(BTĐKT) – Tại hội nghị góp ý xây dựng đề án phát triển sản xuất hoa, cây cảnh và đề án phát triển một số loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao của thành phố Hà Nội đến năm 2015, định hướng đến 2020, ông Trần Xuân Việt, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định: Triển khai thực hiện hai đề án phát triển các vùng chuyên canh về hoa, cây cảnh và cây ăn quả sẽ góp phần đẩy nhanh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích, nâng cao thu nhập cho người dân, đáp ứng yêu cầu xây dựng nông thôn mới.
Trong Chương trình “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” của thành phố Hà Nội đã xác định: Việc tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, đề án trọng tâm, phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu. Trong đó có nhiệm vụ phát triển hai đề án về xây dựng các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh và cây ăn quả đặc sản.
Từ năm 2005 đến nay, Hà Nội đã tập trung đầu tư phát triển các vùng cây ăn quả, do đó diện tích đã tăng 36%, năng suất tăng từ 10-28% tùy loại, sản lượng tăng 37%... Hình thành một số vùng chuyên canh như bưởi Diễn, bưởi Quế Dương; cam Canh, nhãn muộn… Cho năng suất cao và phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu. Cây ăn quả đã góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, thu nhập cho người nông dân, với giá trị thu nhập trung bình 68,2 triệu đồng/ha, có nơi cao 200-300 triệu đồng/ha.
Hội nghị đặt ra mục tiêu đến năm 2015, Hà Nội sẽ nâng diện tích trồng cây ăn quả đạt 16.400 ha, tăng thêm 3000 ha so với năm 2010; năng suất, sản lượng cây ăn quả tăng thêm 12-15%/năm, đến 2015 đạt 281.000 tấn, gấp 1,7 lần năm 2010; giá trị sản xuất cây ăn quả đạt từ 150-180 triệu đồng/ha, trong đó cây ăn quả có giá trị kinh tế cao đạt từ 250-300 triệu đồng/ha.
Để đạt được mục tiêu đó, Thành phố Hà Nội sẽ tham gia hỗ trợ xây dựng 16 vùng chuyên canh cây ăn quả, với tổng kinh phí thực hiện ước tính trên 845 tỷ đồng. Trong đó, thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng 6 vùng trồng và thâm canh bưởi Diễn, bưởi Quế Dương tập trung, qui mô từ 150 ha/vùng trở lên; xây dựng 2 vùng trồng cam Canh qui mô trên 100 ha/vùng tại huyện Hoài Đức và Thanh Oai; hỗ trợ xây dựng 3 vùng thâm canh nhãn, quy mô trên 50ha/vùng tại các huyện Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức; 3 vùng thâm canh chuối qui mô trên 100ha/vùng tại các huyện Phú Xuyên, Ứng Hòa, Gia Lâm; 2 vùng trồng thử nghiệm thanh long ruột đỏ qui mô 10ha/vùng tại huyện Ba Vì và Thạch Thất…
Cùng với việc phát triển các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, Hà Nội cũng đặt ra mục tiêu, đến năm 2015 sẽ nâng diện tích trồng hoa, cây cảnh của thành phố lên 2.165 ha, giá trị sản xuất bình quân đạt 350-400 triệu đồng/ha; từng bước hiện đại hóa 2 vùng sản xuất hoa xuất khẩu quy mô 50ha/vùng tại huyện Mê Linh và Đan Phượng; xây dựng Trung tâm giới thiệu hoa đào quy mô 50 ha tại quận Long Biên; xây dựng mô hình bảo tồn, phát triển đào Nhật Tân và quất Tứ Liên, thu thập, sưu tầm các kỹ thuật cổ truyền và phổ biến, mở rộng vùng sản xuất đào Nhật Tân và quất Tứ Liên tại các vùng có điều kiện sản xuất phù hợp như Thường Tín, Long Biên, Đông Anh…
Tuy nhiên, hội nghị chỉ ra rằng: Để hai dự án trên được đi vào thực hiện, thành phố cần tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, điện và nước; cần có cơ chế khuyến khích dồn điền đổi thửa, để tạo nên những vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa; quan tâm phát triển giống hoa, cây ăn quả năng suất, chất lượng cao; gắn các vùng chuyên canh hoa, cây cảnh, cây ăn quả với phát triển du lịch sinh thái… Đồng thời có cơ chế thu hút vốn đầu tư hiệu quả.
Anh Vũ