Khát vọng làm giàu

 8547 lượt xem
Dám nghĩ, dám làm và kiên định bám đất quê hương lập thân, lập nghiệp,đó là tính cách mà chúng tôi bắt gặp ở những thanh niên trên đất Quảng Trị vào những ngày đầu thu rực nắng. Với bản lĩnh thanh niên thời hội nhập, họ đã mạnh dạn phát triển nhiều mô hình kinh tế với ước mơ không chỉ làm giàu cho mình mà còn để góp sức xây dựng quê hương, đất nước. 

Làm giàu trên đất quê hương 

  
Đó là quyết tâm của Nguyễn Văn Nam (1977) ở thôn Tiên An, xã Vĩnh Sơn (Vĩnh Linh). Xuất thân trong gia đình làm nông, hoàn cảnh gia đình khó khăn nên Nam phải nghỉ học giữa chừng, tuy nhiên ý chí làm giàu luôn thôi thúc anh vượt lên số phận. Cận kề ngôi nhà xây 2 tầng khang trang, bề thế mà Nam vừa xây dựng cách đây không lâu là một gia sản “liên hoàn” gồm quán cà phê, cửa hàng bán thức ăn chăn nuôi thuỷ sản, xưởng cưa, một ôtô vận tải, một khu chợ rộng 2.500m2 do anh đầu tư xây dựng để phục vụ nhu cầu buôn bán, mua sắm của người dân trên địa bàn toàn xã. 
 
Ngoài ra, Nam còn sở hữu 2 ha ao tôm đang vào độ thu hoạch. Tổng doanh thu mỗi năm trên 1 tỷ đồng, trừ chi phí còn lãi ròng 400 triệu đồng/năm. Sau cuộc điện thoại khá bất ngờ, chúng tôi được anh Bí thư Chi đoàn xã Vĩnh Sơn dẫn đến gia đình Nam đúng lúc anh vừa trở về nhà sau khi thu hoạch xong lứa tôm đầu tiên của năm 2012. 
 
Không dấu nổi niềm vui, Nam cho biết: “Vụ tôm này tôi thả 2 lứa, lứa đầu tiên hôm nay vừa thu hoạch xong, sau khi trừ chi phí lãi được 200 triệu đồng. Còn một ao thả sau vài ngày cũng có thể thu hoạch được rồi nhưng hiện tại giá tôm đang lên nên tôi chờ thêm vài ngày nữa mới xả hồ. Năm nay, không riêng gì gia đình tôi mà hầu hết người nuôi tôm ở Vĩnh Sơn đều có lợi nhuận”. 
 
Để có được cơ ngơi như hôm nay, trước đây Nam phải vất vả chắt chiu, dành dụm, đầu tư theo kiểu lấy ngắn nuôi dài. Nhớ lại ngày đầu khởi nghiệp đầy gian khó của mình, Nam cho biết: “Gia đình bao đời làm nông, ăn còn không đủ lấy đâu ra vốn liếng để đầu tư. Để thay đổi cuộc sống, tôi quyết định đi học lái xe và vay vốn ngân hàng để đầu tư mua chiếc xe tải chuyên chở hàng hoá, nguyên vật liệu xây dựng. Nhờ mối quan hệ bạn bè hàng xóm, nên từ ngày mua xe, hầu như ngày nào tôi cũng có hàng để chở, nhờ đó mới có tiền trả nợ ngân hàng và tích luỹ dần để mở thêm xưởng cưa vừa tạo thêm nguồn thu vừa giải quyết việc làm cho 3 lao động của địa phương”. 
 
Từ ngày có xe và xưởng cưa, công việc nhiều nên việc đồng áng đều do một mình vợ anh đảm đương.thương vợ đang có con nhỏ lại quanh năm chân lấm tay bùn, Nam lại quyết định vay tiền xây dựng quán cà phê gần nhà để vợ kinh doanh. Vốn là người nhanh nhạy, có chí làm ăn nên không dừng lại ở đó, năm 2009, nhận thấy diện tích nuôi tôm ở Vĩnh Sơn ngày càng mở rộng, Nam bàn với vợ xây dựng cửa hàng làm đại lý cung cấp thức ăn chăn nuôi tôm và không lâu sau gia đình anh cũng chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng lúa, hoa màu trước đây sang nuôi tôm sú. Trong quá trình đào ao nuôi tôm, Nam đã mạnh dạn vận chuyển toàn bộ khối lượng đất múc được ở hồ tôm về để nâng cao toàn bộ nền đất trống gần nhà quanh năm bị ngập lụt do ở ngay bên mép sông Bến Hải. 
 
Tuy nhiên, điều đặc biệt là sau khi tôn nền đất lên cao, Nam đã đầu tư xây dựng 50 lô quầy có mái che và phân chia khu vực hàng hoá để làm điểm họp chợ cho cư dân toàn xã. Với nguồn vốn bỏ ra khoảng 350 triệu đồng xây dựng chợ nhưng hơn nửa năm nay, kể từ ngày chợ hoạt động Nam chưa hề thu một khoản phí nào của người dân khi đến kinh doanh buôn bán ở đây. Với một xã bị tách biệt nhiều vì sông nước bao quanh như Vĩnh Sơn, việc làm của Nam trở nên hết sức ý nghĩa, được chính quyền và người dân đồng tình ủng hộ vì trước đây người dân muốn đi chợ phải qua đò vượt sông Bến Hải để đến chợ Kên hoặc chợ Hồ Xá cách xã từ 5- 7 km. 
 
Hàng ngày chứng kiến phiên chợ do mình mở ra ngày càng đông vui, tấp nập kẻ bán người mua, hàng hoá ngày một phong phú... Nam đang ấp ủ dự định sẽ nâng cao nền để tránh lũ, mở rộng các lô quầy, có bãi trông giữ xe, điểm xử lý rác thải… Không chỉ là một thanh niên làm kinh tế giỏi mà với tấm lòng đối với quê hương, Nam đã góp phần không nhỏ vào công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương Vĩnh Sơn ngày một giàu đẹp. 
 
Cô kỹ sư trẻ mê trang trại 
  
Có dịp về xã Cam Thành (Cam Lộ), chúng tôi được giới thiệu về tham quan mô hình trang trại của một nữ đoàn viên trẻ, tốt nghiệp Đại học Nông Lâm Huế. Vóc dáng nhỏ bé, xinh xắn của Lê Vân, năm nay vừa tròn 24 tuổi khiến chúng tôi khá bất ngờ khi “mục sở thị” trang trại chăn nuôi đang ở giai đoạn khởi nghiệp nhưng để lại nhiều ấn tượng. 
 
Nhận tấm bằng kỹ sư Nông học của Đại học Nông Lâm Huế vào năm 2010 khi bạn bè cùng trang lứa khăn gói lên thành phố tìm việc, Lê Vân lại quyết định về quê làm một công việc khá trái ngược với tuổi đời và sức vóc của mình, đó là lên kế hoạch lập trang trại chăn nuôi. Với kiến thức về ngành nông nghiệp được học ở nhà trường, Vân lên mạng tìm kiếm, chọn lọc thêm thông tin và lập dự án vay ngân hàng đầu tư mở trang trại nuôi heo rừng, gà sao và chim trĩ. 
 
Sau khi tìm hiểu các nguồn cung cấp giống và thị trường tiêu thụ, Lê Vân được bố mẹ đồng tình với nguyện vọng không đi xin việc ở công sở mà ở nhà làm “nông dân” của cô gái rượu. Với kiến thức được học ở nhà trường cùng với niềm đam mê chăn nuôi, Vân đã nhanh chóng làm quen với công việc của một nông dân. 2 năm kể từ ngày thành lập trang trại, dường như Vân bận bịu suốt ngày với các con vật, lúc thì cho ăn, lúc thì vệ sinh dọn dẹp chuồng trại, phòng ngừa dịch bệnh, chăm đàn gà con mới nở... 
 
Hiện tại, trang trại của Vân đã cung cấp giống lợn rừng và gà lôi cho người dân quanh vùng. Ngoài ra, Vân cũng hỗ trợ, tư vấn về kiến thức, kỹ thuật chăn nuôi cho nhiều người dân khi đến tham quan học tập mô hình của cô. Theo Vân, việc học đại học là để có kiến thức áp dụng vào thực tế, học đại học không chỉ để làm ở công sở mà nông dân cũng có thể học đại học. Điều quan trọng là phải có niềm đam mê với công việc mình đang làm thì mới khai thác hết năng suất và hiệu quả làm việc của bản thân. 
 
Qua tìm hiểu thị trường, Lê Vân chọn cách chăn nuôi các loài vật lạ, hoang dã vừa đảm bảo đầu ra, thu nhập cao nhưng cách chăn nuôi lại đơn giản vì sức đề kháng của chúng tốt, nguồn thức ăn lại dễ kiếm, chủ yếu là các loại nông sản có trên địa bàn. Tuy nhiên, ban đầu vì chưa đủ vốn, giống chăn nuôi cao nên ngoài đàn lợn rừng và gà lôi đáp ứng được quy mô chuồng trại, Vân mới chỉ mua được 3 con (2 mái, 1 trống) chim trĩ làm giống. 
 
Theo tính toán của cô, không bao lâu nữa chim trĩ mẹ sẽ bắt đầu đẻ, với năng suất trung bình 70- 80 trứng/năm, chỉ một thời gian ngắn trang trại của cô sẽ đủ giống để nuôi và cung ứng ra thị trường. Tuy nhiên, để nuôi loại vật này, cần có giấy phép do Chi cục kiểm lâm cấp, vì thế Lê Vân đang xúc tiến hoàn thành thủ tục để xin cấp phép chăn nuôi. Tin rằng với kiến thức và lòng đam mê của mình, Lê Vân sẽ đạt được nhiều thành công trên con đường mình lựa chọn. 
 
Bám biển lập nghiệp 
 
Đầu năm 2011, Lê Thành Lâm (1982) thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt (Gio Linh) được vinh dự nhận giải thưởng Lương Đình Của, giải thưởng dành cho nhà nông trẻ tiêu biểu trong phong trào thanh niên nông thôn sản xuất giỏi. Cơ sở hấp cá rộng khoảng 5.000 m2 do Lâm làm chủ được đánh giá là một trong những cơ sở hấp sấy cá quy mô lớn nhất nhì trên địa bàn với sức hấp từ 3-3,5 tấn cá tươi /ngày và có 30 lao động thường xuyên, bình quân mỗi người được trả từ 100-150 ngàn đồng/ngày. Trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, Lâm lãi được khoảng 200 triệu đồng. Đây là khoản thu nhập mà nhiều thanh niên mơ ước. 
 
Khác với bạn bè bằng mọi cách phải vào được đại học, Lâm học hết THPT quyết định nối nghiệp truyền thống của cha là ra khơi bám biển. Tuy nhiên, nghề biển vất vả,cực nhọc nhưng cuộc sống lại rất bấp bênh nên sau chuyến vào nam học tập kinh nghiệm, Lâm quyết định vay ngân hàng mở lò hấp cá xuất khẩu, đồng thời chuyển đổi mô hình tàu đánh bắt xa bờ của gia đình sang tàu thu mua nguyên liệu. Khác với những chuyến đi biển dài ngày nay Lâm chỉ mất vài tiếng cho tàu ra khơi mua lại cá của ngư dân ngay trên biển và đưa vào lò hấp. 
 
Lâm cho biết: “Việc chuyển đổi mô hình từ tàu đánh bắt sang tàu thu mua vừa chủ động được nguyên liệu cho lò hấp, giá thành rẻ hơn, cá tươi ngon hơn nhưng đồng thời vẫn thoả mãn tình yêu biển, cảm giác gắn bó với biển của 2 cha con tôi. Quyết tâm ở lại, nhưng tôi cũng ý thức được rằng, nghề biển khó mà giàu được vì vậy sau khi tìm ra mô hình mở cơ sở hấp cá, một dịch vụ hậu cần phục vụ ngành biển tôi phải tìm kiếm, học hỏi nhiều nơi để đảm bảo cơ sở hoạt động bền vững, đầu ra đảm bảo.”. 
 
Hiện tại, sản phẩm cá hấp của Lâm ngoài thị trường nội địa, còn có mặt ở nhiều nước trong khu vực. Không dừng lại ở đây, Lâm đang ôm ấp dự định mở rộng quy mô sản xuất và chủ động tiếp cận thị trường, mở rộng các mối quan hệ làm ăn cũng như phương thức kinh doanh để phát triển kinh tế và tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người dân trong vùng. Ngoài làm nghề biển, Lâm còn là một cán bộ đoàn tích cực của thôn Xuân Tiến, xã Gio Việt, là Uỷ viên Hội LHTN huyện Gio Linh. 
 
 
Ý kiến của bạn