Tiếp tục thực hiện phong trào thi đua: “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”

 6408 lượt xem
Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Hội liên hiệp Phụ nữ, Hội Khuyến học vừa thống nhất ban hành Kế hoạch phối hợp số 861/KH/BGDĐT-BVHTTDL-TƯĐTN-HLHPNVN-HKHNV thực hiện phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”. 

Mục đích của phong trào này là nhằm đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, nâng cao chất lượng và hiệu quả của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” (Phong trào thi đua) trong năm học 2012-2013. Mỗi bộ, ngành, đoàn thể đóng góp vào phong trào thi đua phù hợp với thế mạnh của mình và thông qua kế hoạch phối hợp để phát huy sức mạnh tổng hợp trong việc chăm lo sự nghiệp “trồng người”, vì tương lai của mỗi gia đình và sự phát triển của đất nước.

Nội dung cụ thể của phong trào là duy trì, mở rộng và tạo sự bền vững các mô hình THTT, HSTC ở các vùng khác nhau trong mỗi tỉnh, thành phố. Chú trọng xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, tích cực của nhà trường, cộng đồng và gia đình. Có cơ chế giám sát và hỗ trợ thực hiện cụ thể, có giải pháp đỡ đầu đối với những trường còn khó khăn ở mỗi địa phương. Thông qua đó, giáo dục giá trị văn hóa thông qua các nội dung của phong trào thi đua, phù hợp với thực tiễn, sắc thái văn hóa của địa phương, đảm bảo sự phát triển lâu dài, bền vững, không chạy theo thành tích, hình thức….
 
Trong nội dung của kế hoạch trên đã phân công cụ thể nhiệm vụ của các bên. Cụ thể là đối với Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì chỉ đạo: 
 
Xây dựng trường xanh, sạch, đẹp tùy theo điều kiện mỗi địa phương. Học sinh tham gia tích cực trong việc bảo vệ và chăm sóc cảnh quan môi trường. Xây dựng lớp học đẹp, thân thiện ở tất cả các nhà trường. Đảm bảo an toàn trong trường học: phòng chống đánh nhau, chơi điện tử có nội dung không lành mạnh và các tệ nạn xã hội khác thâm nhập học đường. Xây dựng môi trường văn hóa, nếp sống, ứng xử văn hóa, đạo đức, trách nhiệm xã hội, ý thức công dân trong học sinh. Thầy cô giáo là tấm gương cho học sinh noi theo trong cả nếp sống và tinh thần học tập, làm việc. Giảm tối đa tỉ lệ học sinh bỏ học, có cơ chế tổ chức thực hiện ở từng cơ sở dưới sự chỉ đạo trực tiếp của lãnh đạo địa phương. Xây dựng cơ chế phối hợp xây dựng THTT, HSTC của các ban, ngành, đoàn thể ở mỗi địa phương. Nhà trường, cộng đồng và gia đình tích cực phối hợp trong từng công việc cụ thể dưới sự lãnh đạo trực tiếp của chính quyền địa phương nhằm tạo điều kiện tốt cho học sinh học tập, vui chơi, rèn luyện. 
 
Đối với Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh chủ trì chỉ đạo: 
Tổ chức chương trình “Khi tôi 18”. Tổ chức Lễ tri ân và trưởng thành của học sinh lớp 12 và vận dụng phù hợp đối với học sinh lớp 9, lớp 5, mẫu giáo 5 tuổi.
 
Đối với Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì chỉ đạo: 
Phối hợp với các cơ quan, ban, ngành thực hiện đảm bảo “3 đủ” ở tất cả các địa phương trong toàn quốc. Tích cực vận động, quyên góp, huy động sự giúp đỡ của cộng đồng để năm học 2012-2013 không có học sinh bỏ học do không đảm bảo “3 đủ”. Đảm bảo học sinh an toàn khi đi học và học tập tại nhà. Phối hợp, đề xuất giải pháp ngăn chặn tình trạng chơi game có nội dung bạo lực hoặc không lành mạnh tại nhà và ngoài xã hội. 
 
Đối với Hội Khuyến học Việt Nam chủ trì chỉ đạo: 
Tổ chức tháng 9 khuyến học; xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện việc hỗ trợ học sinh có hoàn cảnh khó khăn. Có hướng dẫn các cấp Hội triển khai và báo cáo kết quả. 
 
 
Ý kiến của bạn