Hà Nội: Mở rộng diện tích trồng lúa hàng hóa chất lượng cao

 8081 lượt xem
Những năm gần đây, TP Hà Nội cung cấp khoảng 1,1 triệu tấn lúa, đáp ứng 50-60% nhu cầu lương thực. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng gạo trên thị trường, tiến tới xây dựng thương hiệu "Gạo Hà Nội", Trung tâm Giống cây trồng (TTGCT) Hà Nội đang mở rộng xây dựng mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại các địa phương, bước đầu đã khẳng định hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho nông dân. 

Tham gia chương trình sản xuất lúa hàng hóa của TTGCT Hà Nội, vụ mùa năm 2012, HTX Nam Phương Tiến (huyện Chương Mỹ) tổ chức sản xuất 100ha lúa hàng hóa chất lượng cao với 2 giống lúa RVT và HT1, năng suất dự kiến từ 5,8-6 tấn/ha, sản lượng đạt 590 tấn. Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết, so với các giống lúa thường, lúa hàng hóa chất lượng cao cho hiệu quả kinh tế cao hơn, khả năng chống chịu sâu bệnh tốt nên được bà con rất ưa chuộng chọn để sản xuất liên tục. Đơn cử như giống RVT cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với giống lúa cũ (Khang dân) 15,2 triệu đồng/ha. Theo kế hoạch, năm 2013, xã Nam Phương Tiến sẽ tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa hàng hóa lên 200ha.

Vụ mùa năm 2012, TTGCT Hà Nội đã chọn 31 xã và HTX của 10 huyện tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa với quy mô 3.600ha. Tham gia mô hình, các hộ dân được hỗ trợ 100% giống lúa và 30% vật tư phân bón, được dự các lớp đào tạo kỹ thuật do TTGCT tổ chức. Riêng vụ mùa 2012, trung tâm phối hợp với các xã, HTX tổ chức được 25 lớp huấn luyện kỹ thuật trồng lúa, chăm sóc và chế biến cho 28.000 lượt cán bộ, nông dân trực tiếp tham gia sản xuất. Ông Nguyễn Bá Sướng, Giám đốc TTGCT cho biết, với 3.600ha lúa hàng hóa chất lượng cao, dự kiến sản lượng 18.720 tấn, vụ mùa 2012, lúa hàng hóa của Hà Nội đã đem lại giá trị kinh tế hơn 68 tỷ đồng, tăng so với sản xuất lúa thường 40,5 tỷ đồng.
 
Hiện đã có 5 doanh nghiệp tham gia cung ứng 234 tấn giống lúa chất lượng cao bảo đảm đúng tiêu chuẩn, quy định của Nhà nước và 6 doanh nghiệp tham gia cung ứng 3.528.000 tấn phân bón trả chậm cho nông dân. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Huy Oánh, Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Thanh Văn (Thanh Oai), khâu tiêu thụ sản phẩm đang là trở ngại chính đối với các HTX. Tham gia mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao, hầu hết nông dân đang tự tiêu thụ và mở rộng sản xuất, ít có đơn vị đứng ra thu mua hay đặt hàng để nhân dân sản xuất theo yêu cầu. Hiện, trong 450ha đất nông nghiệp của xã, Thanh Văn có tới 400ha gieo cấy giống lúa Bắc thơm số 7. Trong đó, 200ha đã được lập hồ sơ đăng ký cấp thương hiệu gạo Thanh Văn nhưng nông dân và cán bộ xã vẫn băn khoăn về việc tiêu thụ sản phẩm. 
 
Dù còn nhiều khó khăn, trở ngại song bước đầu mô hình sản xuất lúa hàng hóa chất lượng cao tại Hà Nội đã cho những hiệu quả nhất định. Trong năm 2013, TTGCT Hà Nội dự kiến sẽ mở rộng diện tích lúa hàng hóa tại 37 điểm của 12 huyện, với quy mô 8.000ha. Cùng với việc mở rộng sản xuất, trung tâm sẽ tiến hành khảo nghiệm, trồng thử các giống lúa nhằm chọn ra giống lúa chất lượng, tiến tới xây dựng 3-4 nhãn hiệu "Gạo Hà Nội" tại các địa phương.
 
 
Ý kiến của bạn