Người thầy giáo đam mê sáng tạo

 11192 lượt xem
Với nhiều ưu điểm vượt trội, mô hình “Tự động báo cháy và chữa cháy cục bộ” của thầy giáo Nguyễn Đức Nhân được bạn bè và đồng nghiệp đánh giá cao, là một trong 68 đề tài, giải pháp, ứng dụng sáng tạo tiêu biểu năm 2011 được Ban Chấp hành Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tặng Bằng khen. 

Nguyễn Đức Nhân sinh năm 1981, tốt nghiệp Khoa Điện, Trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng và hiện đang là giáo viên Khoa Điện, Trường Trung cấp Công nông nghiệp Quảng Bình. Được làm việc đúng chuyên ngành nên người thầy giáo trẻ đang ngày ngày truyền thụ những kiến thức có được cho học sinh. Chính từ môi trường làm việc này đã giúp anh có thêm những sáng tạo mới. Mô hình “Tự động báo cháy và chữa cháy cục bộ” là kết quả sau gần 01 năm miệt mài sáng chế. 

 
Thầy giáo Nguyễn Đức Nhân (trái) được Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM tặng Bằng khen.
 
Tranh thủ chút thời gian nghỉ giải lao giữa buổi học, anh Nhân cho biết về nguyên lí hoạt động của mô hình “Tự động báo cháy và chữa cháy cục bộ”: Khi phát hiện có khói ở trong phòng, đầu cảm biến sẽ phát tín hiệu về trung tâm bằng đèn báo hiệu và còi hú cho người trực xác định vị trí chính xác. Lúc này, quá trình chữa cháy tự động chưa diễn ra, đến khi nhiệt độ trong phòng vượt quá nhiệt độ cho phép (khoảng trên 50oC) thì đầu cảm biến nhiệt báo tín hiệu bằng loa, đèn, đồng thời tự động cắt nguồn điện tại nơi diễn ra cháy. Bởi vì trong quá trình cháy, xảy ra hiện tượng chập điện. Do vậy, cắt nguồn điện tổng là rất hiệu quả, đồng thời quá trình chữa cháy tự động cục bộ, bằng bơm nước, cát sẽ diễn ra nơi địa điểm có đám cháy. Trong khi đó, những vùng không có cháy thì quá trình chữa cháy không diễn ra hoặc nếu có cháy lan sang thì bộ cảm biến sẽ tiếp tục chữa cháy tại vùng tiếp theo. Đặc biệt, vùng chữa cháy trước vẫn hoạt động bình thường cho đến khi đám cháy được dập tắt thì quá trình chữa cháy cũng được ngắt. 
 
Anh cho biết thêm, về kinh phí vốn đầu tư lắp đặt mô hình không nhiều bởi vì có thể tận dụng hệ thống báo cháy có sẵn, chỉ thêm hệ thống động cơ bơm nước và đầu cảm biến nhiệt. Ngoài ra, vị trí lắp đặt mô hình cố định và phù hợp với mọi địa hình. 
 
Anh tâm sự, khoảng tháng 4 năm 2010, trong một lần đi trực thay cho vợ ở một cây xăng tại xã Lý Trạch, anh đã chứng kiến một chiếc xe khách chạy theo hướng Bắc vào Nam bốc cháy dữ dội khi cách cây xăng anh trực khoảng 100m. Sau khi phát hiện lửa cháy, anh cùng với nhiều người dân đã ứng cứu dập lửa kịp thời. Mặc dù không bị thiệt hại về người nhưng hàng hóa đều bị ngọn lửa thiêu rụi. Chính từ thời điểm đó, anh nghĩ tại sao mình không sáng chế ra một mô hình chữa cháy tự động kịp dập tắt khi phát hiện lửa để giảm thiệt hại về người và của. Nghĩ là làm, anh đã dồn hết tâm huyết để mày mò sáng tạo, nhiều lúc cũng nản không muốn theo đuổi mô hình nhưng vì niềm đam mê và được sự quan tâm của lãnh đạo nhà trường, sự động viên, giúp đỡ của các đồng nghiệp nên mô hình đã hoàn thành. Không chỉ dừng lại ở đó, hiện tại, anh cùng với thầy giáo Trần Xuân Lập đang nghiên cứu mô hình “Năng lượng điện từ sóng biển”. 
 
Với tính năng phát hiện nhanh, chính xác vị trí đám cháy, tự động chữa cháy hiệu quả, mô hình “Tự động báo cháy và chữa cháy cục bộ” của thầy giáo Nguyễn Đức Nhân có thể nhân rộng tại các công trình nhà ở, chợ, siêu thị, khu du lịch, bệnh viện... nhằm góp phần giảm thiểu các vụ cháy và hạn chế tối đa thiệt hại về người và tài sản cho nhân dân khi đám cháy diễn ra. 
 
 
Ý kiến của bạn