Đó là ông Nguyễn Hữu Trung, sinh năm 1935, ở thôn Phú Lâm, xã Phú Gia, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh. Hơn 60 năm qua, ông là người chuyên dẫn đường cho bộ đội biên phòng tuần tra, giữ cột mốc biên giới Việt - Lào, và giúp dân làng xây dựng đời sống ấm no.
Ông Trung (phải) và con trai.
Tình nguyện dẫn đường cho bộ đội
Đã mấy lần, tôi dự định lên phía tây sát biên giới Việt - Lào để gặp cho được người trưởng thôn gốc người Lào ấy, mãi hôm nay ước nguyện mới thành. Miền núi, trời đang cuối hè, đầu thu nhưng gió đã mang về cả hơi lạnh.
Khác với hình dung của chúng tôi, ở cái tuổi “cổ lai hy” nhưng trông ông còn mạnh khỏe lắm, nước da hồng hào, giọng nói rền vang.
Ông Nguyễn Hữu Trung, nguyên quán ở bản Mang Cháng, huyện Mường May, tỉnh Khăm Muộn, nước Lào.
Ông Trung nhớ lại: “Xa quê hương bản quán nên năm nào tôi cũng được bố mẹ đưa sang Lào thăm anh em, họ hàng. Ngày đó không phải đi đường ô-tô như bây giờ mà phải xuyên rừng. Về bên đó như về nhà mình vậy thôi, chung một tiếng nói, cùng ăn, cùng ở, không có gì vui hơn. Lần nào trở lại, gia đình bên Lào cũng gửi lợn, gà, cơm nếp cho tôi về làm quà”.
Nhờ thông thạo đường rừng, lại nhanh nhẹn nên từ năm 14 tuổi ông đã tham gia dẫn đường cho bộ đội biên phòng Đoàn 957 và 959 mỗi khi đi tuần tra. Năm 1954, ông là trung đội trưởng dân quân tự vệ. Ông Trung nhớ lại, những năm đó nơi đây là một khu rừng tiểu mạch sát biên giới Việt - Lào nên nhiều người lợi dụng vượt biên. Có trường hợp như nhà Phan Tường vượt biên cả gia đình năm, sáu người. Khi biết tin, ông đã cùng bộ đội lần theo manh mối, xuyên qua các con đường tiểu mạch để truy bắt. Đúng thời điểm đó, mưa to gió lớn, không có cái ăn những người vượt biên dạt vào chợ Da, sau đó được lôi kéo trở về.
Năm 1969, một lần phát hiện ra tên phi công nhảy dù, ông và hai anh bộ đội vào rừng truy bắt. Nhưng khi bắt được rồi thì cả nhóm bị lạc giữa rừng. Đến bây giờ ông vẫn không tin vì sao mình sống được giữa rừng sâu, trong suốt mười lăm ngày, chỉ có rau rừng, nước suối cầm hơi.
Vào năm 1971-1972, để chuẩn bị giải phóng miền Nam, bộ đội đoàn 559 nghỉ chân tại thôn Phú Lâm này. Ngày đó, làng ông chỉ có 30 hộ sống thưa thớt, ông là bí thư thôn. Ông và thanh niên trong làng đi chặt tre về dựng lán cho bộ đội ở. Thấy bộ đội vất vả, ông bàn dân làng mang đồ ăn đến cho những người lính áo xanh. Để bộ đội yên tâm hằng đêm, ông cùng thanh niên trong làng thức trắng đêm canh gác. Chính ông cũng là người dẫn bộ đội vào nhà thợ họ Nguyễn làm chỗ để máy móc, đánh chữ truyền tin phục vụ cách mạng.
Hòa bình lặp lại, ông lại tình nguyện đưa bộ đội biên phòng đi cắm mốc biên giới Việt - Lào. Ông Trung nhớ lại: “Núi rừng chằng chịt, phải len lỏi qua các con đường tiểu mạch. Mỗi chuyến băng rừng bao giờ cũng mất vài ngày trời, phải mang theo cả xi-măng, gạch đá trên vai không phải là dễ”. Thế nhưng theo như lời ông Trung điều mà người đi cột mốc sợ nhất đó là lạc đường và gặp phải thú dữ. Năm đó, khi xây dựng xong cột mốc số 8 ở biên giới, đoàn đi không nhớ đường, lạc mất cả ngày trời, sau phải gọi ông đưa đi tìm lại.
Nghĩa nặng tình sâu
Trong ngôi nhà ngói trống trải không đủ ngăn gió, ngăn mưa, thứ quý giá nhất có lẽ là những chiếc bằng khen tổ quốc đã ghi nhận công lao của ông Nguyễn Hữu Trung. Kể chuyện ngày hai ông bà gặp nhau, bà Phạm Thị Hạnh, vợ ông, vẫn không khỏi tự hào: “Chúng tôi đến được với nhau là cũng nhờ bộ đội đồn 571 họ giới thiệu rồi tổ chức cho đấy”.
Bà Hạnh là con gái thôn Phú Lâm, ngày đó vẫn có quan niệm gái Phú Lâm thì lấy chồng Phú Lâm. Ông Trung là người Lào, bố mẹ mất sớm, lại suốt ngày đi biên giới sợ không lo toan được việc gia đình nên ban đầu, bố mẹ bà không đồng ý. Nhưng rồi được bộ đội vun đắp, hai ông bà lấy được nhau, năm đó ông Trung đã 39 tuổi. Ông bà có bảy người con.
Cho đến bây giờ, người dân ở đây vẫn ghi nhận ông Trung là người Lào duy nhất tại tỉnh giữ chức trưởng thôn. Nhưng chính nghĩa cử cao đẹp, nhiều khi quên cả thân mình, mới khiến cho người dân thôn Phú Lâm thán phục.
Người dân trong làng còn kể lại chuyện bà Lê Thị Vinh (một người vô gia cư) chết thối trong rừng. Ông Trung vào rừng gánh xác bà về chôn cất. Thương tâm hơn là anh Ngô Văn Hào, chết giữa rừng bị thú rừng cắn đứt một bàn tay, nghe người gọi trong đêm, ông không quản khó khăn, đêm tối vào tận rừng sâu đem xác nạn nhân về chôn cất.
Đến nhà ông Trung dễ nhận ra có một vườn thuốc nam trước cửa. Ông Trung cho biết: “Nếu không có vườn thuốc nam này, không ít người đã bỏ mạng rồi đấy”. Các loại cây thuốc được ông dày công lên tận rừng đem về trồng, để chữa bệnh cho đồng bào. Những căn bệnh nan y như: sưng thận, suyễn, hen, lên sởi, rắn cắn, ong đốt… tất cả ông học hỏi từ bố mình. Nhiều bệnh nhân đứng trước sự sống và cái chết, đến gặp ông chỉ biết kêu than thì vẫn được ông cứu sống. Chuyện em Nguyễn Thái Loan (3 tuổi), ở đội 3, xã Phú Gia, huyện Hương Khê là một điển hình, bị hen quá nặng đã ra vào hầu hết các bệnh viện nhưng không khỏi khi đến ông chỉ uống chưa đầy bốn thang thuốc bệnh đã khỏi hẳn.
Chia tay, bà Hạnh kể một câu chuyện làm chúng tôi cứ thấm thía: “Ông Trung là người Lào, có lần về thăm anh em đến cả tháng trời không thấy sang, cứ tưởng ông ấy ở luôn bên đó. Ngày ông ấy về, tui cứ mừng mừng tủi tủi”.
Nghe bà nói vậy ông Trung giãi bày: “Ở mô cũng là nhà, Việt hay Lào đều là anh em”.