Xây dựng đội ngũ cán bộ cơ sở phục vụ chương trình nông thôn mới

 6974 lượt xem
Để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), cần phải làm thay đổi nhận thức, hành động của nông dân – chủ thể của NTM. Để tạo được sự thay đổi đó, cán bộ cơ sở khu vực nông thôn có vai trò rất quan trọng. Cần làm gì để nâng cao chất lượng cán bộ các xã, góp phần tích cực xây dựng NTM? 

 Hải Đông là xã được TP Móng Cái xác định ở nhóm về sau cùng, hoàn thành chương trình xây dựng NTM trong năm 2015. Đồng chí Lê Văn Cường, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho biết, tuy thành phố xác định thế, nhưng cấp uỷ, chính quyền xã ngay từ đầu đã rất quyết tâm làm tốt nhiệm vụ, trong đó có công tác cán bộ để sớm làm thay đổi đời sống nhân dân và tạo diện mạo mới cho các thôn trong xã. Để nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ xã, Đảng uỷ xã đã lãnh đạo, chỉ đạo tốt các khâu từ quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ. Những cán bộ năng lực tốt nhưng chưa hoàn thiện bằng cấp thì lãnh đạo xã động viên, tạo điều kiện cho đi học để đạt chuẩn về trình độ. Xã cũng rất chú trọng việc đề xuất, phối hợp để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tin học… cho cán bộ xã. Vì thế, đến nay, đội ngũ cán bộ của xã cơ bản đạt chuẩn về trình độ, đáp ứng tốt yêu cầu công việc, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng NTM. Năm 2011, Hải Đông được UBND tỉnh tặng bằng khen và biểu dương vì có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua “Xã, phường, thị trấn tiên tiến”.

 
Không riêng ở Hải Đông, bất cứ xã nào trong tỉnh có hệ thống chính trị vững mạnh, chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ đạt chuẩn và năng lực công tác tốt đều triển khai hiệu quả chương trình xây dựng NTM.
 
Cán bộ HTX xã Hải Tiến (TP Móng Cái) thăm mô hình nuôi cá rô phi của hộ nông dân trong xã.
 
Quảng Ninh có 125 đơn vị cấp xã trong chương trình xây dựng NTM. Theo thống kê của Sở Nội vụ, đến cuối năm 2011, số biên chế mà Quảng Ninh được giao theo Nghị định 92/2009/NĐ-CP của 125 xã NTM là 2.781 biên chế, trong đó cán bộ là 1.299 người, công chức là 1.180 người. Cũng theo báo cáo của Sở Nội vụ thì thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức cấp xã đã được các cấp uỷ đảng, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở coi trọng. Tỉnh luôn chủ động trong việc xây dựng kế hoạch, dành nguồn kinh phí thoả đáng cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ cơ sở.
 
Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Ninh, đồng chí Đinh Bá Trinh, Trưởng phòng Xây dựng hệ thống chính trị, Ban Xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh cho rằng: Tuy đã có cố gắng nhưng công tác đào tạo cán bộ của tỉnh thời gian qua vẫn chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu. Chúng ta mở nhiều lớp đào tạo nhưng việc đào tạo theo tiêu chuẩn nêu tại Quyết định số 04/2004/QĐ-BNV của Bộ Nội vụ về việc ban hành tiêu chuẩn cụ thể đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn thì vẫn còn nhiều bất cập. Theo lộ trình, đến 2015 phải có 90% cán bộ xã đạt chuẩn NTM. Tuy nhiên, theo thống kê cho thấy, hiện tại ở 125 xã mới có 573 người có trình độ ĐH (chiếm 23,11%); CĐ là 94 người (chiếm 3,79%); trung cấp là 1.114 người (chiếm 44,94%); sơ cấp là 81 người (chiếm 3,27%); chưa qua đào tạo về chuyên môn là 617 người (chiếm 24,89%). Về lý luận chính trị, hiện số đã qua đào tạo cử nhân, cao cấp là 29 người (chiếm 1,17%); trung cấp là 1.151 người (chiếm 50,46%); sơ cấp là 350 người (chiếm 14,12%).
 
Tỷ lệ người chưa qua đào tạo về chuyên môn còn quá cao, số cán bộ có trình độ ĐH lại khá khiêm tốn chính là những khó khăn, trở ngại lớn đối với tiến trình xây dựng NTM trong tỉnh. Đấy là chưa kể tình trạng nhiều cán bộ xã đã được đào tạo chuẩn, nhưng vẫn không đáp ứng được yêu cầu công việc. Số chưa qua đào tạo thường là cán bộ, công chức lớn tuổi, có cống hiến và gắn bó với cơ sở nhiều năm, nhiều người không đủ điều kiện được cử đi học. Do cơ sở nhiều việc, cơ chế chính sách chưa động viên, khuyến khích được cán bộ cơ sở đi học cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều cán bộ chưa đạt chuẩn về trình độ theo quy định.
 
Để khắc phục những hạn chế trên, theo lãnh đạo Sở Nội vụ tỉnh cần có cơ chế, chính sách thu hút những trí thức trẻ, có năng lực, trình độ về công tác tại các xã thực hiện chương trình xây dựng NTM; chỉ đạo các địa phương xây dựng lộ trình đào tạo, bồi dưỡng đối với cán bộ, công chức cấp xã chưa đạt chuẩn trong thời hạn từ 3 đến 5 năm tới. Cùng với đó là phân công nhiệm vụ cụ thể cho cán bộ, công chức cấp huyện, cấp xã phụ trách công tác xây dựng NTM ở các xã, thôn.
 
 
Ý kiến của bạn