Học nghề để khôi phục và phát triển làng nghề truyền thống... đó là mục đích của nhiều nông dân xã Hoài Thượng (Thuận Thành, Bắc Ninh) khi tham gia khóa dạy nghề mộc (bế giảng ngày 20.9 vừa qua).
Dạy nghề để giữ nghề
Lớp học này do Trường Trung cấp nghề Kinh tế kỹ thuật và Thủ công mỹ nghệ truyền thống Thuận Thành (Trường TCN Thuận Thành) phối hợp với UBND xã Hoài Thượng tổ chức tại thôn Bình Cầu.
Chị Nguyễn Thị Đào hoàn thiện một sản phẩm mới.
Ông Trần Đăng Chúc – Phó Chủ tịch UBND xã Hoài Thượng cho biết: Thôn Bình Cầu hiện có 140 hộ dân, trong đó có 28 hộ đang sản xuất đồ gỗ chiếm 20%, 36 hộ đã từng làm nghề, chiếm 25,7%, thu nhập 15 triệu đồng/người/tháng.
Với nhu cầu sử dụng những sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ ngày càng lớn và mong muốn khôi phục làng nghề truyền thống của nông dân Bình Cầu, UBND xã đã phối hợp với Trường TCN Thuận Thành mở lớp dạy nghề kỹ thuật điêu khắc gỗ cho bà con.
“Lớp học được mở từ tháng 6.2012, có 30 học viên, học đều đặn trong 4 tháng. Ngày 20.9 kết thúc khóa học thì ngay sau đó đã có 5 học viên mạnh dạn đầu tư mở xưởng sản xuất mới”- ông Chúc nói.
Chị Nguyễn Thị Đào - học viên tham gia lớp học cho biết, nhà chị có xưởng gỗ rộng 360m2, sản xuất chủ yếu là đồ thờ, hàng năm tạo việc làm cho 30 lao động với mức lương 200.000 đồng/người/ngày.
“Học nghề đã giúp tôi vừa kết hợp giữa nghề truyền thống với công nghệ mới hiện đại. Các sản phẩm của chúng tôi hoa văn sắc sảo hơn và làm được một số sản phẩm mới như chạm khắc phù điêu, 12 con giáp, cuốn thư…” - chị Đào nói.
Còn anh Anh Đỗ Quang Tĩnh - lớp trưởng lớp điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu lại chia sẻ: “Điểm khác biệt của khóa học tại thôn là tôi được tiếp cận với máy móc công nghệ hiện đại, áp dụng những kỹ thuật tinh xảo, nghệ nhân trực tiếp đứng lớp, giao lưu với thợ giỏi ở các vùng lân cận…Tôi sẽ áp dụng ngay vào thực tế của gia đình”.
Quan trọng là hỗ trợ sau đào tạo
Dù khá vui với kết quả đào tạo, nhưng ông Nguyễn Văn Chế - Hiệu trưởng Trường TCN Thuận Thành vẫn chia sẻ băn khoăn: “Dạy nghề xong rồi, ND có làm nghề và sống với nghề không mới quan trọng, nhất là trong điều kiện kinh tế ngày một khó khăn, nghề mộc lại có nguyên liệu đắt đỏ. Vì thế, lớp học vừa phải xác định đúng nhu cầu học của bà con, vừa phải có hỗ trợ sau đào tạo”.
Nghề điêu khắc gỗ thôn Bình Cầu có cách đây khoảng 200 năm. Trước chủ yếu là làm dựng nhà thờ, làm đình chùa, tượng phật, đồ thờ tự, hoành phi câu đối…Đến những năm 1980, kinh tế khó khăn, bà con bỏ nghề, chỉ còn 3 - 5 hộ theo nghề. Năm 2000, làng nghề được khôi phục lại cho tới ngày nay”.
Thực tế, lớp học này đã có 5 ông chủ mới. Với người làm nghề, bên cạnh kỹ thuật, điều quan trọng nhất là vốn liếng. “Nếu không có vốn, dù có đào tạo vài năm cũng chịu, khó phát triển nghề”- ông Đỗ Quang Hà - chủ cơ sở đồ gỗ Quang Hà nói. Bởi vậy, để tạo điều kiện và đảm bảo tính bền vững cho học viên sau học nghề, UBND xã Hoài Thượng, Trường TCN Thuận Thành đã phối hợp với Ngân hàng NNPTNT huyện Thuận Thành hướng dẫn cho bà con vay vốn với chính sách ưu đãi; liên kết với các cơ sở đồ gỗ mỹ nghệ trên địa bàn tham gia bao tiêu sản phẩm.
Ông Đỗ Quang Hà cho biết thêm: “Lớp học kết thúc, chính tôi đề xuất với chính quyền để nhận bao tiêu sản phẩm cho bà con, bởi ở khu vực này có nhiều làng nghề gỗ, nếu các cơ sở không đoàn kết với nhau để tìm đầu ra cho sản phẩm thì sẽ rất khó khăn” .
Ông Trần Đăng Chúc khẳng định, trong năm 2012, xã Hoài Thượng tổ chức dạy nghề cho 150 nông dân theo 5 lớp, gồm 3 nghề chăn nuôi thú y, may gia công và nghề mộc: “Để phát triển làng nghề mới từ những nghề này, chúng tôi sẽ quan tâm hơn nữa tới việc hỗ trợ bà con vay vốn, tìm kiếm thị trường tiêu thụ. Có vậy nghề mới vững”.