Những năm gần đây phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, giúp nhau xoá đói giảm nghèo trên địa bàn huyện Bạch Thông phát triển khá mạnh mẽ, tạo ra khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp ở các hội cơ sở.
Hội Nông dân huyện đã chủ động triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất như: Đẩy mạnh hoạt động tư vấn, tập huấn kỹ thuật trồng trọt, chăn nuôi, chế biến bảo quản nông sản và phòng trừ sâu bệnh... Tính từ đầu năm đến nay, Hội đã tổ chức được 68 buổi tuyên truyền, thu hút hơn 2.000 lượt hội viên tham gia. Hội phối hợp với cửa hàng Vật tư nông nghiệp huyện cung ứng 251.315kg phân bón các loại, 309kg giống lúa, 403kg giống ngô cho 1.992 hội viên vay phát triển sản xuất. Đồng thời phối hợp với Ngân hàng CSXH huyện tổ chức giải ngân được hơn 2 tỷ đồng cho 199 hộ hội viên nông dân vay. Đến nay Hội Nông dân huyện quản lý 78 tổ tiết kiệm, tổng dư nợ đạt hơn 51 tỷ đồng, với 3.242 lượt hộ hội viên vay vốn. Cùng với đó, các cấp hội còn vận động xây dựng Quỹ hỗ trợ nông dân nhằm mục đích hỗ trợ vốn, giúp đỡ nông dân có điều kiện xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế. Đến nay tổng số quỹ của Hội Nông dân huyện là 182 triệu, từ nguồn này đã giúp cho hội viên vay để mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Nhờ được tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, nhiều hội viên nông dân đã mạnh dạn đầu tư, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản trên một đơn vị diện tích. Những năm gần đây trên địa bàn huyện xuất hiện nhiều mô hình sản xuất mang lại giá trị kinh tế cao như: Mô hình trồng cây ăn quả ở xã Quang Thuận, Dương Phong, Đôn Phong; mô hình chăn nuôi lợn, phát triển dịch vụ ở xã Quân Bình, Phương Linh, Cẩm Giàng với thu nhập từ 80 đến 100 triệu đồng/năm. Ngoài ra còn có các mô hình nuôi nhím, trồng nấm, nông lâm kết hợp...
Nhiều hội viên nông dân không những xoá được nghèo mà còn vươn lên làm giàu điển hình như hội viên Cao Xuân Lãng, Chu Quang Đàm... xã Quang Thuận với mô hình trồng cây ăn quả cam, quýt thu nhập bình quân 150 triệu đồng/năm; hộ hội viên Vương Văn Thắng, Hà Văn Mạn xã Quân Bình với mô hình trồng trọt, chăn nuôi và dịch vụ cho thu nhập bình quân 100 triệu đồng/năm; hội viên Hoàng Văn Danh xã Phương Linh với mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi cho thu nhập trên 80 triệu đồng/năm...
Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi đã tạo ra một khí thế thi đua sôi nổi, rộng khắp ở các cấp hội cơ sở, kịp thời động viên, khơi dậy tinh thần lao động, sáng tạo ở mỗi hội viên nông dân, giúp hội viên mạnh dạn đổi mới cách nghĩ, cách làm, khai thác thế mạnh về vốn, lao động, đất đai để phát triển sản xuất. Nhờ vậy đời sống của đông đảo hội viên nông dân ngày càng được nâng cao, góp phần xoá đói giảm nghèo, thúc đẩy nông nghiệp phát triển.
Với tinh thần “lá lành đùm lá rách” các cấp hội nông dân trong huyện đã chỉ đạo, vận động hộ hội viên sản xuất, kinh doanh giỏi trực tiếp tham gia giúp đỡ hộ nông dân nghèo về vốn, giống và kinh nghiệm sản xuất. Năm 2011 hội viên nông dân các cấp đã tham gia quyên góp, giúp đỡ hội viên nghèo, khó khăn với tổng số tiền hơn 14 triệu đồng, hơn 1.000 kg gạo và 1.856 ngày công lao động. Tại xã Phương Linh có 2 hội viên khá giả đã giúp đỡ 8 hộ hội viên nghèo vay vốn để phát triển kinh tế với số tiền hơn 11 triệu đồng. Hội Nông dân xã Quang Thuận đã vận động hội viên đóng góp xây dựng được 5 vườn cây ăn quả tặng cho 5 hộ hội viên nghèo...
Qua phong trào này, huyện Bạch Thông có 18 hộ đạt tiêu chí nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp Trung ương, 140 hộ đạt cấp tỉnh, 284 hộ đạt cấp huyện; 01 hội viên nông dân được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ. Đến nay số hộ hội viên nghèo của toàn huyện chỉ còn 9,16%. Có thể nói phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi đã khích lệ và thu hút đông đảo hội viên tham gia, đổi mới tư duy vươn lên làm giàu chính đáng góp phần làm thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn huyện./.