóng góp ngày công, mỗi hộ trong thôn góp hai triệu đồng để cứng hoá đường nội thôn với chiều dài gần 1,7 km. Ông Bùi Xuân Lợi, Trưởng thôn Xuân Hoà cho biết: "Do có sự đóng góp của người dân nên thôn đã có đủ kinh phí đối ứng để làm đường bảo đảm tiến độ, nhiều đoạn đã hoàn thành khang trang sạch sẽ, người dân đi lại thuận tiện". Tương tự, người dân các thôn Mai Thượng, Mai Hạ đã đóng góp hàng nghìn ngày công và 500 triệu đồng để mua đất rải cấp phối mở rộng 2,5 km đường trục thôn từ 2-3 m nền đường lên 5-6m. Đặc biệt, xã huy động được người dân chung sức giải toả mặt bằng để thi công hai tuyến đường trục xã từ thôn Mai Thượng đi Trung Sơn và Quán Rãnh - Đồng Ích. Toàn xã đã có gần 100 hộ hiến gần 2.600 m2 đất, tháo dỡ tường rào, chặt hàng nghìn cây xanh và cây ăn quả để làm đường giao thông. Năm 2011, xã hoàn thành nâng cấp và xây mới phòng học trường THCS và trường mầm non. Sự đóng góp của nhân dân là một yếu tố quan trọng giúp xã đạt thêm 2 tiêu chí trong 6 tháng đầu năm nay. Hiện nay, xã đạt 12 tiêu chí NTM.
 
Xã Đồng Tâm (Yên Thế) cũng huy động người dân hiến 2,5 ha đất để mở rộng đường. Năm 2011, toàn xã đã rải cấp phối 4/4 tuyến đường trục chính dài gần 13 km, mặt đường rộng 6m theo tiêu chí NTM. Trong đó, người dân đóng góp  hơn 150 triệu đồng và ngày công để cứng hoá ba tuyến đường. Xã Đoan Bái (Hiệp Hoà) trích ngân sách 100 triệu đồng hỗ trợ mỗi km đường liên thôn cứng hoá; 100 triệu đồng xây mới nhà văn hoá, 10 tấn xi măng để làm đường nội thôn. Một số xã ở các huyện miền núi như: Thanh Hải (Lục Ngạn), Tuấn Đạo, Vĩnh Khương (Sơn Động), Đông Hưng (Lục Nam) còn khó khăn về kinh phí nên đã tập trung vận động người dân hoàn thành các tiêu chí "mềm" trước.
 
Những cách làm trên cần được nhân rộng trên địa bàn tỉnh để tiếp tục phát huy vai trò làm chủ của người dân trong xây dựng NTM.
 
Tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho xã điểm
 
Nên tiết giảm chi phí gián tiếp khi xây dựng công trình nhỏ (Ông Nguyễn Văn Năng, Chủ tịch UBND xã Bảo Đài, Lục Nam)
Theo quy định, hiện nay các công trình xây dựng nhỏ, người dân có thể tự làm như xây kênh mương, làm đường giao thông nội thôn nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ các khâu như lập bản vẽ thiết kế, giám sát... chi phí chiếm khoảng 30% tổng trị giá công trình. Mức chi phí như vậy là rất tốn kém trong khi nếu không thực hiện đầy đủ các bước trong đầu tư xây dựng thì khó quyết toán vốn. Bởi vậy, tôi kiến nghị tỉnh có cơ chế tạo điều kiện cho người dân địa phương khi xây dựng những công trình nhỏ được tiết giảm chi phí gián tiếp để tập trung vốn đầu tư, chất lượng bảo đảm hơn.
 
Phân bổ vốn sớm và có lộ trình theo từng năm (Ông Hoàng Văn Chiến, Chủ tịch UBND xã Cao Thượng, Tân Yên)
Theo kết quả rà soát hiện trạng nông thôn, hiện nay, xã Cao Thượng mới đạt 9/19 tiêu chí về nông thôn mới. Năm nay, xã có kế hoạch phấn đấu đạt ba tiêu chí là: giao thông, điện, trường học, ước kinh phí đầu tư khoảng 18 tỷ đồng. Mặc dù xã đã chuẩn bị điều kiện lồng ghép các nguồn vốn để thực hiện các tiêu chí này ngay từ đầu năm nhưng vẫn gặp khó khăn do nguồn vốn chính thức của Chương trình MTQG về Xây dựng NTM của Nhà nước hỗ trợ năm nay phân bổ chậm hơn năm ngoái. Do không nắm được nguồn vốn được hỗ trợ trước, lại chậm nên xã vẫn phải chờ ghi vốn dẫn đến tiến độ thực hiện các tiêu chí chậm. Vì vậy, tôi mong muốn thời gian tới tỉnh có kế hoạch phân bổ vốn sớm và có lộ trình theo từng năm để xã chủ động lựa chọn các tiêu chí phù hợp để làm trước. Đồng thời có cơ chế khuyến khích đặc thù bằng cách ưu tiên tăng mức kinh phí trích lại từ đấu giá đất cho xã điểm.
 
Hệ thống hoá các văn bản hướng dẫn để dễ tra cứu (Ông Nguyễn Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đoan Bái, Hiệp Hoà)
Hiện nay, Chính phủ và các bộ, ngành đã ban hành nhiều văn bản hướng dẫn việc thực hiện chương trình xây dựng NTM. Trong đó, một số văn bản chưa thống nhất về nội dung khiến các xã khó áp dụng. Mỗi khi thực hiện tiêu chí nào đó, cán bộ xã phải mất rất nhiều thời gian để tìm hiểu quy trình, thủ tục đầu tư. Bởi vậy, tôi đề nghị các cơ quan chức năng căn cứ vào nhiệm vụ của mình phối hợp ban hành sổ tay tập hợp các văn bản theo hệ thống, đồng thời hướng dẫn cụ thể và rõ thêm các nội dung để cán bộ xã dễ tra cứu, áp dụng vào thực tế, tránh sai sót.
 
 
Ý kiến của bạn
EMC Đã kết nối EMC