Phú Lộc là một trong 5 xã của huyện Nho Quan được chọn xây dựng nông thôn mới (XDNTM) giai đoạn 2011-2015. Đối chiếu với bộ tiêu chí Quốc gia về XDNTM thì đến nay Phú Lộc mới chỉ đạt 2 trong tổng số 19 tiêu chí.
Ông Nguyễn Xuân Biên, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Việc XDNTM ở Phú Lộc gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là về cơ sở hạ tầng. Hơn 8 km đường trục xã hiện nay đã xuống cấp nghiêm trọng; tỷ lệ đường liên thôn, liên xóm cứng hóa chỉ đạt khoảng 10%. Hệ thống kênh mương, đường giao thông nội đồng phần lớn chưa được kiên cố hóa. Trường Tiểu học, THCS và THPT tuy đã đạt chuẩn Quốc gia giai đoạn 1 song vẫn chưa đạt yêu cầu của bộ tiêu chí Quốc gia nông thôn mới. Trạm y tế xã đã được xây dựng từ lâu, cơ sở vật chất thiếu thốn, nghèo nàn. Việc bố trí sắp xếp khu dân cư của xã không đồng đều, kiến trúc nhà ở lộn xộn, chắp vá, thiếu hệ thống tiêu, thoát nước… Khó khăn, lúng túng lớn nhất mà Phú Lộc phải đối mặt là mục tiêu tăng thu nhập của người dân lên gấp 4 lần, giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 12% xuống dưới 6% và chuyển dịch cơ cấu lao động từ 80% nông nghiệp xuống 30% vào năm 2015.
Thực tế, người dân Phú Lộc sống chủ yếu dựa vào nghề trồng lúa trong khi diện tích canh tác toàn xã chỉ có gần 500 ha, trong đó trên 200 ha vùng trũng cấy 1 vụ lúa. Năm 2003 xã đã thực hiện dồn điền đổi thửa nhưng do địa hình phức tạp, chất đất không đồng đều nên hiện mỗi hộ vẫn sở hữu 8-12 mảnh ruộng, rất khó để đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Giá trị kinh tế trên một đơn vị canh tác của xã hiện mới đạt 33 triệu đồng/ha. Trong khi đó xã gần như không có nghề phụ, toàn xã chỉ có 10 doanh nghiệp xây dựng, 1 cơ sở may công nghiệp với số lượng công nhân không nhiều. Do vậy để tăng thu nhập cho người dân thực sự là “bài toán” khó.
Tuy nhiên, với quyết tâm cao Phú Lộc đang huy động tất cả mọi nguồn lực, đột phá vào điểm khó khăn nhất của xã, biến vùng úng lụt thành lợi thế để phát triển kinh tế. Hiện nay, xã đã chuyển đổi 250 ha cấy lúa kém hiệu quả sang nuôi cá và dần biến những vùng này thành các gia trại nuôi cá, vịt, lợn cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Bên cạnh đó, xã cũng đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp, tập trung vào việc phát triển 20 ha trồng rau sạch, khuyến khích người dân chăn nuôi các cây, con đặc sản. Nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, tạo điều kiện thuận lợi cho công nghiệp, dịch vụ phát triển trên địa bàn nông thôn, nhất là các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm sử dụng nhiều lao động.
Tập trung đào tạo nghề cho thanh niên để tham gia vào thị trường lao động, giải quyết việc làm và chuyển dịch cơ cấu lao động. Đồng thời tăng cường vận động, tuyên truyền nhằm chuyển biến nhận thức của cán bộ và nhân dân về vai trò, ý nghĩa, những chủ trương, nội dung và giải pháp thực hiện XDNTM, huy động nhân dân tham gia XDNTM, đặc biệt là trong quá trình làm đường giao thông, mở mang, chỉnh trang đường thôn xóm.