Chuyển dịch cơ cấu trong sản xuất nông nghiệp đã trở thành một vấn đề đáng quan tâm. Việc thay đổi giống cây, giống con trong sản xuất nông nghiệp sao cho phù hợp với tiềm năng của mỗi địa phương để từ đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội đã trở thành vấn đề lớn, nhất là trong quá trình cả nước đang ra sức thực hiện việc xây dựng Nông thôn mới (NTM).
Tuy không nằm trong những xã điểm của tỉnh về xây dựng NTM. Nhưng trong những năm qua, chính quyền và nhân dân xã Chân Mộng - huyện Đoan Hùng, tỉnh Phú Thọ đã tích cực thực hiện hợp phần phát triển sản xuất nhằm phục vụ mục tiêu xây dựng NTM của xã. Ông Nguyễn Văn Dũng, chủ tịch UBND xã khẳng định: “Chính quyền và nhân dân xã Chân Mộng quyết tâm tập trung mọi nguồn lực để thực hiện tốt việc xây dựng NTM, trong đó quan trọng nhất là hỗ trợ bà con phát triển sản xuất, tăng thu nhập để có nguồn lực tốt phục vụ quá trình xã hội hóa trong xây dựng NTM”.
Xã Chân Mộng - huyện Đoan Hùng đang có những đổi thay nhất định nhờ vào việc đã tìm ra được hướng đi trong việc chuyển đổi sản xuất nông nghiệp. Chân Mộng có tổng diện tích đất nông, lâm nghiệp gần 813 ha, mục đích sử dụng khá đa dạng như gieo trồng các loại cây lương thực, trồng rừng, trồng chè, nuôi thả thủy sản… Thu nhập của người dân ở đây vẫn chủ yếu trông vào nông, lâm nghiệp. Xác định rõ như vậy nên chính quyền xã đã chủ động, tích cực và mạnh dạn lồng ghép thực hiện việc phát triển sản xuất, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp để nâng cao thu nhập cho người dân từ chính ruộng đồng, đồi rừng. Đây là yếu tố quan trọng để nâng cao đời sống cho nhân dân, góp phần thực hiện có hiệu quả việc xây dựng NTM.
Thuận lợi trong sản xuất nông, lâm nghiệp ở Chân Mộng là đất đai đang thực hiện quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020, đất có độ chua thấp, thành phần cơ giới trung bình, độ phì ổn định. Đất ruộng phù hợp với thâm canh cây lúa nước và hoa màu các loại. Đất đồi thuận lợi cho phát triển kinh tế đồi rừng trồng cây chè, cây nguyên liệu giấy... Tuy nhiên đất đai trong xã vẫn chưa được khoanh lô dồn điền đổi thửa nên vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp.
Từ nguồn vốn được phân bổ cùng với những nguồn vốn đầu tư khác, chính quyền xã đã tập trung phát triển sản xuất theo hướng đẩy mạnh chăn nuôi và đầu tư vào cây chè, mạnh dạn thay thế các giống chè cũ bằng giống chè DH1 có năng suất và chất lượng cao. Tính đền thời điểm này, toàn xã đã thay thế được 10,6/44ha chè, trong đó có 2,6 ha chè chất lượng cao. Nhiều hộ dân có diện tích chè lớn đã tự mình tìm mua các giống chè có năng suất cao để đưa vào thâm canh. Ngoài ra, xã cũng đang trồng thí điểm giống chè chất lượng cao Phúc Vân Tiên và Kim Tiên. Từ nhiều năm nay, cùng với đồi rừng, cây chè vẫn là một trong những cây chủ lực trong phát triển kinh tế của Đoan Hùng nói chung và Chân Mộng nói riêng. Tuy nhiên, sau một thời gian dài, các giống chè cũ đã không còn phù hợp và đáp ứng sản xuất với quy mô lớn nên cần thay thế. Cùng với việc tiến hành thay thế chè giống cũ, chính quyền xã cũng chủ trương đưa chăn nuôi trở thành một trong những vấn đề trọng điểm để đầu tư nhằm phát triển kinh tế của địa phương. Toàn xã đã có 40 con lợn giống máu ngoại được đưa về nhằm cải tạo năng suất và chất lượng đàn lợn trên địa bàn. Đây chỉ là bước đầu trong quá trình cải tạo chất lượng đàn vật nuôi nhằm tăng giá trị kinh tế, giúp người dân có thêm thu nhập.
Ông Dũng cho biết thêm: “Trong thời gian tới, chính quyền xã sẽ cố gắng lồng ghép nguồn vốn từ các nguồn khác nhau, tập trung hỗ trợ sản xuất và xây dựng cơ sở hạ tầng, tạo tiền đề vững chắc để khai thác nguồn lực nội tại, từng bước tiến tới xã NTM”.
Tuy nhiên, hợp phần phát triển sản xuất phục vụ mục tiêu xây dựng NTM ở Chân Mộng vẫn còn nhiều khó khăn cần khắc phục, đặc biệt là vấn đề về nguồn vốn hỗ trợ. Theo dự tính, trong quá trình hoàn thành mục tiêu, mỗi năm xã cần hỗ trợ khoảng 1,5 tỷ đồng, song trên thực tế số vốn mà xã được nhận hỗ trợ trong 2 năm 2011, 2012 mới chỉ khoảng 300 triệu đồng. Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ nhân dân trong xã có tâm lý ỷ lại vào nguồn vốn và các chính sách hỗ trợ của Nhà nước, chưa mạnh dạn đầu tư, thay đổi phương thức sản xuất cho phù hợp nên cũng khiến cho việc xã hội hóa xây dựng NTM chưa thực sự đạt hiệu quả cao.
Tuy nhiên, với sự vào cuộc tích cực của chính quyền xã cùng với sự đồng tình, của nhân dân trong xã, việc hợp phần phát triển sản xuất phục vụ mục tiêu xây dựng NTM ở Chân Mộng sẽ thu được nhiều kết quả cao, hoàn thành sớm các tiêu chí trong bộ tiêu chí xây dựng NTM.