Xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực thúc đẩy nền kinh tế phát triển, thời gian qua huyện Đoan Hùng đã triển khai sâu rộng phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dựng đời sống văn hóa” đến từng khu dân cư, hộ gia đình.
Múa xúc tép của người Cao Lan.
Qua 5 năm thực hiện phong trào, đến nay, toàn huyện đã có 100% khu dân cư, cơ quan trường học đăng ký xây dựng đơn vị văn hóa, trong đó có 219/275 khu dân cư đạt danh hiệu khu dân cư văn hóa, chiếm tỷ lệ 79,6% tổng số khu dân cư trên địa bàn, 4 xã đạt danh hiệu xã văn hóa cấp tỉnh là Minh Tiến, Vân Du, Tây Cốc, Ngọc Quan; 17 xã có khu dân cư được công nhận khu dân cư văn hóa và 34 cơ quan đạt danh hiệu cơ quan văn hóa cấp tỉnh, 5 cơ quan được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp bằng công nhận “Cơ quan doanh nghiệp có đời sống văn hóa tốt”. Nhận thức được xây dựng gia đình văn hóa có vị trí hết sức quan trọng trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” giai đoạn hiện nay, huyện Đoan Hùng đã tích cực chỉ đạo các địa phương tăng cường công tác tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện phong trào xây dựng gia đình văn hóa gắn với phong trào xây dựng gia đình hạnh phúc, bình đẳng, hạn chế tình trạng bạo lực gia đình. Việc bình xét tiêu chuẩn gia đình văn hóa được khu dân cư triển khai đảm bảo công khai, dân chủ bám sát với các tiêu chí trong thực hiện hương ước, quy ước của địa phương nên đã có những chuyển biến tích cực, kết quả bình xét tăng lên rõ rệt. Nếu như năm 2007, toàn huyện mới có hơn 18 ngàn hộ đạt tiêu chuẩn gia đình văn hóa (chiếm 71,8%) thì đến năm 2011, toàn huyện có 22.429/27.924 hộ gia đình văn hóa chiếm 80,3% tăng so với năm 2007 là 8,5%.
Để đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội của địa phương là động lực xây dựng thành công công cuộc xây dựng nông thôn mới. Hàng năm, các cấp hội Nông dân, Phụ nữ, Cựu chiến binh, Đoàn Thanh niên trên địa bàn huyện đã tuyên truyền vận động hộ hội viên đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, tổ chức cho hội viên đăng ký xây dựng gia đình văn hóa. Phong trào đoàn kết giúp nhau giống, cây trồng, vốn phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, làm giàu chính đáng đã trở thành phong trào rộng lớn là một trong những nội dung trọng tâm góp phần làm giàu, xây dựng quê hương giàu đẹp.
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” cũng đã tác động rất lớn đến các phong trào khác như giáo dục, y tế, bảo vệ chăm sóc trẻ em, kế hoạch hóa gia đình. Trong những năm qua, nhân dân huyện Đoan Hùng đã đóng góp hàng nghìn ngày công, nguyên vật liệu, tu sửa trường lớp, xây dựng trạm y tế, vận động con em tới trường; quyên góp ủng hộ xây dựng quỹ đền ơn đáp nghĩa hàng trăm triệu đồng để xây dựng nhà tình nghĩa, với nguồn quỹ “Ngày vì người nghèo” do nhân dân đóng góp đã hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo.
Nét nổi bật của phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa trên địa bàn huyện là các địa phương đã chú trọng thực hiện các tiêu chí văn hóa trong nội dung xây dựng nông thôn mới. Theo đó, các xã trên địa bàn huyện đã vận động bà con nhân dân chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, giữ gìn làng xóm xanh, sạch, đẹp; xây dựng gia đình văn hóa, làng văn hóa; sửa chữa nâng cấp các thiết chế văn hóa, thể thao phục vụ đời sống tinh thần, vật chất của nhân dân như xây dựng nhà văn hóa khu dân cư, xây dựng đường bê tông liên thôn liên xóm; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Từ khi thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và đặc biệt là phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được triển khai sâu rộng trên toàn huyện, nhận thức của người dân trong huyện đã từng bước biến chuyển khá sâu sắc, bà con đã dần dần loại bỏ các tập tục lạc hậu, biết tiếp thu, vận dụng những tiến bộ khoa học vào sản xuất, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với điều kiện tự nhiên, biết chăn nuôi, kết hợp với phát triển kinh tế theo mô hình VAC, từ đó tăng mức thu nhập góp phần nâng cao đời sống vật chất của nhân dân. Cơ sở hạ tầng nông thôn được cải tạo, đường làng bê tông hóa khang trang thoáng mát, cảnh quan môi trường sạch đẹp. Công tác giáo dục được quan tâm, 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đi học. Đặc biệt qua phong trào này, đã xuất hiện nhiều tấm gương sáng như cụ Nguyễn Thị Hội xã Minh Tiến ủng hộc cho quỹ khuyến học, trường tiểu học của xã trên 140 triệu đồng; cụ Thanh Hà xã Quế Lâm ủng hộ trên 100 triệu đồng xây dựng một lớp học mẫu giáo và nhà bia ghi danh các liệt sĩ của xã, em Nguyễn Văn Tiến ở xã Đại Nghĩa đã dũng cảm cứu bạn bị điện giật…
Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” đã thổi luồng sinh khí làm thay đổi diện mạo làng quê, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, thúc đẩy kinh tế phát triển, giữ vững an ninh trật tự, ổn định chính trị, trên địa bàn huyện. Phong trào đã được các tầng lớp nhân dân hưởng ứng mạnh mẽ từ đó có tác động tích cực, sâu sắc và toàn diện đối với đời sống chính trị, kinh tế - xã hội của địa phương, tạo khí thế thi đua trên các lĩnh vực, thúc đẩy phát triển KT-XH.