Phụ nữ Yên Kỳ: Giữ ấm nhà, yên làng xã

 9723 lượt xem
Được Hội LHPN huyện Hạ Hòa giới thiệu, chúng tôi về Yên Kỳ, tỉnh Phú Thọ - một xã thuần nông với 2 sản phẩm chính là lúa và chè. Trao đổi với lãnh đạo tổ chức Hội phụ nữ xã Yên Kỳ, được biết: Hiện có 15 chi hội với trên 700 hội viên tham gia sinh hoạt. Nhờ làm tốt công tác hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập mà nhiều năm qua, Hội phụ nữ xã đã làm tốt vai trò giữ ấm nhà, yên làng xã. 

Gia đình chị Nguyễn Thị Thanh hiện trồng và chăm sóc 2ha chè, cùng với chăn nuôi và thủy sản thu lãi trên 50 triệu đồng/năm.

Bám sát 4 chương trình kinh tế trọng điểm của huyện và địa phương, Hội phụ nữ đã phối hợp với Trung tâm khuyến nông tỉnh, Trạm bảo vệ thực vật và Trạm Khuyến nông huyện mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn chăm sóc cây trồng, vật nuôi, kỹ thuật nuôi trồng thủy sản, cách phòng trừ dịch bệnh cho gia súc, gia cầm để phát triển sản xuất.

Trên thực tế, điều kiện thổ nhưỡng của Yên Kỳ rất thích hợp cho phát triển cây chè. Bởi vậy, từ bao đời nay, người dân nơi đây coi cây chè là cây xóa đói giảm nghèo, là cây chủ đạo trong phát triển kinh tế gia đình. Hội phụ nữ đã liên kết với các công ty chè đóng trên địa bàn để mở rộng diện tích chè sạch và tạo đầu ra nguyên liệu. Câu lạc bộ chè sạch được thành lập với 130 hội viên tham gia đã giúp nhau bổ sung kiến thức, ứng dụng khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm sản xuất chế biến chè, nâng năng suất bình quân chè toàn xã đạt 25 tấn/ha. Các hội viên đóng góp gần 40 triệu đồng để xây dựng quỹ hội. Số tiền này được sử dụng hợp lý, hiệu quả, dành hỗ trợ và giúp đỡ các thành viên vay để tăng gia sản xuất. Hội đã vận động các gia đình xây dựng các mô hình trồng chè giống mới chất lượng cao. Các mô hình trồng và chế biến chè trong xã đã phối hợp, “bắt tay” với nhau tạo thành làng nghề chè Phú Thịnh.
 
Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, Hội phụ nữ xã đã tuyên truyền, hỗ trợ hội viên thực hiện 12 mô hình mới về trồng cấy giống lúa chất lượng cao; nuôi trồng thủy sản; nuôi nhím và chăn nuôi thỏ, dê, lợn rừng… Nhiều chị em đã mạnh dạn, vay vốn xây dựng và lồng ghép chăn nuôi với một số ngành nghề dịch vụ như chăn nuôi lợn kết hợp làm đậu; chăn nuôi gia súc, gia cầm, thủy sản với kinh doanh các mặt hàng nông sản, thực phẩm, hàng tiêu dùng để phục vụ bà con tại địa phương.
 
Hoạt động giúp nhau phát triển sản xuất, ổn định đời sống trở thành phong trào thường xuyên tại các chi, tổ phụ nữ thông qua nhiều hình thức sinh hoạt như giúp nhau thường xuyên, giúp có địa chỉ và trong những trường hợp đột xuất. 5 năm qua, đã có trên 500 lượt chị em được giúp đỡ với tổng tiền 340 triệu đồng, gần 300 ngày công và 10 tấn lương thực. Đối với những gia đình hội viên khó khăn hoặc gặp rủi ro hoạn nạn, đều được Hội hỗ trợ, động viên kịp thời. Để có vốn cho các hội viên phụ nữ nghèo vay phát triển sản xuất, Hội phụ nữ xã đã ký ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội cho các hộ nghèo và các đối tượng chính sách vay với tổng dư nợ trên 3 tỷ đồng cho trên 200 lượt hội viên phụ nữ vay sử dụng có hiệu quả. Nhóm phụ nữ tín dụng tiết kiệm với 550 thành viên với số vốn tín dụng tiết kiệm của hội gần 70 triệu đồng, cho 450 chị em vay mua vật tư phân bón. Năm qua, Hội đã giúp được 26 gia đình có phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Đưa tỷ lệ hộ nghèo toàn xã giảm từ 23% năm 2006 xuống còn trên 10% theo tiêu chí mới.
 
Thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, các chi, tổ hội phụ nữ đã vận động chị em tham gia phong trào thi đua thực hành tiết kiệm với phong trào “nuôi trâu nhựa tiết kiệm”. Từ phong trào này đã tiết kiệm được gần 4 triệu đồng, dành giúp đỡ 3 hội viên phụ nữ nghèo mua thêm cây, con giống để phát triển sản xuất.
 
Chị Nguyễn Thị Thanh- hội viên phụ nữ thuộc chi hội 11 chia sẻ: Gia đình tôi trước đây rất khó khăn, lại có 3 cháu đang học đại học nên chi phí hàng tháng tốn kém. Hội phụ nữ xã đã ủng hộ, tạo điều kiện để tôi vay vốn Ngân hàng Chính sách Xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp &PTNT. Vay được 80 triệu đồng tiền vốn, gia đình tôi đã đầu tư vào 5 sào ao thả cá và 2 ha chè, kết hợp chăn nuôi lợn, gia cầm. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm chúng tôi thu lãi được trên 50 triệu đồng. Khó khăn qua đi, con cái giờ đã học hành thành đạt, kinh tế gia đình phát triển, tôi cùng một số hội viên tiếp tục giúp đỡ gia đình các chị em khác bằng tiền vốn, con giống, hướng dẫn kỹ thuật…
 
Đưa chúng tôi đi thăm những đồi chè thẫm xanh, san sát như bát úp; những vạt rừng đượm hương quế cay nồng, giọng chị Thanh nhẹ nhàng: Chị em ai cũng dám nghĩ, dám làm, dám ước mơ, chỉ mong các cấp, các ngành mở thêm các lớp dạy nghề, đầu tư các chương trình, dự án cho địa phương và tạo điều kiện để phụ nữ vay vốn Ngân hàng. Kinh tế ổn định, gia đình ấm no thì làng xã cũng bình yên.
 
 
Ý kiến của bạn