Trước đây, hầu hết các thôn ở Yên Minh (Hà Giang) đều không có đường đi lại, việc vận chuyển, buôn bán hàng hoá của bà con chủ yếu bằng ngựa thồ, gây trở ngại lớn trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Xác định rõ vai trò quan trọng của hệ thống đường giao thông nông thôn, từ năm 2002, huyện đã tập trung chỉ đạo chương trình làm đường với mục tiêu các thôn, bản phải có đường đi bộ, xe máy đến trung tâm xã và các nhóm hộ gia đình.
Người dân xã Hữu Vinh (Yên Minh) tham gia bê-tông hóa đường giao thông nông thôn.
Ngay trong năm 2002, Yên Minh tập trung chỉ đạo các xã tuyên truyền, vận động nhân dân góp công, góp sức mở đường về các thôn, bản với bề rộng 1,5-2,5m (đường loại C). Huyện hỗ trợ về kỹ thuật và thuốc nổ để phá đá mở đường. Theo đó, đến năm 2007, Yên Minh đã hoàn thành mở đường giao thông nông thôn loại C cho 100% số thôn, bản.
Anh Sùng Mí Say, Trưởng thôn Tân Tiến (xã Hữu Vinh) tâm sự: “Khi biết huyện triển khai làm đường giao thông nông thôn, chúng tôi phấn khởi lắm, ai cũng nhiệt tình đóng góp ngày công và hiến đất mở đường. Có đường rộng nên việc đi lại và vận chuyển hàng hoá thuận lợi, dễ dàng hơn”.
Đến năm 2009, Yên Minh tiếp tục triển khai chương trình nâng cấp đường giao thông nông thôn từ loại C lên loại B (mặt đường rộng 4-4,5m). Huyện hỗ trợ về mặt kỹ thuật và kinh phí cho mỗi kilômét đường từ 7- 10 triệu đồng (trong 2 năm từ 2009-2010) và mức hỗ trợ này được nâng lên 30 -35 triệu đồng/km trong năm 2011.
Trên cơ sở kế hoạch được giao, các xã đã tập trung nhân lực để hoàn thành dứt điểm từng tuyến đường của từng thôn. Riêng đối với một số tuyến đường khó khăn, huyện tập trung đầu tư thông qua các chương trình, dự án như Chương trình 135, chương trình xây dựng cơ bản tập trung…
Nhờ đó mà đến cuối năm 2011, Yên Minh đã làm được trên 500km đường giao thông nông thôn loại B, trong đó có 90% số thôn có đường loại B vào trung tâm.
Ông Đỗ Viết Hợp, Chủ tịch UBND huyện Yên Minh cho biết: “Bước cuối cùng của chương trình làm đường giao thông nông thôn trên địa bàn huyện là bê-tông hoá đường vào các thôn và nhóm hộ. Để thực hiện điều đó, ngoài việc tiếp tục huy động sự đóng góp của người dân, huyện đã huy động tốt các nguồn lực đầu tư, trong đó chủ yếu là từ Chương trình 30a và Chương trình XDNTM. Từ những nguồn lực này, đến nay toàn huyện đã có 80/282 thôn, bản, thị trấn có đường bê-tông vào trung tâm và nhóm hộ gia đình”.