Tân Sơn là huyện nghèo nhất của tỉnh Phú Thọ và cũng là 1 trong 62 huyện nghèo của cả nước. Văn Luông lại là xã nghèo của huyện Tân Sơn. Người dân trong xã chủ yếu sống bằng nghề nông thu nhập thấp, tỷ lệ hộ nghèo chiếm 23,5%, 2/3 là người dân tộc thiểu số…Tất cả những yếu tố đó đã hạn chế sự phát triển của giáo dục. Tuy nhiên, thời gian qua, thầy và trò Trường THCS Văn Luông đã nỗ lực không ngừng để từng bước nâng cao chất lượng giáo dục, đưa THCS Văn Luông trở thành điểm sáng trong giáo dục huyện Tân Sơn.
Thầy Trần Đức Thọ - Hiệu trưởng nhà trường tâm sự: “Văn Luông là xã nghèo, địa bàn trải dài không tập trung, bị chia cắt bởi con sông Bứa gây khó khăn cho việc đi lại, dân cư chủ yếu là người dân tộc thiểu số, nhận thức để quan tâm về việc học tập của con em mình có phần hạn chế nên việc huy động học sinh tới trường đã khó, việc nâng cao chất lượng giáo dục càng khó hơn. Dù vậy, khó cũng phải làm bởi chỉ có giáo dục mới giúp các em có được tương lai tốt hơn, người dân mới có thể thoát nghèo bền vững được, đổi mới giáo dục phải từ gốc, đó là sự đổi mới nhận thức bắt đầu từ người dân, phải là một quá trình miệt mài, bền bỉ lâu dài”. Và trong những năm qua, ở cương vị người đứng đầu, cùng với sự quan tâm của các cấp, các ngành, các thầy cô giáo trong trường đã không ngại khó, ngại khổ để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục, đồng thời vận động, giúp đỡ học sinh nghèo, học sinh khuyết tật đến trường.
Với những nỗ lực không mệt mỏi của các thầy cô giáo, chất lượng giáo dục của nhà trường từng bước được nâng lên. Năm học vừa qua, tỉ lệ học sinh xếp loại văn hóa khá, giỏi toàn trường đạt 47% ; tỉ lệ học sinh đạt hạnh kiểm khá, tốt là 98%; có 29 học sinh giỏi cấp huyện, 3 học sinh cấp tỉnh ở các môn Sinh học, Lịch Sử, Ngữ Văn. Ở khối 9, 100% học sinh tham gia thi đã trúng tuyển vào các trường THPT, THPT dân tộc nội trú tỉnh. Đặc biệt năm học 2011-2012 là năm thứ 3 liên tiếp, kết quả thi vào THPT của trường tiếp tục giữ vững vị trí ở tốp dẫn đầu huyện Tân Sơn.
Cùng với giáo dục văn hóa, công tác giáo dục thể chất được nhà trường chú trọng, nhờ đó kết quả đạt được khá cao. Tại Hội khỏe Phù Đổng (HKPĐ) cấp huyện năm 2012, đã có 16 em đạt giải. Tại HKPĐ cấp tỉnh, nhà trường đã đóng góp cho Đoàn vận động viên của huyện Tân Sơn 02 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc môn bóng bàn và 02 huy chương Đồng ở các môn bóng bàn, đá cầu. Đặc biệt, tại HKPĐ toàn quốc Khu vực I, đã có hai em tham gia và giành 4 huy chương ở môn bóng bàn, trong đó có 2 huy chương Vàng, 01 huy chương Bạc và 01 huy chương Đồng.
Bên cạnh hoạt động chuyên môn, hoạt động của các tổ chức đoàn thể nhà trường cũng được các cấp đánh giá cao. Năm học vừa qua, tổ chức công đoàn của trường hoạt động sáng tạo, quan tâm đến quyền lợi của CBNV; Đoàn trường tích cực tổ chức các hoạt động cho đoàn viên thanh niên và đã được Huyện đoàn đánh giá là tổ chức cơ sở Đoàn vững mạnh xuất sắc; Liên đội TNTP Hồ Chí Minh của trường đạt Liên đội mạnh xuất sắc huyện Tân Sơn; Chi bộ nhà trường đạt Chi bộ trong sạch vững mạnh.
Với những thành tích đã đạt được, năm học 2011-2012, tập thể Trường THCS Văn Luông đạt danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc cấp Tỉnh và được Chủ tịch UBND Tỉnh Phú Thọ tặng Bằng khen. Đây là phần thưởng xứng đáng cho những nỗ lực không biết mệt mỏi trong sự nghiệp trồng người của các thầy, cô giáo nơi vùng đất còn nhiều khó khăn này. Đó cũng là động lực để thầy trò Trường THCS Văn Luông vững bước trong năm học mới 2012 -2013.
Năm học mới đã bắt đầu, với mục tiêu xây dựng THCS Văn Luông thành một địa chỉ giáo dục chất lượng, bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; cuộc vận động: “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”; phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, nhà trường tiếp tục đẩy mạnh giáo dục toàn diện, tích cực ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong công tác quản lý và hoạt động dạy - học, phát huy hơn nữa vai trò hoạt động của các đoàn thể trong nhà trường. Sẽ còn nhiều việc phải làm để trường THCS Văn Luông đạt kết quả như mong muốn, tin rằng với niềm yêu nghề, tâm huyết với sự nghiệp giáo dục của thầy hiệu trưởng nói riêng, tập thể sư phạm nhà trường nói chung thì đích đến sẽ không xa.