Đơn vị tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước

 8863 lượt xem
Trong những năm qua, Đảng bộ và nhân dân Hương Cần, tỉnh Phú Thọ đã vinh dự được nhận nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước: Đơn vị Anh hùng thời kỳ kháng chiến chống Pháp năm 2005; Cờ thi đua của Thủ tướng Chính phủ năm 2007; từ năm 2002 đến nay Đảng bộ Hương Cần liên tục được công nhận Đảng bộ TSVM; từ năm 2005-2010 được Tỉnh ủy tặng cờ đơn vị vững mạnh tiêu biểu xuất sắc; đặc biệt, vừa qua, nhân dân và cán bộ xã Hương Cần vinh dự đón nhận Huân chương Lao động hạng Nhì do Nhà nước trao tặng. 

Có được những thành tích trên là kết quả của cả một quá trình phấn đấu bền bỉ, liên tục trong lộ trình xây dựng và phát triển của địa phương.

Là một xã miền núi nghèo của huyện miền núi Thanh Sơn với diện tích rộng, dân số đông, trình độ dân trí thấp, còn mang nhiều hủ tục lạc hậu; nhân dân chủ yếu phát triển kinh tế đồi rừng và chăn nuôi nên đời sống còn gặp nhiều khó khăn, song những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong xã đã không ngừng nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, tận dụng mọi cơ để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. 
 
Xác định gắn việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương với việc thực hiện nội dung các phong trào thi đua do Đảng, Nhà nước và tỉnh phát động sẽ là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; nhiều cá nhân luôn tiên phong trong việc thực hiện các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước sẽ là nhân tố tạo nên sức mạnh tổng hợp của một tập thể. Do vậy, ngay từ những năm 2000, chính quyền xã đã bắt đầu việc “xây dựng văn hóa trước”. Là xã có xuất phát điểm thấp, nhiều dân tộc sinh sống mang nhiều nét văn hóa cũng như hủ tục khác nhau nên chính quyền địa phương đã xây dựng các hương ước, quy ước cho xã và cho từng khu dân cư; vận động các dòng họ xây dựng hương ước của dòng họ mình; khuyến khích các gia đình, các khu dân cư đăng ký tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa, kịp thời tuyên dương khen thưởng đối với các gia khu, các gia đình thực hiện tốt các hương ước, quy ước đã đăng ký.  Phong trào “toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá tại khu dân cư” trên địa bàn xã được nhân dân hưởng ứng. Hiện nay, 100% khu dân cư của xã đã có nhà văn hoá, hơn 85% số hộ gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, nhiều khu dân cư được đề nghị công nhận khu dân cư văn hoá cấp tỉnh. Chất lượng y tế, giáo dục của Hương Cần từng bước được nâng lên. Hàng năm, tỷ lệ các cháu đỗ vào các trường đại học, cao đẳng và chuyên nghiệp rất cao, có nhiều cháu đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp Quốc gia, cấp tỉnh. 
 
Song song với thực hiện các thiết chế văn hóa là việc đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế, xây dựng cơ sở hạ tầng. Tận dụng những thuận lợi về nút lưu thông hàng hóa, Hương Cần đã xây dựng cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ thương mại - nông lâm nghiệp và công nghiệp tiến tới trở thành một điểm đến, giao lưu, hội nhập, điểm dừng chân của khách. Chính quyền xã đã có Nghị quyết phát triển quy hoạch, xây dựng các khu dân cư chạy dọc 9km đường 316 thành trung tâm dịch vụ - kinh doanh thương mại tổng hợp để từng bước xây dựng đô thị; đề ra giải pháp xây dựng các tiểu vùng sản xuất gắn với đặc điểm địa hình và điều kiện tự nhiên của từng khu dân cư. Những năm gần đây, nhờ biết tranh thủ các nguồn lực, khai thác mọi tiềm năng sẵn có của địa phương, Hương Cần đã nhanh chóng áp dụng các tiến bộ KHKT vào sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng các loại hình dịch vụ, thương mại; khuyến khích việc phát triển kinh tế theo mô hình VAC. Đặc biệt, nhờ biết phát huy nội lực và thực hiện phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, những năm qua, xã đã huy động được sức dân tự trang bị thêm một máy biến áp 400 KVA, làm thêm 10,7 km đường điện hạ thế phục vụ cho nhu cầu điện sản xuất và sinh hoạt của nhân dân; đóng góp xây dựng trường học, các công trình giao thông, thuỷ lợi, nước sạch vệ sinh môi trường, nhà văn hoá khu dân cư,… Từ một xã nghèo, Hương Cần đã trở thành trung tâm cụm xã và được đánh giá là xã dẫn đầu trong khu vực về tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là các loại hình kinh tế công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ thương mại, tạo được sức ảnh hưởng lan tỏa đến các xã lân cận. 
 
Có được những thành tích trên, trước hết là phải tuyên truyền làm thay đổi hành vi nhận thức của người dân trước sự nghiệp đổi mới. Bên cạnh đó, động viên và khuyến khích nhân dân tham gia thực hiện phong trào thi đua do các cấp phát động sẽ phát huy tác dụng, vừa tạo sức cạnh tranh trong lao động sản xuất, vừa tạo thành một khối thống nhất cùng quyết tâm thực hiện hiệu quả các chương trình mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của địa phương – Chủ tịch UBND xã chia sẻ. 
 
 
Ý kiến của bạn