Ở đất làng cam (tổ 8, thị trấn Nông trường Trần Phú, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái) đảng viên Nguyễn Văn Thống được biết đến như một trong ít những người khởi đầu cho phong trào trồng cam và giàu lên từ cam.
Anh Nguyễn Văn Thống thăm vườn cam.
Người đàn ông với vẻ ngoài to cao lực lưỡng, đôi mắt sáng tinh nhanh ấy vốn là bộ đội xuất ngũ về làm công nhân trồng chè của Nông trường Trần Phú. Không khoanh tay trước đói nghèo, từ mấy chục gốc cam trong vườn nhà chủ yếu trồng để ăn, anh Thống đã mạnh dạn phát triển nhân giống cam, lúc bấy giờ chủ yếu là cam sành.
Phong trào chuyển đổi đất không trồng được chè sang trồng cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú cũng phát triển mạnh từ đó. Đến nay gia đình anh Thống có trên dưới 2ha cam, chủ yếu cam sành và cam canh.
Anh Thống cho biết, khí hậu và thổ nhưỡng ở đây rất phù hợp trồng cam nên cho giá trị kinh tế cao. Mỗi năm sản lượng cam của vườn nhà anh cũng cho thu hoạch trên 30 tấn, giá cả còn tùy thuộc vào thị trường nhưng trung bình gia đình thu nhập 200 - 300 triệu đồng/năm từ cam.
Nhớ ngày đầu làm không có vốn cũng không hiểu về kỹ thuật nên anh gặp nhiều khó khăn. Anh tâm sự: “Lúc đó mình vừa làm vừa thăm dò, rồi tự tích lũy kinh nghiệm”.
Khi phong trào trồng cam phát triển không chỉ ở thị trấn Nông trường Trần Phú anh vừa bán giống vừa đến tận nhà tư vấn kỹ thuật trồng cho người dân. Anh luôn tâm niệm giúp đỡ mọi người cũng chính là giúp mình nên rất nhiều gia đình ở thị trấn được anh giúp đỡ về giống, kỹ thuật đến nay cũng đã giàu lên từ cam. Những gia đình khó khăn, anh bán giống chịu tiền cho họ, rồi tận tình đến tận nơi hướng dẫn về kỹ thuật.
Ông Đoàn Hữu Hậu - Bí thư Chi bộ tổ 8, thị trấn Nông trường Trần Phú cho biết: “Ở làng cam này nhiều người chịu ơn của anh Thống lắm. Trước anh giúp đỡ mọi người về giống, kỹ thuật trồng cam, nay anh còn giúp đỡ cả vốn để phát triển kinh tế”.
Lúc giá trị kinh tế của cam được khẳng định thì điều khó khăn nhất anh gặp phải đó là đất sản xuất. Đất nông trường chủ yếu trồng chè, chỉ còn lại đất đồi dốc. Lúc đó không ai dám nghĩ sẽ đưa cam lên đồi để trồng. Anh đã mạnh dạn khai phá đất đồi làm thử.
Anh Thống nhớ lại: “Không có tiền thuê người làm, tôi tự mình đánh đất đồi dốc hạ cấp xuống, cứ 3 mét 1 cấp, rồi trồng thưa thôi, giờ thì những luống cam trên đồi dốc của tôi phát triển bình thường, phẩm cấp cam không thay đổi”. Đến giờ, làng cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú nhà nào cũng tận dụng hết đất đồi dốc trồng cam theo kỹ thuật của anh Thống. Đời sống của người dân được nâng lên rõ rệt, nhờ cam người dân ở đây xây được nhà, mua được xe máy, nuôi được con ăn học đầy đủ.
Với bản tính cần cù chịu khó, ngoài trồng cam, anh Thống nghiên cứu và xây ao nuôi ba ba. Hiện trong ao nhà anh có hơn 400 con ba ba giống, cho xuất bán từ 2 năm nay nên cũng tăng thêm thu nhập của gia đình. Phát huy vai trò tiên phong của người đảng viên, người lính bộ đội Cụ Hồ, anh Thống luôn gương mẫu trong chấp hành chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Anh nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành vì đã có những thành tích góp phần phát triển cây cam ở thị trấn Nông trường Trần Phú.