Nông dân huyện Thanh Ba thi đua sản xuất - kinh doanh giỏi

 9236 lượt xem
- Thi đua sản xuất kinh doanh (SXKD) giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo, vượt khó, làm giàu là phong trào do Hội nông dân huyện Thanh Ba phát động, có sức lan tỏa rộng lớn trong tất cả các lĩnh vực sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp và dịch vụ. Phong trào đã cuốn hút hàng chục ngàn hội viên nông dân thi đua vươn lên xóa đói, giảm nghèo, làm giàu ngay trên chính mảnh đất quê hương. 

Việc đổi mới cách nghĩ, cách làm, xây dựng các mô hình SXKD đã mang lại hiệu quả cao trong mỗi gia đình; góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cơ cấu ngành nghề ở nông thôn Thanh Ba. Từ phong trào đã xuất hiện ngày càng nhiều gương nông dân SXKD giỏi, có mức thu nhập cao. Hàng năm, bình quân Thanh Ba có từ 7.500-9.000 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi các cấp. Năm 2011, toàn huyện có 9.216 hộ đạt danh hiệu SXKD giỏi; trong đó cấp tỉnh 972 hộ, cấp huyện 2.424 hộ, cấp cơ sở 5.820 hộ. Tại hội nghị tổng kết phong trào thi đua nông dân SXKD giỏi và hộ nghèo vượt khó huyện Thanh Ba giai đoạn 2009-2011 có 53 cá nhân tiêu biểu được khen thưởng. Đó thực sự là những tấm gương của sự cần cù, năng động, sáng tạo, biết vượt qua khó khăn để giành thuận lợi và đạt hiệu quả cao.

Với số vốn tự có và vay ngân hàng là 700 triệu đồng, gia đình chị Hà Thị Huấn (chi hội 5 xã Thanh Hà) đã mạnh dạn đầu tư mở đại lý dịch vụ cung cấp thức ăn kết hợp chăn nuôi gia súc, gia cầm và kinh doanh vật tư điện nước. Hàng năm gia đình chị thu lãi từ chăn nuôi lợn 40 triệu đồng, sản xuất cá giống cho lãi từ 140-150 triệu, kinh doanh đồ điện lãi 70-80 triệu đồng. Sau quá trình tích lũy, gia đình đã góp vốn vào Công ty vận tải vật liệu xây dựng, hàng tháng thu lợi từ 23-27 triệu đồng. Như vậy, tổng lãi từ các hoạt động SXKD của gia đình chị đạt 550 triệu/năm. Không những SXKD giỏi, chị còn trợ giúp 25 hộ nghèo vươn lên với tổng số tiền là 200 triệu đồng. Với những thành tích đó, chị Huấn vinh dự là đại biểu dự hội nghị tổng kết phong trào nông dân thi đua giỏi toàn quốc lần thứ IV năm 2012.
 
Tuy là thương binh hạng ¾ mất 41% sức khỏe, nhưng anh Đỗ Hùng Cường (chi hội 2 xã Yên Nội) vẫn phát huy phẩm chất bộ đội Cụ Hồ, làm kinh tế với mô hình sản xuất vật liệu xây dựng như gạch nung, gạch ép máy, cát sỏi, ngói úp, tấm lợp và dịch vụ vận tải; hàng năm có tổng doanh thu gần 1,3 tỷ đồng; trừ chi phí, có lãi 354 triệu đông/năm, tạo việc làm ổn định cho 7 lao động với thu nhập từ 2,5-4 triệu đồng/người/tháng.
 
Xuất phát điểm là hộ nghèo, nhưng bằng sự cần cù, chịu khó, không ngừng tích lũy kinh nghiệm, anh Đoàn Văn Chiến (chi hội 2 xã Đông Lĩnh) mạnh dạn đầu tư làm nghề đậu phụ, chăn nuôi gà, lợn và trồng trọt. Với mô hình này, năm 2009, gia đình anh có doanh thu 225 triệu đồng; trừ chi phí, bình quân mỗi khẩu trong gia đình có thu nhập 1,6 triệu đồng/tháng; năm qua, tổng doanh thu của gia đình tăng lên 458 triệu đồng, trừ chi phí, thu nhập bình quân 3,7 triệu đồng/khẩu/tháng.
 
Anh Phí Văn Bàn (chi hội 11 xã Khải Xuân) đã thành công với mô hình kinh tế gia trại. Anh đầu tư vốn chăn nuôi 12 con lợn nái, trên 300 lợn thịt, 100 con gà, 0,5ha ao nuôi cá và trồng chè cho tổng doanh thu hàng năm 930 triệu đồng và đạt lợi nhuận 175 triệu đồng/năm. Trong quá trình sản xuất, anh thường xuyên trao đổi, tuyên truyền và giúp đỡ những hội viên có khó khăn về kỹ thuật, giống vốn để các hộ tự vươn lên ổn định cuộc sống.
 
Gia đình anh Đào Văn Vĩ (chi hội 1 xã Vân Lĩnh) với tư liệu sản xuất gồm 2 máy đào đất, 1 máy ủi, 3 ô tô vận tải và 200 triệu đồng vốn lưu động đã đầu tư phát triển kinh tế tổng hợp theo hướng dịch vụ cơ giới, san lấp mặt bằng phục vụ xây dựng các công trình dân dụng, giao thông, thủy lợi trong và ngoài địa phương; kết hợp chăn nuôi và trồng trọt; năm sau lãi cao hơn năm trước. Năm 2011, tổng doanh thu 1,8 tỷ, lợi nhuận 382 triệu đồng, tạo việc làm ổn định cho 10 lao động với thu nhập từ 3,5-5,5 triệu đồng/tháng.
 
Là đảng viên trẻ, luôn nung nấu ý chí làm giàu, anh Đỗ Ngọc Sơn (chi hội 2 xã Ninh Dân) mạnh dạn thành lập Công ty TNHH xây dựng Hồng Sơn với số vốn 1,5 tỷ đồng chuyên sản xuất cống, gạch lát vỉa hè, thu hút 47 lao động thường xuyên có việc làm với mức lương từ 1,3-2,5 triệu/tháng. Năm 2010 doanh nghiệp có lãi 300 triệu đồng, giúp 3 hộ thoát nghèo bền vững; năm 2011 mức lãi đạt gần 500 triệu đồng. Công ty Hồng Sơn đang trên đà phát triển, từng bước góp phần thực hiện CNH,HĐH nông thôn và mục tiêu xây dựng nông thôn mới ở địa phương.
 
Mô hình kinh tế tổng hợp sản xuất gạch nung, dịch vụ vận tải của anh Nguyễn Khắc Hiếu (chi hội 1, xã Lương Lỗ) khiến nhiều người khâm phục. Bắt đầu từ con số 0, song với sự ủng hộ tạo điều kiện cho vay vốn từ các nguồn và sự nỗ lực của bản thân; năm 2010 anh thành lập doanh nghiệp Chí Hưng. Đến nay công ty đang trên đà phát triển, với năng lực sản xuất trên 9 triệu viên gạch/năm, tạo việc làm thường xuyên cho gần 50 lao động là người địa phương và anh em trong gia đình, với mức thu nhập mỗi người từ 3,5-5,5 triệu đồng/tháng.
 
Trong vài năm qua, hầu như ở làng, xã nào của huyện Thanh Ba cũng có những tấm gương nông dân vượt khó để xóa đói, giảm nghèo và làm giàu. Ở tất cả những điển hình đều có điểm giống nhau là ý chí và khát vọng vươn lên, tuy cách làm của mỗi người, mỗi gia đình có thể không giống nhau. Bài học phổ biến của các gia đình SXKD giỏi chính là sự năng động chuyển hướng làm ăn theo nhu cầu thị trường; phá thế độc canh, thuần nông bằng mô hình SXKD tổng hợp.
 
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Văn Ngạc - Chủ tịch Hội nông dân Thanh Ba cho biết: Hội nông dân từ huyện đến cơ sở đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích hội viên phát triển kinh tế hộ gia đình bằng nhiều hình thức; phối hợp với ngành nông nghiệp, Trạm khuyến nông, Trạm BVTV, Trạm thú y, Trường trung cấp nông lâm Phú Thọ, Công ty CP supe phốt phát và hóa chất Lâm Thao, Ngân hàng CSXH... mở 427 lớp tập huấn kỹ thuật, 378 hội nghị, hội thảo tuyên truyền chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, xây dựng mô hình trình diễn cho hàng chục ngàn lượt hội viên nông dân; mỗi vụ cung cấp hàng ngàn tấn vật tư, phân bón theo phương thức chậm thanh toán, tạo điều kiện để các hộ nông dân chủ động đầu tư vào sản xuất, xây dựng quyết tâm vươn lên thoát nghèo làm giàu.
 
Đúng như khẳng định của ông Chủ tịch Hội nông dân huyện, gặp mỗi nông dân SXKD giỏi, ai ai cũng ghi nhận vai trò tổ chức và làm cầu nối của tổ chức Hội để người nông dân được tiếp cận nguồn vốn, KHKT, thị trường và tạo mối liên kết chặt chẽ để sản xuất hàng hóa.
 
 
Ý kiến của bạn