Nông thôn mới dần hiện hữu

 8395 lượt xem
Thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, tỉnh đã xây dựng Đề án "Xây dựng nông thôn mới tỉnh Lào Cai giai đoạn 2011 - 2015". Theo đó, đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có 36 xã hoàn thành 19 bộ tiêu chí Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Sau gần hai năm thực hiện, năm 2012 được coi là năm bản lề thực hiện Đề án, nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới cần số vốn hơn 1.500 tỷ đồng, nhiều vùng nông thôn đã có những khởi sắc, dáng vóc nông thôn mới đang dần hiện hữu. 

Dáng vóc nông thôn mới Mường Hum (Bát Xát).

Từ điểm sáng Quang Kim…

Nhiều tháng qua ở Quang Kim (Bát Xát) từ Làng San, An Quang, đến thôn vùng cao Tả Trang… nơi đâu cũng bắt gặp không khí thi đua lao động, sản xuất xây dựng nông thôn mới. Nhờ đó, đến nay Quang Kim là điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới của tỉnh, đã đạt 15/19 tiêu chí. 4 tiêu chí xã đang nỗ lực phấn đấu hoàn thành trong năm 2012 là: Chợ nông thôn, nhà dân cư, cơ cấu lao động và môi trường. Thời gian qua, Ban Chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới của xã và Ban phát triển các thôn được kiện toàn, Đồ án xây dựng nông thôn mới đã hoàn thành và được phê duyệt theo đúng trình tự. Để thực hiện thành công, Quang Kim chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, đồng thời lấy ý kiến của nhân dân về 19 bộ chỉ tiêu thông qua các hội nghị đã tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Các tiêu chí đã đạt được đều có khối lượng công việc lớn, như bê tông gần 100km đường giao thông liên thôn, nội thôn, liên gia, nội đồng; bê tông 23,8km kênh mương thủy lợi; 99% số hộ dân sử dụng điện lưới quốc gia; 18/18 thôn có nhà văn hóa, có 1 điểm bưu điện văn hóa xã và 44 điểm truy cập Internet; 17 thôn đạt danh hiệu văn hóa, 90% số hộ đạt danh hiệu gia đình văn hóa… Có được những kết quả đó, ngoài việc tích cực tuyên truyền, vận động, Quang Kim đã thực hiện lồng ghép chương trình xây dựng nông thôn mới với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư" và phong trào thi đua phát triển sản xuất, nâng cao đời sống nhân dân.
 
Với lợi thế về vị trí địa lý và phát huy nội lực tốt, Quang Kim đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất hàng hóa, hướng tới các mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao. Thực hiện tốt công tác quy hoạch, sắp xếp dân cư, vấn đề vệ sinh môi trường, cải tạo tập quán, thói quen sinh hoạt lạc hậu. Thực hiện đồng bộ các giải pháp đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an ninh nông thôn và an toàn giao thông. Quang Kim phấn đấu sớm hoàn thành 4 tiêu chí còn lại trong năm 2012, trở thành xã đầu tiên trong tỉnh đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới và phấn đấu trở thành đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới trong thời gian tới.
 
… Đến nỗ lực vượt khó của các xã
 
Noi gương sáng "lá cờ đầu Quang Kim", các xã trong toàn tỉnh, đặc biệt 35 xã hoàn thành xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011 - 2015 cũng nỗ lực vượt khó để ngày càng có thêm các tiêu chí đạt chuẩn. Thực tế qua quá trình triển khai thực hiện, Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã nảy sinh nhiều vấn đề như: Làm thế nào để chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa trong khi trình độ sản xuất của bà con còn lạc hậu; khả năng tiếp cận thị trường, nhận thức của người dân, trình độ một số cán bộ cấp xã còn hạn chế; việc phân bố dân cư ở các thôn, bản còn rải rác, công tác quy hoạch chưa được thống nhất, lâu dài, vị trí trung tâm của các xã còn nhỏ hẹp; hạ tầng nông thôn yếu kém; công tác vệ sinh làng, bản, vệ sinh môi trường hạn chế... Đặc biệt, huy động vốn là vấn đề khó khăn nhất, bởi để xây dựng toàn bộ các xã đạt chuẩn nông thôn mới cần phải có nguồn lực lớn với số kinh phí đầu tư khoảng 27.600 tỷ đồng. Trong đó, kinh phí cho giai đoạn 2011 - 2015 là trên 14.775 tỷ đồng, gồm từ nguồn ngân sách khoảng 7.000 tỷ đồng, còn lại là các nguồn vốn khác.
 
Nông dân xã Quang Kim tham gia làm đường giao thông liên thôn.
 
Xây dựng nông thôn mới là chương trình được thực hiện có sự đầu tư của Nhà nước và phát huy nội lực của địa phương, nhưng chương trình cũng cần tránh tư tưởng ỷ lại, bởi nhiều nơi người dân vẫn chờ đợi ngân sách Trung ương hỗ trợ. Khắc phục những hạn chế, yếu kém, với nỗ lực quyết tâm cao để tháo gỡ mọi khó khăn, thử thách nhằm thực hiện tốt kế hoạch xây dựng nông thôn mới, Ban Chỉ đạo của tỉnh và các địa phương đã đẩy nhanh việc rà soát, đánh giá thực trạng nông thôn, làm cơ sở tiến hành cùng lúc việc xây dựng quy hoạch, đề án nông thôn mới cấp cơ sở và cấp tỉnh; góp phần thực hiện tốt mục tiêu hoàn thành công tác quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết các xã vào thời gian sớm nhất.
 
Nhờ sự cố gắng, nỗ lực của các cấp chính quyền, cùng sự đồng lòng, quyết tâm cao của bà con các dân tộc, đến nay các vùng nông thôn như: Bảo Hà, Nghĩa Đô, Lương Sơn (Bảo Yên); Nậm Cang, Thanh Phú, Thanh Kim (Sa Pa); Bản Phố, Bảo Nhai (Bắc Hà); Sín Chéng, Bản Mế (Si Ma Cai); Mường Hum, Ý Tý (Bát Xát); Khánh Yên Hạ, Liêm Phú, Văn Sơn (Văn Bàn); Gia Phú, Sơn Hà, Sơn Hải (Bảo Thắng); Bản Lầu, Bản Xen (Mường Khương)… đã đạt từ 4 - 12 tiêu chí và nhiều miền quê khác trong tỉnh đã và đang hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới.
 
Giờ đây, những con đường bê tông liên thôn, xã; làng bản văn hóa, hệ thông kênh mương nội đồng; những cánh đồng trồng cây hàng hóa tập trung đạt giá trị kinh tế cao… ở Lào Cai đang minh chứng cho sự hiện hữu dáng dấp những vùng nông thôn mới.
 
 
Ý kiến của bạn