Sau 2 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, bộ mặt nông thôn tại các tỉnh, thành phía Nam bước đầu có sự khởi sắc, trong đó đổi thay lớn nhất là cơ sở hạ tầng nông thôn.
Tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng
Báo cáo của Ban Chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cho biết, sau 2 năm thực hiện, tại 32 tỉnh, thành phía Nam (từ TP.Đà Nẵng trở vào), bước đầu Chương trình xây dựng NTM đã phát huy hiệu quả. Tính đến thời điểm hiện tại, có 1.037/3.198 xã phê duyệt xong đồ án quy hoạch NTM (đạt 33%). Trong đó, TP.Đà Nẵng, Gia Lai, An Giang, Đăk Nông, Trà Vinh, Cần Thơ, Sóc Trăng… đã cơ bản hoàn thành quy hoạch chi tiết.
Làm đường giao thông nông thôn là hoạt động được các tỉnh phía Nam triển khai hiệu quả.
Với tổng vốn đầu tư 10.090 tỷ đồng từ ngân sách T.Ư và địa phương, các tỉnh phía Nam đã chỉnh trang, nâng cấp gần 26.000km đường giao thông nông thôn (gồm đường xã, thôn, ấp); 8.000km kênh mương và gần 2.000 công trình cầu, cống các loại. Đặc biệt, các tỉnh Quảng Nam, Đồng Nai, Bến Tre, Long An, Sóc Trăng, Đồng Tháp… do có chính sách hỗ trợ từ ngân sách phù hợp nên đã huy động được sự tham gia nhiều hơn của cộng đồng trong tu sửa, nâng cấp đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương, xây dựng nhà văn hóa, trường học...
Hệ thống nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn được triển khai đã giúp tỷ lệ hộ dân nông thôn được sử dụng nước sạch tăng lên đáng kể. Hiện tại, vùng Đông Nam Bộ có tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 90% (cao hơn trung bình cả nước 10%); khu vực Tây Nguyên đạt 72%.
Nông dân là chủ thể
Trong 2 năm thực hiện Chương trình xây dựng NTM vừa qua, người dân đã nhận thức rõ hơn về chủ trương, chính sách trong xây dựng NTM. Ban chỉ đạo T.Ư cho rằng, các cuộc vận động đã được người dân hưởng ứng tích cực. Tại các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, người dân đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hiến hàng nghìn m2 đất ở, cây cối, hoa màu để mở rộng đường giao thông, chỉnh trang thôn, ấp…
Tính đến hết tháng 8.2012, khu vực miền Nam đã triển khai trên 2.000 mô hình sản xuất. Trong đó, nhiều mô hình sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế - xã hội tốt, được nhiều địa phương nghiên cứu, nhân rộng như "Cánh đồng mẫu lớn", "Cơ giới hoá sản xuất nông nghiệp".
Thời gian qua một số tỉnh, thành đã tổ chức nhiều hình thức thi đua, tuyên truyền, thông qua đó đào tạo kiến thức sâu rộng đến người lao động. TP.Hồ Chí Minh đã tổ chức hội thi tìm hiểu NTM, thi mẫu kiến trúc nhà ở và bố trí khuôn viên hộ gia đình nông thôn, xuất bản ấn phẩm hướng dẫn xây dựng đường giao thông, sản xuất hoa lan, cây cảnh, nuôi bò sữa… Nhiều tỉnh đã xây dựng website riêng về NTM…
Ông Cao Đức Phát- Bộ trưởng Bộ NNPTNT, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo T.Ư Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đánh giá: "Do đặc thù về điều kiện tự nhiên, văn hóa và tiềm năng kinh tế- xã hội, việc thực hiện Chương trình xây dựng NTM ở mỗi địa phương có khác nhau. Vì thế, thời gian tới, Ban chỉ đạo T.Ư sẽ tiến hành bổ sung, sửa đổi cơ chế, chính sách, trình Thủ tướng phê duyệt về sửa đổi tiêu chí NTM; quy trình thủ tục xét duyệt, công nhận xã đạt chuẩn NTM; cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông thôn. Phấn đấu đến cuối năm nay sẽ có 90% số xã ở các địa phương phía Nam hoàn thành quy hoạch NTM".