Sau bốn năm phát động, phong trào thi đua ái quốc đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp trong phạm vi cả nước. Để tổng kết, kinh nghiệm, cổ vũ, tuyên dương và mở rộng phong trào hơn nữa, từ ngày 30-4 đến 6-5-1952, tại Việt Bắc, Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu đã được tổ chức.
Đúng 19 giờ 30 phút ngày 30-4 đã khai mạc Đại hội và kỷ niệm Ngày quốc tế Lao động 1-5. Các đoàn chiến sĩ, công, nông, binh, cán bộ gương mẫu, chiến sĩ dân công, chiến sĩ diệt dốt và học sinh gương mẫu với tổng số đại biểu là 154 người có mặt tại Đại hội.
Những người nói trên đại diện cho phong trào thi đua từ Liên khu V trở ra. về phần Nam Bộ, do việc tổng kết và bầu đại biểu đi dự Đại hội chưa làm xong, cho nên Đại hội đã giành một số ghế cho các chiến sĩ Nam Bộ.
Đại hội vô cùng phấn khởi và vinh dự được đón tiếp Chủ tịch Hồ Chí Minh, người khởi xướng phong trào thi đua ái quốc. Các đại biểu dự Đại hội còn có: cụ Tôn Đức Thắng - Trưởng Ban thường trực Quốc hội; đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam); đồng chí Phạm Văn Đồng - Phó Thủ tướng Chính phủ; đồng chí Võ Nguyên Giáp - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Nguyễn văn Tạo - Bộ trưởng Bộ Lao động và nhiều đại biểu khác. Đặc biệt, tới dự Đại hội còn có hai vị khách quý của Chính phủ nhân dân Lào là các đồng chí Xi -thon và Nu-hắc.
Sau lễ chào cờ và mặc niệm, ông Bộ trưởng Bộ Lao động Nguyễn Văn Tạo, Trưởng Ban trù bị Đại hội, tuyên bố lý do tổ chức Đại hội và giới thiệu chương trình.
Thay mặt đại hội, ông tỏ lòng vui sướng và biết ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh đến dự Đại hội; ông cũng nhiệt liệt chào mừng các chiến sĩ và cảm ơn các vị trong Chính phủ, Quốc hội, Mặt trận, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam, đại biểu các chính đảng và đoàn thể nhân dân, các nhân sĩ và các đại biểu quốc tế đến dự Đại hội.
Đại hội cử Chủ tịch đoàn điều khiển Đại hội gồm có: Chủ tịch Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng, Tôn Đức Thắng, Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Lê Đình Thám, Hồ Viết Thắng, Nguyễn Văn Tạo, Nghiêm Xuân Yêm, Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên… và ba thư ký Đại hội.
Chủ tịch Hồ Chí Minh khai mạc Đại hội giữa tiếng hoan hô không ngớt. Người hỏi: " Ta thi đua gì trước hết để thắng địch?". Trong Đại hội, người thì trả lời "Thi đua sản xuất, tiết kiệm", người thì nói " Thi đua cải tạo tư tưởng", người thì nói "thi đua giết giặc, lập công". Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Chưa đúng, ta thi đua giữ bí mật trước đã".
Tiếp theo đó, Người chào mừng các chiến sĩ lao động nước ta, lao động các nước, lao động Pháp, lao động các nước thuộc địa, lao động thế giới và nêu rõ ý nghĩa đặc biệt của ngày 1-5-1952 ở nước ta gắn liền với Đại hội.
Trong một tiếng rưỡi đồng hồ, Người đã nêu lên mục đích, ý nghĩa thi đua, tình hình thi đua mấy năm vừa qua, nội dung thi đua, cách thi đua và cuối cùng Người khẳng định:
" Người người thi đua
Ngành ngành thi đua
Ta nhất định thắng
Địch nhất định thua"
Sau lời huấn thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cụ Tôn Đức Thắng, đại diện Ban thường trực Quốc hội và Uỷ ban Liên Việt toàn quốc chào mừng Đại hội và khẳng định: "Từ khi phát động phong trào thi đua ái quốc đến nay, cuộc kháng chiến, kiến quốc của ta tiến những bước vĩ đại về mọi mặt, đặc biệt về mặt quân sự và kinh tế, đã giáng cho địch những đòn chí tử…"
Tiếp theo, đồng chí Trường Chinh, Tổng Bí thư Đảng Lao động Việt Nam phát biểu chào mừng Đại hội, đồng chí nhấn mạnh: "Những thành tích của các đồng chí, tinh thần dũng cảm và trí sáng kiến của các đồng chí đang phát triển những truyền thống quý báu của dân tộc ta. Các đồng chí là công, nông, binh, lao động trí óc và cán bộ gương mẫu, nghĩa là những con người mới của thời đại mới và phần đông là những anh hùng mới, anh hùng nhân dân, anh hùng cách mạng. Chúng tôi nguyện ra sức học tập các đồng chí và kêu gọi toàn Đảng, toàn dân học tập, noi gương các đồng chí".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp bước lên diễn đàn. Nhân danh toàn thể Quân đội quốc gia và dân quân du kích, Đại tướng chào mừng Đại hội. Cuối bài phát biểu, đồng chí nói: "Các chiến sĩ thi đua toàn quân, nguyện cùng toàn thể quân đội ra sức thi đua hơn nữa, lập công khi ra trận giết giặc, khi luyện quân, chỉnh huấn, quyết làm cho được lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: Thi đua giết giặc nhiều gấp đôi hay hơn nữa, đào tạo không những hàng trăm mà hàng nghìn chiến sĩ thi đua làm cho cuộc vận động thi đua lập công trở nên cuộc vận động sôi nổi của đại chúng binh sĩ, căm thù giặc, tiêu diệt giặc, tiêu diệt bọn thực dân Pháp, bọn bù nhìn bán nước, đánh đổ bọn can thiệp Mỹ, giành độc lập, thống nhất cho nước nhà.
Quân đội nguyện làm tròn nhiệm vụ đó để góp phần vào công cuộc bảo vệ hoà bình thế giới, để cùng nhau thi đua với anh, chị, em nông dân và đồng bào các giới ở hậu phương, nhằm mục đích chung là đưa cuộc kháng chiến đến thắng lợi cuối cùng".
Cụ Lê Đình Thám, Chủ tịch Uỷ ban bảo vệ hoà bình thế giới của Việt Nam, phát biểu chào mừng Đại hội, tỏ lòng tin tưởng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến.
Đại hội vui mừng và cảm động lắng nghe lời chúc mừng của đồng chí Nu-hắc, Đại diện Chính phủ và nhân dân Lào anh em. Sau khi tỏ lời cảm ơn Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam đã giúp đỡ nhân dân Lào trong cuộc kháng chiến trường kỳ để giành độc lập, đồng chí Nu - hắc nói: "Đối với các chiến sĩ thi đua, chúng tôi nhiệt liệt hoan nghênh các bạn. Các bạn là những ngọn cờ tiên phong, là những ngôi sao sáng, là những tấm gương điển hình của nhân dân Việt Nam anh dũng và cũng là của nhân dân Lào trong cuộc kháng chiến trường kỳ và toàn diện. Những thắng lợi vẻ vang của các bạn cũng là những thắng lợi của chúng tôi. Chúng tôi xin ra sức học tập các bạn".
Ngày 1-5-1952, Đại hội họp dưới quyền điều khiển của cụ Tôn Đức Thắng. Thư ký Đoàn đọc điện văn các nơi gửi về chúc mừng Đại hội: Điện văn của phái đoàn Chính phủ Việt Nam tại Miến Điện, của Đảng bộ Liên khu III, của Uỷ ban Kháng chiến Hành chính Nam Bộ. Đại hội lắng nghe đồng chí Hồ Viết Thắng, thay mặt Chính phủ và Mặt trận báo cáo kết quả phong trào thi đua ái quốc từ năm 1948 đến hết năm 1951. Bản báo cáo là một tài liệu tổng kết có giá trị, nêu bật những thành công, những khó khăn, trở ngại, rút kinh nghiệm về ưu điểm, khuyết điểm của phong trào thi đua và đề ra nhiệm vụ thi đua trong giai đoạn tiếp theo.
Trong những ngày Đại hội, các đại biểu được nghe nhiều chiến sĩ thi đua báo cáo thành tích, như Ngô Gia Khảm, Trần Đại Nghĩa, Tôn Thất Tùng, La Văn Cầu, Nguyễn Thị Chiên, Giáp Văn Khương, Hoàng Hanh… Các báo cáo điển hình đã làm nổi bật những đức tính quý báu của dân tộc kết tinh lại trong những thành tích lớn lao của các chiến sĩ đã giết giặc lập công, ra sức thi đua sản xuất phục vụ chiến trường, giệt giặc dốt, v.v...
Chủ tịch Hồ Chí Minh với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc các chiến sĩ thi đua và cán bộ gương mẫu lần thứ nhất 1-5-1952.
Chính phủ đã quyết định tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc cho các chiến sĩ về dự Đại hội. Các chiến sĩ thi đua toàn quốc đã bầu được 4 Anh hùng Quân đội và 3 Anh hùng Lao động. Chính phủ đã tuyên dương công trạng của 7 anh hùng đó và tặng thưởng 24 Huân chương Kháng chiến hạng Nhất cho những chiến sĩ đã được anh chị em đề nghị. Ngoài những anh hùng và chiến sĩ được tặng thưởng danh hiệu và huân chương ở Đại hội, Chính phủ còn giành riêng cho Nam Bộ 1 Anh hùng Chiến đấu, 2 Anh hùng Lao động trong số 6 chiến sĩ mà Nam Bộ sẽ chọn và đề nghị Chính phủ thưởng Huân chương Kháng chiến hạng Nhất.
Tối ngày 6-5-1952, Bộ trưởng Bộ Lao động, đại diện Chính phủ đọc Diễn văn bế mạc Đại hội với một niềm tin sắt đá: " Phong trào thi đua ái quốc của chúng ta nhất định sẽ có hàng triệu chiến sĩ và anh hùng mới. Cuộc chiến đấu của dân tộc chúng ta nhất định thắng lợi".
60 năm đã trôi qua kể ngày Hồ Chủ tịch ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc và 56 năm kể từ ngày Đại hội toàn quốc lần thứ nhất các chiến sĩ thi đua, lần giở lại những trang biên bản Đại hội, chúng ta như được trở về những tháng ngày sôi động, hào hùng, oanh liệt trong cuộc kháng chiến thần thánh của dân tộc. Mong ước sao phong trào thi đua ái quốc mãi mãi giữ được ngọn lửa nhiệt tình và lan tỏa mãi tới các thế hệ mai sau.