Tìm giải pháp khắc phục nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trong tiến trình xây dựng nông thôn mới là vấn đề quan tâm ở Thừa Thiên Huế.
Những khó khăn
Ông Nguyễn Trung Tiến, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Tổng điều tra nông nghiệp, nông thôn, thuỷ sản tỉnh đã chỉ ra những hạn chế, khó khăn thách thức gây ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất nông lâm thuỷ sản. Đó là, trong sản xuất thâm canh, người dân sử dụng quá nhiều phân bón, hoá chất, thuốc bảo vệ thực vật... dẫn đến dư lượng chất thải độc hại gây ô nhiễm môi trường và tạo ra nguồn thực phẩm không đảm bảo an toàn. Tình hình biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp dẫn đến thiên tai, dịch bệnh liên tiếp xảy ra ảnh hưởng đến tâm lý người dân, làm giảm năng suất và hiệu quả cây trồng, vật nuôi.
Sản xuất, kinh doanh trứng gà ở Quảng Điền - mô hình làm giàu cần nhân rộng.
Lĩnh vực công nghiệp, dịch vụ ở nông thôn chậm phát triển, chất lượng sản phẩm còn hạn chế nên chưa đáp ứng trong điều kiện hội nhập. Cơ cấu kinh tế chủ yếu là thuần nông, tỷ lệ hộ nông nghiệp chiếm khá cao khoảng 53,7%. Các hoạt động công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ mang lại hiệu quả thấp, chưa thu hút nhiều lao động tham gia. Nguồn thu nhập lớn nhất của hộ gia đình từ lĩnh vực phi nông nghiệp chiếm 38% là còn thấp. Số lượng doanh nghiệp ở nông thôn rất ít, quy mô nhỏ; công nghệ sản xuất lạc hậu, trình độ quản lý thấp, tay nghề lao động chưa cao. Kết cấu hạ tầng phục vụ sản xuất kinh doanh còn hạn chế, không đủ sức để thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước vào khu vực nông thôn.
Sản phẩm của nông dân luôn chịu nhiều bất lợi trong điều kiện cạnh tranh trên thị thường ngày càng gay gắt. Giá các loại vật tư nông nghiệp luôn dao động ở mức cao gây khó khăn cho người dân trong đầu tư thâm canh tăng năng suất. Giá một số sản phẩm, như sắn, cao su và các mặt hàng nông sản không ổn định nên hiệu quả sản xuất rất thấp. Sản phẩm lúa gạo thường được giá mất mùa, được mùa thì mất giá do đầu ra không ổn định, lái buôn chèn ép. Ngay cả thị trường sản phẩm gỗ rừng trồng cũng không ổn định, nếu tình hình xuất khẩu gặp trở ngại sẽ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất lâm nghiệp.
Kinh tế trang trại được xác định là mô hình tiên tiến trong sản xuất kinh doanh ở nông thôn nhưng hiệu quả mang lại rất thấp. Đến nay, toàn tỉnh còn 20 trang trại theo tiêu chí mới. Số còn lại khoảng 458 trang trại không đạt tiêu chí, chứng tỏ loại hình kinh tế này vẫn còn nhiều hạn chế. Sự hình thành và phát triển kinh tế trang trại vẫn mang tính tự phát, phân tán, thiếu sự định hướng và hỗ trợ của Nhà nước. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật sản xuất còn nhiều hạn chế nên hiệu quả kinh tế mang lại chưa cao...
Đi tìm lời giải
Tổng thu nhập bình quân đầu người ở nông thôn đến cuối năm 2011 theo giá hiện hành là 1,214 triệu đồng/tháng, trong khi ở thành thị là 1,577 triệu đồng. Mặc dù tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể so với nhiều năm trước, song tỷ lệ 10,77% là con số vẫn còn cao, trong khi ở khu vực thành thị chỉ còn 5,88%.
Theo ông Nguyễn Trung Tiến, để sản xuất nông lâm thuỷ sản có bước phát triển toàn diện cần triển khai các giải pháp đồng bộ. Định hướng kinh tế nông nghiệp, nông thôn của Thừa Thiên Huế trong những năm tới là phát triển sản xuất hàng hoá, tạo ra sản phẩm chất lượng, hiệu quả, có sức cạnh tranh cao; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ sinh học, đưa cây trồng vật nuôi vào sản xuất đảm bảo khung lịch thời vụ; phát triển sản xuất theo hướng hình thành vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện từng địa phương như vùng chuyên canh rau sạch, sắn, lạc chất lượng; tăng cường đầu tư thâm canh, nâng cao hiệu quả cây cao su, rừng kinh tế; chú trọng phát triển ngành nghề nông thôn, các dịch vụ khuyến nông lâm ngư, thú y, tiêu thụ nông sản...
Tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao hiệu quả kinh tế hợp tác xã nông nghiệp. Khuyến khích phát triển kinh tế tập thể theo hướng đa dạng hoá và nâng cao chất lượng các loại hình dịch vụ. Phát triển mô hình kinh tế trang trại, gia trại nhằm đẩy mạnh sản xuất hàng hoá, chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp, bán công nghhiệp một cách bền vững và phù hợp với lợi thế của từng vùng. Tập trung cải tạo, nâng cao chất lượng đàn gia súc gia cầm đáp ứng nhu cầu thị trường. Làm tốt công tác thú y, phòng chống dịch bệnh; tăng cường đầu tư các cơ sở sản xuất thức ăn; hiện đại hoá các cơ sở giết mổ, chế biến sản phẩm gia súc gia cầm đáp ứng yêu cầu thị trường.
Trong điều kiện ngày càng chịu ảnh hưởng bất lợi của thời tiết, các địa phương tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn từng bước hoàn thiện. Tiếp tục đầu tư hoàn thiện hệ thống trạm bơm, nâng cấp, duy tu bảo dưỡng hệ thống kênh mương nội đồng, các công trình thuỷ lợi vừa và nhỏ ở vùng gò đồi, vùng cát đảm bảo phục vụ nhu cầu sản xuất trong điều kiện thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Xây dựng các công trình chống xâm thực bờ biển, xói lở bờ sông nhằm đảm bảo ổn định đời sống sinh hoạt và sản xuất cho người dân. Hoàn chỉnh cơ bản hệ thống đê đập ngăn mặn, ngăn lũ ở vùng ven biển, đầm phá, vùng cửa sông và hệ thống đê nội đồng... Đó cũng chính là những yếu tố rất quan trọng góp phần nâng cấp kết cấu hạ tầng theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới.