Vừa qua, tại Khu di tích Danh nhân văn hoá Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm (xã Lý Học, huyện Vĩnh Bảo), UBND thành phố Hải Phòng tổ chức lễ vinh danh học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2012. Đây là hoạt động có ý nghĩa động viên, khuyến khích học sinh, sinh viên phát huy truyền thống hiếu học của quê hương, thi đua rèn đức, luyện tài, tu thân, lập nghiệp, phụng sự quê hương và Tổ quốc. Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, cũng còn nhiều điều băn khoăn...
Năm học 2011-2012, thành phố Hải Phòng tiếp tục đạt thành tích cao trong sự nghiệp giáo dục-đào tạo, nhất là trong công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi. Học sinh Hải Phòng giành 78 giải tại kỳ thi học sinh giỏi quốc gia. Điều đáng nói là, đa số học sinh đoạt giải ở các môn khoa học tự nhiên và ngoại ngữ. Với các môn học khoa học xã hội như lịch sử, địa lý, không chỉ ít học sinh đoạt giải mà còn không có giải nhất, giải nhì. Trong khi đó, điều kiện để học sinh được vinh danh, khen thưởng là học sinh phải đoạt giải nhất, giải nhì kỳ thi học sinh giỏi quốc gia.
Lễ biểu dương học sinh, sinh viên xuất sắc, tiêu biểu năm 2012.
Tại kỳ thi đại học năm 2012, trong tổng số gần 40 nghìn hồ sơ đăng ký dự thi vào các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trong cả nước, chỉ có 1200 hồ sơ đăng ký dự thi khối C. Học sinh các trường THPT tốp đầu tại thành phố như THPT chuyên Trần Phú, THPT Thái Phiên, Ngô Quyền, Lê Quý Đôn,Trần Nguyên Hãn không mặn mà với khối C. Thực tế, số học sinh đăng ký dự thi khối C chỉ đếm trên đầu ngón tay. Kết quả kỳ thi đại học, 6 học sinh thi đỗ thủ khoa các trường ĐH năm 2012, không có học sinh nào dự thi khối C.
Theo phân tích của cô Nguyễn Thị Thu Hoài, giáo viên dạy giỏi môn lịch sử, hiện là chuyên viên Phòng Giáo dục trung học (Sở GD-ĐT Hải Phòng) và nhiều giáo viên dạy các môn khoa học xã hội, nguyên nhân khiến học sinh không “mặn mà” với việc thi đại học khối C là do cơ chế xã hội và sự phân công xã hội. Đó là số trường ĐH đào tạo các chuyên ngành liên quan đến các khối thi A, B, D nhiều hơn số trường ĐH đào tạo các chuyên ngành về khoa học xã hội. Hơn nữa, các trường ĐH tổ chức tuyển sinh khối A, B và D có nhiều ngành, nghề hơn, điều kiện làm việc tốt, thu nhập lại cao hơn. Trong khi các ngành, nghề thuộc trường tuyển sinh khối C đã ít, chủ yếu liên quan đến những công việc xã hội như nghiên cứu, quản lý văn hóa, xã hội và nhân văn, bảo tàng, thư viện... khó tìm được việc làm, thu nhập lại thấp. Rõ ràng, sự phân công của xã hội đã vô tình đẩy một bộ phận học sinh quay lưng lại với các môn học khoa học xã hội và nhân văn, khiến các em thực dụng hơn trong việc chọn ngành, nghề, định hướng tương lai.
Để khắc phục tình trạng mất cân đối trong đào tạo ngành, nghề, theo cô giáo Nguyễn Thị Thu Hoài, trước hết, cần giáo dục để học sinh nhận thức đúng về tầm quan trọng của các môn học về khoa học xã hội và nhân văn, trong đó có môn lịch sử. Các giáo viên và toàn xã hội cần giúp học sinh hiểu rằng, đây không phải những môn phụ mà là môn học có sự liên hệ chặt chẽ với giáo dục đạo đức, truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc, lịch sử cách mạng, bản sắc văn hóa, dân tộc.
Bên cạnh đó, Nhà nước, ngành GD-ĐT cần có chính sách khuyến khích, động viên những học sinh, sinh viên say mê học tập các môn chính trị, khoa học xã hội và nhân văn, như: ưu đãi học phí học đại học, cơ chế tuyển dụng và chế độ đãi ngộ cao hơn so với một số ngành nghề khác trong xã hội...
Năm 2012 này, thành phố Đà Nẵng tổ chức biểu dương, khen thưởng tất cả học sinh đoạt giải quốc gia (từ giải nhất đến giải khuyến khích) môn Lịch sử. Tháng 4 vừa qua, Hội Khoa học lịch sử thành phố tổ chức trao thưởng động viên 14 học sinh đoạt giải học sinh giỏi môn lịch sử và 2 giáo viên dạy giỏi môn lịch sử của quận Lê Chân. Hoạt động này được nhiều giáo viên và người dân đánh giá cao bởi đã kịp thời động viên, khích lệ giáo viên, học sinh yêu thích, giảng dạy và học giỏi môn Lịch sử. Qua đó, góp phần bảo tồn và phát huy những giá trị lịch sử của dân tộc.
Mong rằng, trong danh sách những học sinh tiêu biểu, xuất sắc của thành phố được vinh danh trong năm tới sẽ có nhiều hơn những học sinh giỏi ở lĩnh vực khoa học xã hội.