Thôn Thượng Phúc (xã Quang Trung, Kiến Xương) được biết đến bởi luôn dẫn đầu xã về sản xuất lúa và cây màu. Không những thế, phong trào phát triển kinh tế và xây dựng nông thôn mới (NTM) ở nơi đây cũng được cấp ủy, chính quyền xã đánh giá cao. Đạt được kết quả đó phải kể đến vai trò của Chi hội nông dân thôn - lực lượng nòng cốt đi đầu trong mọi phong trào ở địa phương.
Chi hội nông dân thôn Thượng Phúc có 219 hội viên, trong đó hội viên cao nhất 80 tuổi và thấp nhất 27 tuổi. Trao đổi với chúng tôi, bà Trần Thị Thu - Chi hội trưởng cho biết: Thực hiện chương trình công tác hội và nhiệm vụ trọng tâm của địa phương trong phát triển kinh tế - xã hội, thời gian qua, Chi hội thường xuyên phát động hội viên đẩy mạnh phong trào nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, trong đó trọng tâm là phát triển kinh tế và xây dựng NTM. Trên lĩnh vực phát triển nông nghiệp, những năm qua, Chi hội thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân thực hiện nghiêm túc đề án sản xuất lúa và cây màu, cây vụ đông.
Đến nay, nông dân trong thôn đã loại bỏ hoàn toàn các giống lúa dài ngày, thực hiện gieo cấy 100% giống lúa ngắn ngày với năng suất bình quân từ 4,1 - 4,5 tạ/sào/năm. Bên cạnh đó, nông dân trong thôn còn mở rộng diện tích gieo cấy lúa hàng hóa, nâng cao giá trị sản xuất. Cụ thể: vụ mùa năm 2012, toàn thôn gieo cấy 85% diện tích lúa chất lượng bao gồm các giống BC15, N87, N97, RVT và Bắc thơm. Cùng với cây lúa, với 70 mẫu đất chuyên màu, nông dân thôn Thượng Phúc còn tích cực đưa cây màu, cây vụ đông vào sản xuất. Vụ xuân 2012, trên quỹ đất chuyên màu, nông dân thực hiện gieo trồng đan xen lạc, dưa hồng và ngô giống, đem lại thu nhập từ 3-4 triệu đồng/sào. Trong chăn nuôi, Chi hội hướng hội viên đẩy mạnh phát triển chăn nuôi quy mô lớn, đồng thời thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.
Bên cạnh việc tập trung phát triển nông nghiệp, nông dân thôn Thượng Phúc còn chú trọng phát triển nghề và làng nghề, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho lao động ở địa phương. Các nghề chủ yếu gồm: may, mộc, nấu rượu, làm bún, làm đậu phụ, xay xát, nề và dịch vụ làm đất, thu hoạch lúa với 4 máy gặt đập liên hoàn, 3 máy cày cỡ trung và 10 máy cày nhỏ. Cùng bà Thu, chúng tôi đến thăm Cơ sở may Thiên Hà chuyên may quần áo xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc. Anh Nguyễn Văn Thiên - Chủ cơ sở, một trong hai nông dân đang được Chi hội đề nghị công nhận danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi cấp tỉnh cho biết: Được thành lập từ năm 2010 chỉ với 10 lao động, đến nay, Cơ sở đã đầu tư mở rộng sản xuất tạo việc làm ổn định cho 60 lao động với thu nhập trung bình từ 2,8 - 3 triệu đồng/người/tháng. Cùng với Cơ sở may Thiên Hà, trên địa bàn thôn còn có Cơ sở sản xuất đồ gỗ Đào Thanh tạo việc làm cho 12 lao động.
Không chỉ phát huy tốt vai trò của nông dân trong phát triển kinh tế, hưởng ứng phong trào xây dựng NTM, thời gian qua, Chi hội còn tích cực triển khai nội dung của phong trào nhằm tạo sự đồng thuận cao trong toàn thể nhân dân. Trước hết, Chi hội tham mưu với Ban chi ủy thôn, tiểu ban giao thông thủy lợi và dồn điền đổi thửa thành lập tổ nhóm gồm 20 người đảm nhiệm việc phóng tuyến, giám sát máy xúc và chia ruộng cho các hộ dân. Bên cạnh đó, Chi hội còn vận động hội viên tích cực tham gia đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng với tổng số 600 ngày công và 3.000 m3 đất. Với sự vào cuộc tích cực của Ban chi ủy và các đoàn thể, thôn Thượng Phúc đã hoàn thành đào đắp giao thông thủy lợi nội đồng và dồn điền đổi thửa trước thời hạn quy định, được cấp ủy, chính quyền xã ghi nhận và có cơ chế khen thưởng kịp thời.
Để hỗ trợ hội viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển kinh tế, thời gian qua, Chi hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho hơn 20 hội viên được vay vốn từ quỹ hội với tổng số tiền 12 triệu đồng và 2 tấn thóc. Bên cạnh đó, Chi hội còn vận động hội viên ủng hộ 2 triệu đồng nâng cấp nhà cho 2 hội viên có hoàn cảnh khó khăn. Công tác tình nghĩa, tương thân, tương ái, thăm hỏi ốm đau cũng được Chi hội duy trì thường xuyên, từ đó tạo mối gắn kết giữa Chi hội với hội viên và giữa hội viên với hội viên. Những ngày này, nông dân thôn Thượng Phúc đang dồn sức bảo vệ lúa mùa cuối vụ và tập trung gieo trồng 30 mẫu ngô giống cho Trung tâm nghiên cứu và sản xuất giống ngô Sông Bôi (Lạc Thủy, Hòa Bình).