Huyện Thuận Bắc có 6 xã, trong đó có 5 xã đặc biệt khó khăn. Trong những năm qua, nhờ khai thác hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên và các nguồn lực khác, Thuận Bắc đã từng bước chuyển dịch dần cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Bước vào thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới, huyện Thuận Bắc xác định rõ mục tiêu phải xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội đồng bộ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân.
Thực hiện mục tiêu trên, từ đầu tháng 3 năm nay, Huyện ủy Thuận Bắc đã ban hành nghị quyết về "Xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2011-2020” với nội dung nhiệm vụ được xác định cho từng giai đoạn. Đồng chí Hà Anh Quang, Bí thư Huyện ủy Thuận Bắc cho biết: “ Nghị quyết đã đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2015 sẽ xây dựng xã Công Hải đạt chuẩn về nông thôn mới và đến năm 2020 sẽ có thêm 3 xã Lợi Hải, Bắc Phong và Bắc Sơn đạt chuẩn xây dựng nông thôn mới’. Hiện nay về cơ bản, các xã trong huyện đã triển khai quy hoạch Đề án xây dựng nông thôn mới, riêng 2 xã Lợi Hải, Bắc Sơn đã được UBND huyện phê duyệt Đề án quy hoạch chi tiết và trong tháng này sẽ có thêm Đề án của xã Công Hải được phê duyệt. Anh Nguyễn Đức Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Thường trực Ban chỉ đạo Xây dựng nông thôn mới huyện Thuận Bắc giới thiệu: “Qua khảo sát, đánh giá, hiện xã Bắc Phong đạt 8 tiêu chí, xã Công Hải đạt 6 tiêu chí, 2 xã Lợi Hải, Phước Chiến đạt 5 tiêu chí và 2 xã Bắc Sơn, Phước Kháng đạt 4 tiêu chí. Các xã có điểm chung là đều đạt tiêu chí về an ninh, trật tự xã hội và điện”.
Đến Thuận Bắc vào dịp này, chúng tôi ghi nhận được sự thay đổi quan trọng về kết cấu hạ tầng giao thông và thủy lợi. Ấn tượng đầu tiên là 100% xã đều có đường giao thông đến trung tâm xã có thể đi lại được cả 2 mùa mưa nắng, riêng tuyến đường cấp phối Lợi Hải đang được nâng cấp, trải nhựa. Tính chung, đường giao thông trên địa bàn huyện có tổng chiều dài 140,7 km, trong đó có 20,1% đường bê-tông nhựa, 12,4% đường láng nhựa, 16,8% đường xi-măng, 17,6% đường cấp phối và 33,2% đường đất. Về thủy lợi, toàn huyện hiện có 3 hồ chứa nước (Sông Trâu, Ba Chi và Ma Trai) phục vụ cho sinh hoạt và nông nghiệp với dung tích chứa theo thiết kế 32,417 triệu m3, trong đó riêng hồ Sông Trâu có dung tích 31,53 triệu m3. Nhờ các hồ chứa này, Thuận Bắc đã có khoảng 2.500 ha đất canh tác nông nghiệp được phục vụ tưới. Bên cạnh đó, Thuận Bắc còn có 21 đập dâng lớn, nhỏ rải rác ở các xã Phước Chiến, Phước Kháng, Công Hải, Lợi Hải và Bắc Sơn dẫn nước tưới cho diện tích gần 1.000 ha đồng lúa 3 vụ. Chỉ tính các công trình trong hệ thống hồ Sông Trâu, Ba Chi và Ma Trai đã có 2 trạm bơm điện (Động Thông và Lợi Hải) phục vụ tưới diện tích 250 ha, hiện còn có Trạm bơm Mỹ Nhơn (Bắc Phong) đang xây dựng, khi hoàn thành có thể tưới thêm cho trên 205 ha. Riêng hệ thống kênh tưới, tiêu nội đồng do xã quản lý có tổng chiều dài gần 152 km, trong đó có 88 km đã được kiên cố hóa (đạt tỷ lệ 57,2%).
Theo anh Nguyễn Châu Cảnh, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, nhìn chung hệ thống thủy lợi đã cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp, có 4 xã đã đạt được tiêu chí này, song về giao thông chỉ mới có xã Phước Chiến đạt tiêu chí của nông thôn mới. Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2015, Thuận Bắc sẽ tập trung hoàn thiện đường giao thông Công Hải-Phước Chiến, Lợi Hải, Phước Kháng, Đá Mài Trên-Suối Le, Ba Tháp-Suối Le; hoàn thiện việc nhựa hóa hoặc bê-tông hóa hệ thống giao thông từ xã đến thôn, liên thôn, đường ngõ xóm và giao thông nội đồng. Trong giai đoạn 2016-2020, sẽ tiếp tục hoàn thiện các hạng mục trên để đến năm 2020 tất cả các xã trong huyện đều đạt tiêu chí giao thông của nông thôn mới. Đối với thủy lợi, hiện có xã Bắc Phong và Bắc Sơn chưa đạt tiêu chí nên trong thời gian đến, Thuận Bắc sẽ xây dựng thêm các hệ thống thủy lợi tại vùng có điều kiện để mở rộng sản xuất như ở đập Bà Rợ, đập Suối Câu, các trạm bơm, cống tiêu…và kiên cố hóa kênh cấp 2,3 ở xã Bắc Phong và Bắc Sơn, hệ thống kênh Bắc, đồng thời duy tu sửa chữa một số tuyến kênh nhánh hồ Sông Trâu bị xuống cấp.
Anh Nguyễn Đức Hùng bộc bạch: “Để phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội, còn nhiều việc phải làm như đầu tư cho trường học, cơ sở vật chất văn hóa, chợ nông thôn, bưu điện, nhà ở dân cư, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, v..v…Nhưng theo tôi việc hoàn chỉnh hạ tầng giao thông, thủy lợi là bước tiến cơ bản để thúc đẩy nông thôn đổi mới”. Theo chúng tôi, Đề án đã xác định rõ việc đầu tư kết cấu hạ tầng xây dựng nông thôn mới, cho nên vấn đề còn lại là Thuận Bắc phải có cách huy động được nguồn vốn qua thực hiện lồng ghép các chương trình, dự án, đầu tư của doanh nghiệp và đóng góp của nhân dân.