Tháng 5-2012, khi ban tổ chức cuộc thi viết thư quốc tế UPU lần thứ 41 công bố giải thưởng, thầy, trò Trường THCS Hồng Bàng rất phấn khởi bởi em Dương Mỹ Anh, học sinh lớp 9A4 của trường đoạt giải nhì.
Mỹ Anh gây thiện cảm với mọi người bởi gương mặt hồn nhiên, trong sáng. Là người thích học văn, nên khi nhà trường phát động hưởng ứng cuộc thi viết thư quốc tế UPU, Mỹ Anh rất hào hứng. Nhưng khi mới đọc đề bài “Hãy viết thư cho một vận động viên hoặc một nhân vật thể thao mà em ngưỡng mộ để nói Thế vận hội (Ô-lym-píc Games) có ý nghĩa gì đối với mình”, Mỹ Anh cảm thấy chủ đề này hơi khô khan, có vẻ không hợp với mình. Em vào mạng Internet đọc các tài liệu về Thế vận hội, về những tấm gương vận động viên qua các kỳ Thế vận hội, và nhận ra đây là đề tài hay, có ý nghĩa chuyển tải thông điệp đến với mọi người. Nhân vật mà em chọn để gửi gắm tình cảm là Louise Sauvage, nữ vận động viên khuyết tật người Ôxtrâylia, dù bị mất cả hai chân nhưng cô vẫn giành nhiều huy chương và các danh hiệu cao quý tại Thế vận hội Atlanta năm 1996 và Sydney Games năm 2000.
Trong lá thư của mình, Mỹ Anh nói rằng, cứ nghĩ đến Louise Sauvage, em lại thấy xấu hổ vì mình là người lành lặn, vậy mà luôn nhút nhát, yếu đuối, có khi chỉ gặp chút khó khăn đã rơi vào tuyệt vọng, vội vàng từ bỏ mọi khát khao... Càng tìm hiểu về Louise Sauvage, em lại càng kính trọng vận động viên khuyết tật này. Chính nghị lực và những thành tích Louise Sauvage đã giúp em thay đổi suy nghĩ, có thêm nghị lực vượt qua những khó khăn trong học tập.
Là học sinh giỏi văn, bài viết của Mỹ Anh rất giàu cảm xúc, nhất là khi em khéo léo lồng sự ngưỡng mộ ý chí, nghị lực của Louise Sauvage với mục đích, ý nghĩa nhân văn cao cả của Ôlympíc. “Còn ai có thể kết hợp một cách hài hòa giữa các tố chất của cơ thể, ý chí, tinh thần và thể lực đúng như triết lý của Ô-lym-píc như cô? Còn ai có thể gửi thông điệp của Ô-lym-píc một cách đầy ý nghĩa như cô? Cô đã cho cả thế giới hiểu được: "Điều quan trọng nhất trong các kỳ Thế vận hội không phải là việc giành chiến thắng mà là sự tham dự. Do đó, điều quan trọng nhất trong cuộc sống không phải là sự thắng lợi mà là sự cố gắng nỗ lực. Điều cơ bản nhất không phải giành được chiến thắng mà là chiến đấu hết mình." Và còn ai mang hy vọng về một thế giới hòa bình, hữu nghị, không phân biệt đối xử giữa người và người một cách cao đẹp như cô?...”. Tiếp tục khơi nguồn cảm xúc, Mỹ Anh xúc động “...Cháu sung sướng đến trào nước mắt khi nhận ra cô là hiện thân của Ô-lym-píc - một Thế vận hội giàu chất nhân văn, hữu nghị, nơi những ước mơ của con người tỏa sáng, nơi vẻ đẹp của con người được tôn vinh. Có cô tham gia Thế vận hội, Ô-lym-píc dường như có ý nghĩa hơn. Có cô tham gia Thế vận hội, nhân loại sẽ được chiêm ngưỡng sức mạnh của con người, nhất là sức mạnh của ý chí và niềm tin...”.
Mỹ Anh đã chọn cách viết thư truyền thống để gửi lá thư này tới Louise Sauvage. Thông điệp của cuộc thi viết thư quốc tế UPU như Mỹ Anh viết trong thư chính là “Hãy trao cho nhau những lời từ trái tim. Hãy gửi những cánh thư yêu thương đi khắp năm châu. Và bưu chính là sứ giả đem những lời từ trái tim đến người mình yêu thương. Thể thao không biên giới, Ô-lym-píc không biên giới và sứ mệnh của bưu chính cũng như vậy”.