Ngày 1.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua ái quốc.
Cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta thắng lợi do nhiều nhân tố. Một trong những nhân tố chủ quan quan trọng là do nhân dân ta có lòng yêu nước nồng nàn và tinh thần đoàn kết cao độ. Điều này được biểu hiện một cách thường trực, chân thực, hết sức sinh động và được phát huy mạnh mẽ từ năm 1948 trở đi, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh phát động phong trào "Thi đua ái quốc" rộng rãi trong nhân dân.
Để phong trào thi đua đạt được kết quả tốt, Người đã quan tâm tới việc xây dựng bộ máy tổ chức chỉ đạo và đào tạo cán bộ cho phong trào. Ngày 1.6.1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ký Sắc lệnh số 195 thành lập Ban vận động thi đua ái quốc.
Sắc lệnh được đánh trên nền giấy màu nâu, khổ 27cm x 17cm, cuối Sắc lệnh có chữ ký của Chủ tịch Hồ Chí Minh, hiện đang được bảo quản tại Trung tâm Lưu trữ Quốc Gia III, Phông Phủ Thủ tướng, hồ sơ 07, tờ 39.
Nội dung Sắc lệnh gồm 6 điều, quy định thành lập Ban vận động thi đua ái quốc từ trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã và thành phần của ban này, đồng thời cũng quy định nhiệm vụ của Ban vận động thi đua ái quốc các cấp.
Sắc lệnh là văn bản có hiệu lực pháp lý về sự hoạt động và phát triển của phong trào Thi đua ái quốc trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp của nhân dân ta. Giá trị của Sắc lệnh cũng như của phong trào Thi đua ái quốc đã đựơc thực tế kiểm nghiệm.
Ngày nay, qua 60 năm, tác dụng và ý nghĩa của Sắc lệnh vẫn hết sức to lớn. Nhất là trong giai đoạn hiện nay khi nước ta đang bước vào thời kỳ hội nhập, mở cửa, những khó khăn và thách thức đang đặt ra đối với sự phát triển mọi mặt của đất nước; đòi hỏi tinh thần yêu nước, đoàn kết của nhân dân. Nhân kỷ niệm 60 năm ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua ái quốc (11.6.1948 - 11.6.2008), chúng tôi xin trân trọng giới thiệu toàn văn Sắc lệnh này.