Hiệu quả dồn điền và cơ giới hóa ở Sóc Sơn

 8501 lượt xem
Thuộc vùng bán sơn địa, Sóc Sơn là huyện có tỷ lệ hộ nghèo cao của TP Hà Nội. Hiện nay Sóc Sơn đang nỗ lực thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT), tạo cơ sở cho chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong thời gian ngắn, chủ trương này đã mang lại hiệu quả, có những bước chuyển rõ nét trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước thay đổi diện mạo nông thôn. 

Nhờ làm tốt công tác dồn điền đổi thửa, nông dân huyện Sóc Sơn có điều kiện phát triển trong sản xuất.

Huyện Sóc Sơn có tổng diện tích tự nhiên hơn 30.651ha, trong đó đất sản xuất nông, lâm nghiệp hơn 18.667ha, lớn nhất TP Hà Nội. Đất đai được chia thành ba vùng: đồi gò, vùng trũng và vùng đất giữa với nhiều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp bởi ruộng đất phân tán, manh mún khó canh tác. Vì thế việc DĐĐT triển khai từ năm 2010 được coi là cuộc cách mạng để chuyển đổi cơ cấu kinh tế của huyện. Với phương châm: bài bản, thận trọng, làm tới đâu chắc tới đó, huyện đặt mục tiêu trong năm 2012, DĐĐT thành công 4.000ha ở 25 xã, trong đó có 8-10 xã hoàn thành 100% diện tích, còn lại hoàn thành 50-80% diện tích. Đến nay những nơi dồn đổi ruộng xong đều đã hoàn thành quy hoạch đất đai, giao thông thủy lợi nội đồng, từng bước đưa một số giống cây trồng có giá trị kinh tế cao vào đồng ruộng để nâng cao giá trị đất canh tác. 

Qua thực tế 2 năm triển khai DĐĐT, cái được lớn nhất chính là cơ cấu mùa vụ ở Sóc Sơn đã thay đổi rõ rệt, từ chỗ sản xuất không tập trung, ba vùng với ba thời gian sản xuất khác nhau nay đã đưa vào sản xuất đại trà trên toàn huyện. Các giống lúa kém chất lượng dần được thay thế bằng lúa chất lượng cao. Đồng ruộng quy hoạch, nhân dân và các HTX trên địa bàn đã mạnh dạn đầu tư cơ giới hóa sản xuất, số lượng máy đã tăng gấp 10 lần; tăng trưởng về nông nghiệp đạt 5%/năm, giá trị sản xuất đạt 109 triệu đồng/ha. 
 
Phó Chủ tịch UBND huyện Ngô Đại Ngọc cho biết: Huyện đã tập trung cho công tác quy hoạch sau DĐĐT; xây dựng hệ thống thủy lợi, giao thông nội đồng; phát triển các vùng sản xuất tập trung như: hoa nhài, chè, rau an toàn, các dự án chăn nuôi tập trung, vùng chăn nuôi thủy sản. Trên địa bàn huyện đã hình thành một số vùng sản xuất chuyên canh: lâm nghiệp, cây ăn quả, chăn nuôi đại gia súc, gia cầm tại vùng đồi gò; lúa và thủy sản vùng ven sông; cây công nghiệp ngắn ngày, rau, hoa tại vùng phía nam và trung tâm. Bên cạnh đó là đầu tư, hỗ trợ nông dân nâng cao chất lượng sản phẩm, xây dựng một số sản phẩm có thương hiệu như: chè, rau sạch, sản phẩm chăn nuôi (bò thịt, lợn nạc, gà đồi, mật ong). Khuyến khích, hỗ trợ để đưa chăn nuôi tập trung ra xa khu dân cư, đồng thời quy hoạch, xây dựng các cơ sở chế biến, bảo quản nông sản, cơ sở giết mổ tập trung, tạo điều kiện thuận lợi cho tiêu thụ và quảng bá sản phẩm nông nghiệp. Huyện cũng khuyến khích, tạo điều kiện để các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp theo hướng công nghệ cao. 
 
Hiện nay, huyện đang tiếp tục đẩy mạnh việc DĐĐT số diện tích còn lại, khuyến khích các địa phương tăng cường chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên những diện tích đã dồn đổi, từng bước đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng để nâng cao năng suất lao động, từ đó nâng cao thu nhập cho nhân dân.
 
 
Ý kiến của bạn