65 năm ngày Bác Hồ ký sắc lệnh thành lập Viện huân chương 17/9/1947 - 17/9/2012

 9412 lượt xem
(BTĐKT) - Trải qua 65 năm, thực hiện sắc lệnh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, (17/9/1947 - 17/9/2012), thi đua - khen thưởng đã được nâng lên tầm tư tưởng, đường lối chính trị; Bác Hồ coi thi đua yêu nước là biểu hiện lòng yêu nước của mỗi người dân Việt Nam yêu nước: “Thi đua là yêu nước, yêu nước là phải thi đua và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Thi đua yêu nước đã trở thành phương pháp cách mạng mang đậm bản sắc dân tộc Việt Nam. Luật Thi đua, Khen thưởng có ghi: “Mục tiêu của Thi đua là tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao”. 

Trong Lời kêu gọi Phát động thi đua Ái quốc, Người từng viết: Thi đua là phải trường kỳ. Thi đua phải toàn dân, toàn diện. Trong các việc thi đua ái quốc, cần phải nêu rõ tinh thần cần, kiệm, liêm, chính. 

Chính vì vậy, những người làm công tác thi đua, khen thưởng cần phải làm những gì để đưa thi đua, khen thưởng vào cuộc sống? Làm thế nào để phát huy tính tích cực trong thi đua để xây dựng một xã hội mới, xây dựng nhiều mô hình mới, xây dựng con người mới, làm cho “mặt thiện sinh sôi”, và “nhân lên cái chân, thiện, mỹ”, đồng thời làm cho “cái ác phải đẩy lùi”? Làm thế nào để hạn chế được mặt trái của nền kinh tế thị trường, đẩy lùi tiêu cực như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Thi đua khen thưởng là động lực phát triển và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới”. Viện Huân chương, nay là Ban Thi đua -Khen thưởng Trung ương đã tham mưu và đang hoàn thiện Đề án “Đổi mới công tác thi đua, khen thưởng” để trình Bộ Chính trị; triển khai thực hiện dự án sửa đổi, bổ sung Luật thi đua, khen thưởng trình Chính phủ; đẩy mạnh công tác tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của nhà nước về thi đua khen thưởng và nhân rộng điển hình tiên tiến; tập trung giải quyết cơ bản công tác khen thưởng thành tích kháng chiến; xây dựng phần mềm số hóa và quản lý số liệu lưu trữ về công tác thi đua, khen thưởng. Ngoài ra, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương sẽ phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tăng cường, đẩy mạnh tuyên truyền về công tác thi đua, khen thưởng, đặc biệt tuyên truyền và nhân rộng về gương điển hình tiên tiến. 
 
Trong thời gian qua, việc thực hiện Chỉ thị 39/CT-TW của Bộ Chính trị (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến”, công tác xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về thi đua, khen thưởng đã có những tiến bộ quan trọng, tạo khuôn khổ pháp lý ngày càng hoàn chỉnh hơn để Nhà nước quản lý thi đua, khen thưởng bằng luật. Hội đồng Thi đua - khen thưởng và tổ chức bộ máy thi đua, khen thưởng các cấp tiếp tục được củng cố kiện toàn, hoạt động ngày càng có hiệu quả. Các cơ quan truyền thông đại chúng có nhiều hình thức tuyên truyền, biểu dương người tốt, việc tốt.
 
Phong trào thi đua, yêu nước đã được triển khai với nội dung, tiêu chí, hình thức phát động thi đua từng bước được đổi mới, bám sát nhiệm vụ chính trị và tình hình thực tiễn của từng Bộ, ngành, địa phương đơn vị. Đặc biệt, sau khi Bộ Chính trị phát động cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các phong trào thi đua yêu nước đã gắn với cuộc vận động. Đã có nhiều tập thể, cá nhân đạt thành tích xuất sắc, được các cấp trung ương, địa phương khen thưởng kịp thời. Những tiến bộ đó đã góp phần tích cực để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, mục tiêu đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường đoàn kết dân tộc và đồng thuận xã hội.
 
Để nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vị trí, vai trò và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng cần tiếp tục tập trung quán triệt sâu sắc, đầy đủ Chỉ thị 39 nhằm không ngừng nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức cách mạng, cần kiệm liêm chính, chí công vô tư, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, phòng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ, công chức đảng viên làm công tác thi đua, khen thưởng, làm cho cán bộ trong toàn hệ thống chính trị phải coi công tác thi đua, khen thưởng là động lực cách mạng to lớn để thực hiện nhiệm vụ chính trị và là biện pháp quan trọng để xây dựng con người mới làm tốt nhiệm vụ hàng ngày của mình, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu “Thật ra công việc hàng ngày chính là nền tảng của công tác thi đua”.
 
Hoài Thanh
 
 
Ý kiến của bạn