Gặp gỡ người được nước bạn Lào tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất

 9320 lượt xem
Kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt - Lào, 35 năm hợp tác Lào - Việt không những là dịp để hai nước thắt chặt thêm mối quan hệ keo sơn, bền vững, mà còn là dịp để hàng trăm, hàng ngàn cán bộ, sĩ quan, chiến sĩ Việt Nam đã chiến đấu, công tác, giúp nước bạn Lào giành độc lập dân tộc, trên tinh thần quốc tế cao cả ôn lại những kỷ niệm khó quên trên đất nước bạn. 

Dù hiện nay đã trở về Việt Nam, sống, làm việc ở nhiều miền quê, nhiều môi trường khác nhau, nhưng nhắc đến những năm tháng làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, họ luôn dành tình cảm sâu đậm về quãng thời gian tốt đẹp đó. Một trong những con người như vậy là ông Bùi Văn Hạc, ở thôn Liên Kết, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà. Năm nay dù đã 81 tuổi đời, nhưng khi nói về quãng thời gian 7 năm làm chuyên gia tại Lào, ông Hạc vẫn sôi nổi, hào hứng như buổi còn xuân xanh.

Ông Bùi Văn Hạc quê ở xã Hưng Long, huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương, đi bộ đội công tác tại Tỉnh Đội Ninh Bình, năm 1957 phục viên về quê, đi học ngành thương nghiệp, ở lại làm giáo viên tại Trường Sơ cấp Thương nghiệp tỉnh Hải Dương, sau đó được điều động về công tác tại Công ty XNK của tỉnh. Đến năm 1968, ông được điều động đi làm chuyên gia ngoại thương tại nước bạn Lào, công tác tại cửa khẩu bản Cà Pú, huyện Viêng Thom, tỉnh Tà Ven Oïc (Mặt trời mọc). Tại đây, đơn vị của ông Hạc được giao nhiệm vụ: Dùng cà phê và một số mặt hàng của Việt Nam viện trợ đổi lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh của địch để tiếp tế cho quân đội cách mạng Lào. Để khai thác được nguồn hàng của địch, các cán bộ của ta phối hợp với cán bộ bạn làm công tác dân vận quần chúng để người dân Lào giác ngộ cách mạng, mang hàng hóa của ta vào “vùng địch” trao đổi hàng của địch, mang về đơn vị tiếp tế cho cách mạng Lào. Công tác dân vận quần chúng gặp không ít khó khăn, phần do bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán, phần do sự truy lùng, kiểm soát gắt gao của kẻ địch, nhưng với tinh thần “Giúp bạn là giúp chính mình”, các cán bộ trong đơn vị của ông Hạc đã nỗ lực, gan dạ hết mình, nên hàng trăm ngàn tấn gạo, lương thực, thực phẩm, hàng ngàn cơ yếu thuốc chữa bệnh khai thác được của địch đã được chuyển đến các vùng căn cứ cách mạng, đáp ứng nhu cầu của quân đội tình nguyện Việt Nam và quân đội cách mạng Pathet Lào. Tuy nhiên, việc tiếp nhận, cất giấu hàng hóa Việt Nam để đổi hàng địch, cũng như việc vận chuyển hàng đổi được của địch đến các vùng căn cứ cách mạng gặp không ít khó khăn do địa hình phức tạp, lại hay bị máy bay địch đánh phá, địch phục kích, truy lùng... Đã không ít lần đoàn vận chuyển lương thực của đơn vị ông Hạc bị máy bay địch oanh tạc, hoặc bị lính địch phục kích tấn công. Trong những lần ấy, ngoài sự khôn khéo, mưu trí để “thoát hiểm”, các cán bộ của đơn vị còn phải anh dũng chiến đấu để bảo vệ hàng hóa và đã có một số cán bộ phải hy sinh tính mạng để hàng hóa được đến tay bộ đội cách mạng. Ông Hạc nhớ lại: Đã không ít lần ông ngậm ngùi chia tay với đồng đội, đồng chí bên những nấm mộ giữa rừng. Riêng ông, với kinh nghiệm có được từ người bạn cố vấn quân sự truyền lại đã giúp bản thân và đơn vị nhiều lần thoát được các trận phục kích, oanh tạc của kẻ địch. Không những thế, ông còn giúp các đơn vị dân quân du kích của bạn cách đào hầm tránh bom, cách sử dụng vũ khí, cách vận động trong rừng để đánh du kích... Vì vậy, ngoài việc làm tốt công tác dân vận được người dân trong các buôn, bản mến phục, nghe theo, ông Hạc còn được các dân quân, du kích nước bạn ở địa bàn công tác tin tưởng làm theo và đã tránh được nhiều thiệt hại, hy sinh, cũng như có được những thắng lợi trong các đợt chống càn, đột kích diệt địch... Nói về kinh nghiệm của công tác dân vận, ông Hạc cho biết: Ngoài sự chân thành, khôn khéo, mình phải biết người dân muốn gì, thiếu gì để giúp đỡ, tạo lòng tin. Với ông, trong những lần vào buôn, bản làm công tác dân vận, thường hay mang chỉ thêu màu của Việt Nam tặng cho các thiếu nữ nước bạn, vì với thiếu nữ Lào họ rất thích nghề thêu, may nên rất thích chỉ màu của Việt Nam.  Ông cũng thường hỏi thăm sức khỏe, cắt tóc cho trẻ em, người già. Ông kể: Trong một đêm mưa gió, nằm trong lán trại, bỗng nghe tiếng của người dân khóc gào thảm thiết ở gần đơn vị đóng quân, ông bật dạy chạy đến, thấy một cụ ông bị trúng gió, cấm khẩu, tay chân cứng đờ. Kinh nghiệm trong những lần cùng cán bộ quân y xuống cơ sở khám bệnh cho dân mách bảo: Cụ ông bị trúng gió, ông đã dùng thìa ăn cơm cạy miệng cụ ông đổ thuốc vào miệng, dùng dầu xoa, dùng kim châm cứu hai bên khóe miệng, nhân trung, cằm và những “huyệt” trên cơ thể. Sau một hồi cấp cứu, cụ ông tỉnh lại, nói năng được, cả nhà và hàng xóm mừng vô kể, hết lời cảm ơn cán bộ Việt Nam. Đến sáng, kẻ địch tổ chức càn quét, người dân trong buôn, bản đã dùng xe đạp chở ông chạy vào rừng trốn thoát. Sau đó, họ mổ bò ăn mừng việc cứu sống cụ ông và mang thịt đến biếu đơn vị ông Hạc và cũng từ đó trong buôn, bản có gì vui buồn, đều tìm đến ông Hạc báo tin.
 
Với những thành tích đạt được trong quá trình làm chuyên gia tại nước bạn Lào, năm 1971, ông Hạc được Bộ Ngoại thương mời về dự Hội nghị tổng kết công tác giúp nước bạn Lào, được tặng Bằng khen và đặc cách đề bạt giữ chức Phó phòng XNK Việt Nam trước khi quay trở lại nước bạn Lào tiếp tục công tác. Năm 1974, ông Hạc về nước, được nước bạn Lào tặng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ quốc tế giúp nước bạn Lào, ông Hạc trải qua nhiều nhiệm vụ khác nhau ở Hà Nội, ở vùng KTM Nam Ban, Lâm Đồng và nay về hưu ở thôn Liên Kết, xã Liên Hà, huyện Lâm Hà, ông vẫn là người cán bộ, đảng viên (43 tuổi Đảng) gương mẫu trong cuộc sống và lúc nào cũng chất chứa trong lòng một tình cảm thủy chung, keo sơn với nước bạn Lào anh em.
 
 
Ý kiến của bạn