Mới 33 tuổi, nhưng thầy Ngô Văn Hào, giáo viên môn toán Trường TH&THCS Bằng Cả (Hoành Bồ) đã có 12 năm “đứng lớp”. Mảnh đất Bằng Cả là nơi anh gắn bó như quê hương thứ hai của mình. Không chỉ truyền dạy những kiến thức toán học, anh còn là người có công lớn góp phần mang công nghệ thông tin (CNTT) đến với con em đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây.
Nằm cách trung tâm huyện khoảng 30 cây số, xã Bằng Cả có tới 97% là đồng bào người Dao Thanh Y sinh sống, đời sống kinh tế - xã hội còn khó khăn, trình độ nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Thầy giáo trẻ Ngô Văn Hào chính thức về công tác tại Trường TH&THCS Bằng Cả từ tháng 9-2006. Lúc này, việc ứng dụng CNTT tại nhiều trường học trong tỉnh đã khá phổ biến, nhưng ở Trường TH&THCS Bằng Cả, hầu hết học sinh là người dân tộc thiểu số, ngay cả nhiều giáo viên khi được hỏi tới cũng lắc đầu bảo: “Mấy thứ đó ở thành phố thì hợp, chứ trên này có cũng không ai biết sử dụng...”. Là giáo viên tốt nghiệp Khoa Toán - Tin Trường CĐ Sư phạm Quảng Ninh, Ngô Văn Hào rất trăn trở…
Thầy Ngô Văn Hào luôn tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp dạy học hiệu quả.
Biết rằng việc ứng dụng CNTT vào giảng dạy là chủ trương đang được Bộ GD-ĐT khuyến khích để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy và học, năm 2008, anh mạnh dạn đề xuất với lãnh đạo nhà trường đầu tư mua máy tính, máy chiếu phục vụ vào việc giảng dạy trên lớp cho giáo viên, học sinh. Đề xuất của anh được thầy hiệu trưởng hoan nghênh, ủng hộ với điều kiện “Hào phải là người trực tiếp chịu trách nhiệm quản lý, khai thác, sử dụng những trang thiết bị mới tại trường, sao cho đạt hiệu quả cao nhất”. Được thầy hiệu trưởng đặt niềm tin, Ngô Văn Hào càng quyết tâm vượt qua những khó khăn, trở ngại đưa CNTT về với ngôi trường Bằng Cả. Anh kể: “Hôm chở máy về trường bằng xe máy, vừa qua suối một đoạn thì trời đổ mưa. Lo sợ máy tính bị nước mưa làm ướt hỏng, tôi phải cởi cả áo để che máy. Về tới trường cũng không dám bật máy lên ngay vì sợ chập điện, mà phải lấy máy sấy cho khô. Đến khi mở thử thấy máy chạy bình thường mới thở phào nhẹ nhõm...”.
Sau khi đưa máy về trường, Ngô Văn Hào một mình tự mày mò lắp đặt phần cứng, phần mềm, thiết kế đường dây mạng… Mặc dù đã có cơ sở vật chất, nhưng ý tưởng của anh lại gặp khó khăn vì hầu hết giáo viên trong trường chưa được đào tạo qua CNTT, có người thậm chí không biết sử dụng máy tính, nói gì tới việc giảng dạy bằng giáo án điện tử. Bằng lòng nhiệt tình của tuổi trẻ, kỳ nghỉ hè năm đó, Ngô Văn Hào ở luôn tại trường gần 1 tháng để “tập huấn” CNTT cho các đồng nghiệp. Sau “khoá học” này, nhiều thầy, cô trong trường đã sử dụng khá thành thạo máy tính, máy chiếu vào các giờ giảng dạy trên lớp. Hầu hết các thầy cô bộ môn cơ bản biết sử dụng phần mềm văn phòng như word, power point; thói quen soạn giáo án viết tay được đổi mới bằng máy tính… Trong suốt quá trình đổi mới cách dạy và học, thầy Hào luôn là người đi đầu ứng dụng CNTT ở trường lớp, đồng thời anh còn kiêm luôn vai trò của người thợ sửa chữa mỗi khi có sự cố kỹ thuật, máy móc hỏng hóc. Sau nhiều năm ứng dụng CNTT vào giảng dạy, tới nay, Trường TH&THCS Bằng Cả đã có hơn chục chiếc máy tính được kết nối mạng LAN để chia sẻ tài liệu. Bên cạnh đó, Trường còn lắp đặt mạng wifi phục vụ nhu cầu tra cứu tài liệu của giáo viên, học sinh. Dù làm việc tại ngôi trường vùng xa, điều kiện thiếu thốn mọi bề, song Ngô Văn Hào vẫn luôn tìm tòi, nghiên cứu các phương pháp dạy học hiệu quả, đặc biệt là phương pháp giảng dạy bằng giáo án điện tử. Vừa qua, giáo án điện tử môn toán học do anh sáng tạo đã đoạt giải nhất tại cuộc thi “Bài giảng ứng dụng CNTT cho dạy học tích cực” do Sở GD-ĐT tổ chức.
Ngô Văn Hào cho biết: “Đây là giáo án điện tử tôi thiết kế bằng kiến thức tích luỹ nhiều năm nay và được thể hiện qua một bài toán lớp 9 có tên “vị trí tương đối của hai đường tròn”. Nội dung bài giảng được xây dựng dựa trên sự tích hợp của nhiều công cụ có kết hợp của hình ảnh, video, âm thanh… Ưu điểm của giáo án là được thể hiện dưới dạng web gọn nhẹ, tiện dụng cho mọi đối tượng. Đặc biệt, giáo án đã khắc phục được cách học lối mòn, bởi học sinh có thể tương tác với bài học, tự chọn phần học và chấm điểm kết quả thông qua hình thức trắc nghiệm. Qua đó, đã lôi cuốn và tạo lập ý thức chủ động trong học tập của các em”.
Thầy Lê Trung Chính, Hiệu trưởng Trường TH&THCS Bằng Cả nhận xét: “Thầy Ngô Văn Hào là giáo viên trẻ rất sáng tạo và năng động. Mặc dù có hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố là thương binh mất sớm, song thầy vẫn nỗ lực vươn lên. Ngô Văn Hào là người có công lớn trong việc đổi mới phương pháp dạy học bằng ứng dụng CNTT tại Bằng Cả. Từ đó nhiều thế hệ học sinh tại đây đã từng bước được tiếp cận với CNTT, nâng cao chất lượng học tập. Không chỉ giỏi công tác chuyên môn, thầy Ngô Văn Hào còn tích cực tham gia các phong trào, hoạt động đoàn thể với cương vị là Bí thư Đoàn Trường”.
Mới đây, thầy Ngô Văn Hào đã vinh dự được nhận bằng khen của UBND tỉnh về thành tích xuất sắc trong phong trào lao động sáng tạo giai đoạn 2007-2012. Đây là niềm động viên, khích lệ to lớn để anh tiếp tục có những cống hiến cho sự nghiệp giáo dục của địa phương.