Phú Thọ là một trong 5 tỉnh thuộc chỉ đạo điểm của Trung ương về xây dựng nông thôn mới và là tỉnh sớm phê duyệt kế hoạch, quy hoạch xây dựng nông thôn mới.
Từ mô hình trồng thanh long lõi đỏ cho thu nhập cao của gia đình ông Nguyễn Văn Đáp ở khu 10 xã Tiên Du (Phù Ninh), nhiều hộ trong huyện đã mua giống cây và học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc để tăng thu nhập cho gia đình góp phần xây dựng nông thôn mới.
Thực hiện theo chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Tỉnh ủy đã ban hành Nghị quyết số 28-NQ/TU ngày 20/11/2009 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về xây dựng nông thôn mới tỉnh Phú Thọ đến năm 2020; UBND tỉnh đã cụ thể hóa Nghị quyết bằng nhiều văn bản: ban hành Bộ tiêu chí Nông thôn mới tỉnh Phú Thọ; phê duyệt và công bố công khai quy hoạch; ban hành kế hoạch thực hiện chương trình, thành lập và chỉ đạo thành lập các tổ quản lý, điều hành, thực hiện chương trình ở các cấp; phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ngành, huyện, thành, thị... Với phương châm “dân là chủ, dân làm chủ”, dựa vào sức dân, phát huy “tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào”, tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền bằng nhiều hình thức, nội dung phong phú, chất lượng để từng gia đình, từng người dân hiểu rõ ý nghĩa, mục tiêu, nội dung, quyền lợi, trách nhiệm, nghĩa vụ của người nông dân trong xây dựng nông thôn mới; đồng thời khơi dậy ý thức tự lực, tự cường, phát huy vai trò chủ thể của người nông dân.
Trong gần 3 năm qua, diện mạo nông thôn của tỉnh có những chuyển biến tích cực. Đại bộ phận nhân dân đã xác định được vai trò chủ thể của mình trong xây dựng nông thôn mới, đồng thời việc tuân thủ các nội dung thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn theo Pháp lệnh 34/PL-UBTVQH do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành ngày 30/4/2007 đã tạo sự đồng thuận, đoàn kết, quyết tâm trong cộng đồng dân cư. Nhiều việc tưởng chừng rất khó nhưng nhờ phát huy nội lực trong nhân dân nên đã dễ dàng tháo gỡ và thực hiện. Đơn cử như vấn đề làm đường giao thông nông thôn, chi phí làm đường không nhỏ nhưng không thể lúc nào cũng trông chờ vào ngân sách Nhà nước và tất nhiên huy động vốn từ dân cũng không hề đơn giản. Từ khi thực hiện xây dựng nông thôn mới, hiểu rõ trách nhiệm của mình, nhân dân sẵn sàng góp sức, góp tiền, hiến đất vì lợi ích chung của cộng đồng. Điển hình như ở xã Thượng Nông (huyện Tam Nông) trong 6 tháng đầu năm 2012, người dân trong xã đã đóng góp 1,55 tỷđồng (bằng tiền 1,1 tỷ đồng; công lao động quy tiền 100 triệu đồng; hiến 2.800m2 đất tương đương 350 triệu đồng); trong 9 tháng đầu năm 2012 tại xã Chí Đám, huyện Đoan Hùng đã có 70 hộ tự nguyện giải phóng mặt bằng, hiến đất và tài sản trên đất để làm công trình giao thông, bao gồm 3.817m2 đất lúa, 2.053m2 đất vườn, 136m tường rào, trị giá 199.358.000 đồng; xã Đông Thành, huyện Thanh Ba có 278 hộ hiến đất, tài sản (tổng kinh phí khoảng gần 30 tỷ đồng)... Đến nay, trên địa bàn tỉnh chưa có xã nào đạt 17-19 tiêu chí so với bộ tiêu chí nông thôn mới, tuy nhiên ở 15 xã đã đạt 13-16 tiêu chí đều khẳng định kinh nghiệm việc xây dựng khá thành công chương trình nông thôn mới là do đảm bảo nguyên tắc dân chủ, đã tận dụng được nội lực lớn mạnh trong nhân dân. Người dân đều có ý thức chủ động chỉnh trang lại nhà ở, cổng, sân vườn, ngõ xóm, ngõ nhà; khơi thông cống, rãnh, vệ sinh môi trường nơi ở... Những tuyến đường tự quản của các khu dân cư, tổ chức đoàn thể đã phát huy ý thức tự giác của người dân. Vấn đề vệ sinh môi trường cũng được quan tâm làm cho những con đường liên thôn, liên xóm sạch đẹp, thoáng đãng. Những điểm sáng trong xây dựng nông thôn mới này thực sự là gương tốt để các xã khác noi theo và học tập.
Với chủ trương “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, để thực hiện có hiệu quả các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, giúp người dân từng bước áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng năng suất, trong năm 2011, Nhà nước đã hỗ trợ 18,315 tỷ đồng, người dân đã đóng góp đối ứng với Nhà nước khoảng 20,5 tỷ đồng bước đầu mang lại hiệu quả tăng thu nhập cho người dân, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo trên toàn tỉnh. Bằng nguồn vốn của chương trình xây dựng nông thôn mới, đã xây dựng 81 công trình cơ sở hạ tầng thiết yếu ở 55 xã; đồng thời lồng ghép nguồn vốn từ các chương trình, dự án, các tổ chức, cá nhân và người dân đã duy tu 3.402km đường giao thông nông thôn, làm mới 45km, nâng cấp 559km, 16 cầu, 5 tràn với; tổng kinh phí 1.285 tỷ đồng; thực hiện 49 dự án đầu tư công trình thủy lợi giá trị khối lượng hoàn thành 2.473,6 tỷ đồng... Trong huy động nguồn lực đầu tư xây dựng dựng kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội khu vực nông thôn, bên cạnh nguồn vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ trực tiếp cho chương trình xây dựng nông thôn mới là 122,116 tỷ đồng, nguồn vốn lồng ghép từ chương trình, dự án khác là 5.217,884 tỷ đồng thì nguồn vốn huy động từ tổ chức, cá nhân, người dân khoảng gần 160 tỷ đồng – một con số tuy không lớn nhưng lại mang một ý nghĩa vô cùng lớn, ghi nhận việc người dân đang thực sự làm chủ quá trình “đổi mới” trên quê hương bằng chính nội lực của mình.
Qua thời gian thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh, bên cạnh những kết quả đạt được còn có một số tồn tại, hạn chế như: Do có tư tưởng chờ đợi, ỷ lại vào Nhà nước nên một bộ phận nhân dân chưa chủ động tham gia chương trình, có lúc, có nơi địa phương chưa huy động được nguồn lực trong dân, chưa giao cộng đồng dân cư thực hiện các công trình đơn giản... Để chương trình xây dựng nông thôn mới trở thành một phong trào sâu rộng trong toàn dân rất cần sự lãnh đạo của Đảng, sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, điều hành của chính quyền, phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể; nhưng vai trò quyết định lâu dài, bền vững vẫn phải thuộc về chính bản thân người nông dân.