Ước mơ làm giàu của chàng thanh niên vùng cao

 8617 lượt xem
Đó là anh Chu Văn Hợp, Bí thư Chi đoàn xóm Khuôn Ruộng, xã Tràng Xá (Võ Nhai). 

Thanh long ruột đỏ là cây trồng mang lại hiệu quả cao trong mô hình kinh tế của gia đình anh Hợp.

Trong ngôi nhà 3 gian, nền đá hoa khá đầy đủ đồ dùng cần thiết ở xóm vùng cao Khuôn Ruộng ấy, chúng tôi cảm nhận được niềm vui, sức sống như ngập tràn. Tự tay bổ những quả thanh long chín, đỏ mọng, anh Hợp cho biết: “Đây là năm thứ 2 vườn thanh long ruột đỏ cho thu hoạch. Hôm qua, tôi vừa bán hết 1 lứa quả, cũng được gần chục triệu đồng. Mặc dù chi phí ban đầu khá cao, do phải đổ cột bê tông, nhưng loại cây này cho lãi cao gấp 3-4 lần so với trồng ngô, lúa”. 

Vừa thưởng thức những quả thanh long ngọt mát, anh vừa kể cho chúng tôi “cái duyên” mang anh đến với loại cây này. Đầu năm 2010, sau khi đọc bài báo đăng trên Báo Thái Nguyên, viết về mô hình trồng thanh long ruột đỏ cho thu nhập cao của gia đình cựu chiến binh Trần Bình Dưỡng ở xóm 6, thị trấn Bắc Sơn (Phổ Yên), thấy loại cây đó khá phù hợp với đồng đất đồi núi của địa phương, anh đã quyết định về Phổ Yên để tìm hiểu kỹ hơn. Ngay lần đi đầu tiên ấy, anh đã đặt mua hơn 1.000 hom giống, rồi về nhanh chóng làm 300 cột bê tông, để kịp một tháng sau sẽ lấy hom về trồng. Mỗi cột (còn gọi là trụ), anh đặt từ 3-4 hom, vừa trồng, anh vừa chủ động tìm hiểu kiến thức từ sách, báo, mạng internet, đồng thời thường xuyên liên lạc qua điện thoại hoặc trực tiếp đến nhà ông Dưỡng để học hỏi kinh nghiệm. 
 
Sau một năm, vườn thanh long bắt đầu cho những quả bói đầu tiên. Số lượng quả năm đầu ít nên anh chỉ bán được 50 triệu đồng (gồm 10 triệu đồng từ việc bán quả và 40 triệu đồng bán hom giống). Trừ chi phí, anh thu được 15 triệu đồng tiền lãi. Sang năm thứ 2 này, vườn thanh long của gia đình anh đã bán được gần 3.000 kg quả, với giá 25.000 đồng/kg và hơn 4.000 hom giống, với giá 8.000 đồng/hom. Theo tính toán của anh, năm nay anh sẽ thu được trên 80 triệu đồng tiền lãi từ vườn cây này. Anh cho biết: Nếu thời tiết thuận lợi, kết hợp chăm sóc cây đúng kỹ thuật, thanh long sẽ cho thu hoạch đúng thời vụ, từ tháng 4 đến tháng 10 hằng năm. Trồng thanh long ít gặp rủi ro, thường chỉ có loại bệnh chính là nấm, thối nhũn, nhưng nếu phát hiện, phun thuốc kịp thời, cây sẽ trở lại bình thường. Vào mùa đông, thời tiết quá khô hạn, mỗi tháng cần tưới nước cho cây 1 lần để tránh tình trạng cây thiếu nước, gây bệnh thối nhũn. Năm ngoái, do tôi còn thiếu kinh nghiệm nên 100 trụ thanh long đã bị nhiễm bệnh nấm, nhờ phát hiện, chữa kịp thời, không cây nào bị chết…
 
Không chỉ có vườn thanh long triển vọng, tận dụng đất vườn rộng, đầu năm 2011, anh còn nuôi 300 con gà lai chọi theo mô hình quây lưới thả vườn, trừ chi phí, anh thu lãi gần 15 triệu đồng/năm. Bên cạnh đó, trên 4 ha đất của gia đình, anh cùng vợ và bố mẹ còn trồng hơn 1 ha rừng, 1 ha ngô, lúa và làm 2 gian chuồng rộng nuôi lợn nái và lợn thịt. Theo ghi chép của anh, trừ chi phí, mỗi năm mô hình trồng trọt, chăn nuôi của gia đình cho thu lãi khoảng 200 triệu đồng. Hiện nay, anh đang tiếp tục san đất ruộng, làm cột bê tông để đầu năm sau trồng thêm 200 trụ thanh long và 100 gốc nhãn Miền.
 
Xuất thân từ gia đình nghèo, bởi vậy, để có được thành quả ấy, anh đã phải luôn cố gắng vượt qua khó khăn. Trước đây, chăm chỉ trồng ngô, cấy lúa quanh năm nhưng gia đình anh cũng không thoát nổi cái nghèo. Không được như chúng bạn cùng trang lứa, học hết cấp 2, anh phải nghỉ học phụ giúp bố mẹ làm đồng, lên rừng trồng cây. 2 năm sau, anh xin bố mẹ đi thi và học cấp 3, với mong muốn học tập tốt để có cơ hội “ly hương” làm giàu. Thế nhưng, tốt nghiệp phổ thông, anh lại không được thi đại học vì hoàn cảnh gia đình khó khăn. 
 
Thời gian ở nhà, anh sôi nổi tham gia các phong trào đoàn thể của địa phương, nhờ đó, anh biết đến cách làm giàu của nhiều gương điển hình. Thời gian sau, anh quyết định “an cư” để “lập nghiệp”, anh lập gia đình và học hỏi cách làm giàu ngay tại quê hương. Sau khi thử nghiệm trồng na, anh tiếp tục tìm hiểu về các mô hình khác trên sách báo để trồng trên diện tích rộng lớn của gia đình. Cuối cùng anh đã tìm thấy và quyết định trồng thanh long ruột đỏ, thông qua “bài báo định mệnh” – bài báo đã giúp anh có ngày hôm nay.
 
Không chỉ là một thanh niên trẻ làm kinh tế giỏi của địa phương, anh còn là Bí thư chi đoàn năng nổ, nhiệt tình. Chi đoàn do anh làm Bí thư mặc dù là chi đoàn nông thôn, miền núi còn nhiều khó khăn, nhưng đoàn viên, thanh niên tham gia các hoạt động rất sôi nổi. Để thu hút, tập hợp đoàn viên tham gia các công việc chung của địa phương và đoàn cấp trên, bên cạnh đến từng nhà vận động, anh còn thường xuyên gặp gỡ, cùng họ trao đổi khó khăn trong cuộc sống; đồng thời tạo việc làm cho đoàn viên bằng cách thuê họ làm cho gia đình, rồi tận tình hướng dẫn họ cách phát triển kinh tế gia đình. 
 
Năm 2010 và  2011, anh phát động phong trào tu sửa đường giao thông, nạo vét mương dẫn nước của xóm được các đoàn viên, thanh niên nhiệt tình ủng hộ. Hằng năm, các đoàn viên trong Chi đoàn còn nhiệt tình tham gia hiến máu tình nguyện tại Huyện đoàn… Với những việc làm thiết thực đó, năm 2011, anh vinh dự được Tỉnh đoàn tặng giấy khen “Thanh niên tiêu biểu tham gia xây dựng nông thôn mới”. Nhiều năm liền, anh và Chi đoàn do anh làm Bí thư được tặng giấy khen của đoàn các cấp về thành tích xuất sắc trong công tác.
 
 
Ý kiến của bạn