Trong những năm qua, TP Hà Nội đã tích cực xây dựng hạ tầng công nghệ thông tin (CNTT), đồng thời đẩy mạnh triển khai ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính. Từ nay đến năm 2015, thành phố tiếp tục hoàn thiện hệ thống hạ tầng CNTT ở các ngành, các cấp, tiến tới xây dựng chính quyền điện tử và một nền hành chính hiện đại, công khai, minh bạch.
Ðầu tư hạ tầng kỹ thuật
Theo Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội, hiện nay, 116 đầu mối của các cơ quan sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố đã được kết nối mạng điện tử liên thông. Mạng lưới này đang bắt đầu triển khai lắp đặt tới các UBND xã, phường, thị trấn. Ðể kết nối với mạng điện tử liên thông, mỗi cơ sở đều phải xây dựng trang thông tin điện tử, mạng LAN kết nối nội bộ. Với cơ sở hạ tầng này, hệ thống giao ban trực tuyến đã được triển khai tại gần 60 điểm để tiến hành họp, giao ban trực tuyến với UBND thành phố. Cho đến nay, tất cả các sở, ngành, quận, huyện, thị xã của thành phố đã sử dụng hệ thống thư điện tử dưới sự quản lý của Văn phòng UBND thành phố. Hầu hết các đơn vị cũng đã xây dựng xong trang web để giới thiệu các thông tin hoạt động của ngành, địa phương, đồng thời cung cấp dịch vụ hành chính công trực tuyến. Trong đó, 12 đơn vị cung cấp dịch vụ tra cứu trạng thái hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến phục vụ tổ chức và công dân. Nhiều đơn vị đang sử dụng phần mềm "một cửa" tích hợp với các trang web nêu trên, phục vụ công tác tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính, bước đầu đạt kết quả tốt. Một số phần mềm chuyên ngành được triển khai thí điểm cũng đã phát huy hiệu quả như: phần mềm quản lý đơn thư khiếu nại tố cáo, phần mềm cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà và quyền sử dụng đất, phần mềm quản lý hộ tịch...
Từ tháng 9-2011, UBND thành phố Hà Nội yêu cầu các cơ quan được cấp chữ ký điện tử (gọi tắt là chữ ký số) triển khai ứng dụng tại bộ phận văn thư với các loại văn bản quy phạm pháp luật, quyết định, giấy mời họp, đồng thời khuyến khích các đơn vị mở rộng ứng dụng chữ ký số cho nhiều loại văn bản khác. Cho đến nay, hầu hết các sở, ngành, quận, huyện đã ứng dụng thành thạo văn bản điện tử nêu trên, góp phần giảm đáng kể thời gian tiếp nhận, triển khai các kế hoạch, hoạt động công tác. Bên cạnh việc xây dựng hạ tầng CNTT và đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng, thành phố đã hoàn thành Trung tâm Dữ liệu Hà Nội - "ngân hàng" thông tin kinh tế - xã hội tổng hợp và chuyên ngành của thành phố. Trung tâm này tích hợp với dữ liệu tại trang thông tin điện tử của sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã, sẽ tạo thành một hệ thống thông tin liên hoàn, nhằm cung cấp nhu cầu thông tin và xử lý các thủ tục hành chính nhanh gọn, chính xác. 100% số văn bản chỉ đạo điều hành của UBND thành phố được phép thông tin và 2.254 thủ tục dịch vụ hành chính công cũng đã được công bố rộng rãi trên Cổng Giao tiếp điện tử Hà Nội...
Những kết quả nêu trên đánh dấu bước quan trọng trong kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT của thành phố; góp phần rút ngắn khoảng cách giữa các quận, huyện, thị xã với các sở, ngành; tạo chuyển biến trong nhận thức và phương thức làm việc của các cán bộ, công chức. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả, vẫn còn nhiều hạn chế. Do hạ tầng kỹ thuật CNTT chung của thành phố chưa hoàn thiện, cho nên tần suất sử dụng hệ thống họp, giao ban trực tuyến tại các cơ quan nhà nước chưa cao. Phần mềm quản lý văn bản đã được cài đặt tại các đơn vị nhưng hiệu quả sử dụng còn thấp; các đơn vị chủ yếu mới sử dụng để quản lý văn bản đến. Tỷ lệ cán bộ, công chức sử dụng thư điện tử công vụ chưa cao. Cổng giao tiếp điện tử Hà Nội hoạt động ổn định và thuận tiện, nhưng chưa là cầu nối giữa Nhà nước và công dân do đơn thư, phản hồi của công dân qua cổng thông tin giao tiếp này chưa được nhiều đơn vị quan tâm trả lời. Một số dịch vụ công trực tuyến chưa phù hợp với điều kiện thực tế, cho nên hiệu quả phục vụ công dân và doanh nghiệp thấp... Những hạn chế này, ngoài nguyên nhân khách quan, còn có nguyên nhân là do nhận thức của một bộ phận cán bộ lãnh đạo các đơn vị, chưa thấy hết tiện ích của CNTT cho nên việc triển khai ứng dụng chưa đồng đều, tiến độ triển khai chậm. Sự phối hợp giữa các sở, ngành của thành phố chưa tốt, cho nên việc kết nối và tích hợp thông tin, dữ liệu còn nhiều bất cập...
Tạo chuyển biến mạnh mẽ
HÐND thành phố Hà Nội vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình mục tiêu ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước thành phố Hà Nội giai đoạn 2012-2015. Trong đó, thành phố xác định rõ mục tiêu trong giai đoạn này là hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật CNTT và triển khai ứng dụng rộng rãi trong cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, hiệu quả, tạo nền tảng phát triển chính quyền điện tử ở Thủ đô. Ðến năm 2015, tất cả các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện có cổng thông tin điện tử cung cấp đầy đủ thông tin và các dịch vụ công trực tuyến. 100% số cán bộ, công chức, viên chức được trang bị máy tính và sử dụng thành thạo máy tính. 50% số cuộc họp giao ban giữa UBND thành phố với các cơ quan nhà nước trực thuộc được thực hiện qua in-tơ-nét. 80% số văn bản, tài liệu chính thức được trao đổi hoàn toàn dưới dạng điện tử. Hầu hết các dịch vụ công cơ bản như: khai thuế và nộp thuế, thủ tục hải quan, cấp giấy phép đăng ký kinh doanh, cấp giấy đăng ký mới xe ô-tô, cấp giấy phép lái xe... được thực hiện qua mạng in-tơ-nét. Hoàn thiện hạ tầng bộ phận tiếp nhận, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính và ứng dụng phần mềm một cửa điện tử tại các sở, ban, ngành, UBND cấp xã. Tăng cường hiệu quả các kênh tiếp nhận ý kiến góp ý, các chuyên mục hỏi đáp trực tuyến người dân và doanh nghiệp về hoạt động giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan nhà nước trên môi trường mạng...
Ðể thực hiện mục tiêu nêu trên, TP Hà Nội chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã kiện toàn Ban chỉ đạo công nghệ thông tin của đơn vị mình, nâng cao vai trò, trách nhiệm của lãnh đạo các cấp về ứng dụng CNTT. Ðồng thời, các đơn vị phải xây dựng chương trình, kế hoạch ứng dụng CNTT của đơn vị mình đến năm 2015. UBND thành phố, ngoài việc ban hành các cơ chế, chính sách cần thiết sẽ tăng cường hoạt động giám sát, đánh giá mức độ triển khai của các đơn vị; có sự so sánh mức độ sử dụng và sự hài lòng của người dân đối với các dịch vụ hành chính công để có những giải pháp thúc đẩy kịp thời. Bên cạnh đó, cần tăng cường tuyên truyền về dịch vụ công trực tuyến cho người dân và tổ chức, doanh nghiệp, nhằm tăng cường tỷ lệ giao dịch qua mạng in-tơ-nét, cũng như cần nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ lãnh đạo các cấp về ứng dụng và phát triển CNTT. Phải coi đây là nhiệm vụ then chốt, là nòng cốt cho việc hoàn thành những mục tiêu đã đặt ra, góp phần nhanh chóng tiến hành thành nền hành chính điện tử của dân và vì dân.