Sức lan tỏa từ một phong trào

 8772 lượt xem
Gần hai năm nay, bằng những việc làm cụ thể, các phong trào thi đua của người dân hai tổ dân phố 35, 36 phường Thuận Phước (quận Hải Châu, TP Ðà Nẵng) đã có một sức lan tỏa mạnh mẽ. Nhiều khu dân cư khác trong phường Thuận Phước cùng thực hiện, làm dấy lên phong trào thi đua sôi nổi đối với mỗi cán bộ, đảng viên, người dân cùng làm theo gương Bác. 

Cô giáo Ðoan dạy học cho các em học sinh nghèo tổ 33.  

Quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường"

"Trước đây, khi nhắc đến tổ dân phố 35, 36 này, cán bộ phường thường "lắc đầu" vì các phong trào ở đây thực hiện quá yếu, mặc dù là quận trung tâm thành phố nhưng vẫn còn nhiều hộ nghèo. Nhưng bây giờ, từ những việc làm thiết thực, bà con trong tổ dân phố chúng tôi đã chứng minh điều ngược lại. Năm 2011, hai tổ dân phố có 22 hộ nghèo, thì đến nay, còn một hộ đặc biệt nghèo và một hộ nghèo", đồng chí Ðoàn Minh Vương, Bí thư Chi bộ tổ dân phố 35, 36 cho biết.
 
Ý tưởng thực hiện phong trào thu gom phế liệu để gây quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" xuất phát từ một thực tế, trong hai tổ dân phố 35, 36 nhiều trẻ em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn đã phải nghỉ học giữa chừng. Chi bộ tổ dân phố kết hợp Hội Phụ nữ, Ðoàn Thanh niên cùng họp bàn và đề xuất xây dựng phong trào từ việc mỗi đảng viên trong chi bộ góp tiền nuôi heo đất tiết kiệm, rồi xây dựng phong trào thu gom phế liệu, góp từng đồng tiền lẻ để tiết kiệm thành đồng tiền chẵn, trao học bổng cho học sinh hiếu học, trợ giúp các hộ gia đình khó khăn vươn lên, thoát nghèo. Mỗi người góp một chút, tạo thành một thói quen, một nếp sống đẹp trong khu dân cư. Ði vào hoạt động từ tháng 3-2011, thì đến cuối năm 2011, số tiền tiết kiệm được từ việc bán phế liệu là tám triệu đồng, đến nay đã hơn 18 triệu đồng. Phong trào còn thu hút được sự quan tâm, tự nguyện đóng góp thêm nguồn kinh phí của nhiều cán bộ, đảng viên, người dân trong phường. Theo ông Vương, lúc đầu mới đưa ra thực hiện, nhiều ý kiến bàn ra, không tán thành. Nhưng chính những kết quả đạt được đã thuyết phục phần lớn các hộ dân, để cùng thực hiện tốt phong trào "Tổ dân phố làm theo lời Bác", "Ðảng viên sống đẹp". Nhờ nguồn quỹ này, tổ dân phố đã trao 11 suất học bổng cho học sinh nghèo, trao tiền trợ cấp khó khăn cho 11 gia đình, tổ chức Ngày 1-6 cho các cháu thiếu nhi. "Mừng nhất là sự đồng lòng của bà con trong tổ dân phố, từ người già đến trẻ em, ai cũng nhiệt tình tham gia, ủng hộ phong trào",  ông Vương chia sẻ.
 
9 giờ sáng chủ nhật, chiếc xe ba gác có pa-nô với dòng chữ "Quyên góp phế liệu gây quỹ trao học bổng cho học sinh nghèo" được đích thân Bí thư chi bộ Minh Vương và các cán bộ hội phụ nữ, cựu chiến binh, đoàn thanh niên bắt đầu hành trình thu gom phế liệu.  Xe đi đến đâu, người dân trong khu vực lại tay xách, tay mang nào giấy báo cũ, phế liệu đến ủng hộ. Thấy vẻ ngạc nhiên của tôi, chị Hoa sống ở khu chung cư số 5 Thuận Phước vui vẻ nói, lúc đầu cũng hơi ngại, nhưng rồi thấy việc làm của tổ dân phố ý nghĩa quá, tôi cũng mạnh dạn đóng góp thêm kinh phí vào quỹ, và vận động nhiều nhà cùng đóng góp thêm tiền và phế liệu. Bây giờ nhiều bà con trong tổ dân phố này đều rất ý thức với phong trào thu gom phế liệu này. Nhiều người đi đâu, hễ thấy chai, vỏ lon bia là nhặt ngay. Rồi gom lại, chờ đến ngày chủ nhật để ủng hộ. "Phát động phong trào làm theo gương Bác Hồ, đi về với dân là phải làm từng việc cụ thể, ra tấm, ra miếng, dân mới tin và làm theo. Chúng tôi thật sự vui và xúc động nhận được sự động viên, khích lệ và hỗ trợ trực tiếp của đồng chí Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh cho quỹ "Tiếp sức đến trường" 10 triệu đồng. Cùng với sự quan tâm sâu sát của chính quyền địa phương, hy vọng phong trào sẽ được nhân rộng. Nhân dân phấn khởi nhưng chưa thỏa mãn, phải tiếp tục phấn đấu", ông Vương khẳng định.
 
Ðảng viên sống đẹp
 
Nhờ nguồn quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường", nhiều em học sinh đã có thêm nghị lực để tiếp tục đến trường. Em Ðặng Văn Nhân, học sinh lớp 4 Trường tiểu học Võ Thị Sáu là một điển hình như thế. Sinh ra trong một gia đình ngư dân, gia đình quá khó khăn, thu nhập của cả bố mẹ Nhân mỗi ngày chỉ được vài chục nghìn đồng. Nhân mấy lần định bỏ học, nhưng rồi mọi việc đã khác khi em gặp được cô Trần Thị Bích Ðoan. Cô Ðoan vừa được nhận danh hiệu "Ðảng viên sống đẹp" của phường Thuận Phước. Là cán bộ, chị xin về hưu trước tuổi vì lý do sức khỏe. Về sinh hoạt chi bộ tại địa phương, tổ 33 phường Thuận Phước, chị đã tự đăng ký dạy kèm cho cháu Nhân. Nhờ sự kèm cặp chu đáo của chị, em Nhân từ một học sinh ở lại lớp 1, đã vươn lên, trở thành học sinh giỏi ba năm liền của Trường tiểu học Võ Thị Sáu. Và cũng nhờ cái duyên làm cô giáo của chị Ðoan, hiện có năm em đang theo học tại gia đình chị. Hằng ngày, ngoài giờ học tại trường, các em lại tập trung tại nhà cô Ðoan để học về đạo đức, đối nhân xử thế. Chị Ðoan đã giải thích cho các em hiểu rằng, trẻ em không được nói tục, không được lười biếng, dù hoàn cảnh gia đình có khó khăn đến mấy, thì phải gắng để đến trường. Chị đã trực tiếp liên hệ với giáo viên chủ nhiệm các lớp, để cùng kèm cặp, giáo dục các em nên người. Bây giờ thì nhóm học sinh của cô giáo Ðoan đều chăm ngoan, lễ phép và học tốt. Ngoài giờ học, các em lại cùng cô giáo Ðoan đi thu gom phế liệu, kiếm tiền bỏ ống tiết kiệm để đầu năm học mua sách vở, đồng phục, khăn quàng đỏ. Hôm tôi đến là đêm Trung thu, các em có một bữa tiệc nhỏ cùng rước đèn tại nhà cô giáo. Hỏi Nhân về những nỗ lực của em sau bao năm vượt khó, Nhân cười hiền khô: "Nhờ mẹ Ðoan cả chị ơi. Bây giờ em học giỏi, chăm ngoan, bố mẹ em mừng lắm. Em còn khuyên các bạn trong nhóm và trong nhà chung cư nơi em ở phải chăm học, tự học để làm người học trò ngoan, người con có hiếu". Câu trả lời khôn khéo và thông minh của cậu học trò lớp 4 làm tôi thấy vui lây niềm vui của chị Ðoan. "Mình làm đúng lương tâm của một người đảng viên, dù việc làm của mình rất nhỏ bé, nhưng mang nhiều ý nghĩa. Không thể mang tặng các em cái gì quý hơn là tri thức và sự hiểu biết, để mai này, khi lớn lên, các em sẽ trở thành người sống có ích cho chính mình và xã hội", chị Ðoan tâm sự.
 
Chính phong trào thu gom phế liệu gây quỹ học bổng "Tiếp sức đến trường" tại các tổ dân phố 33, 35, 36 của phường Thuận Phước đã làm thay đổi cách nghĩ của nhiều người trong ý thức sống vì cộng đồng. Phong trào không chỉ mang lại ý nghĩa nhân văn sâu sắc là tiếp sức cho trẻ đến trường, mà còn là sợi dây tình cảm gắn kết cộng đồng dân cư. Mỗi nhà mỗi cảnh, nhưng khi tụ hợp lại để làm việc nghĩa, việc thiện, thì cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn. Hiện nay phường Thuận Phước đang lên kế hoạch nhân rộng phong trào này ra toàn phường, đây là cách nhân rộng những mô hình hay, những gương sống đẹp trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.
 
 
Ý kiến của bạn