Phụ nữ Yên Bái tích cực góp sức xây dựng quê hương, đất nước

 7827 lượt xem
Kỷ niệm 82 năm Ngày thành lập Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam, hai năm Ngày Phụ nữ Việt Nam, phụ nữ các dân tộc tỉnh Yên Bái luôn tự hào về những kết quả mà các tầng lớp cán bộ, hội viên phụ nữ đã đạt được để xây dựng nên một tổ chức Hội ngày càng vững mạnh, phát triển. 

Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo của Đảng, phong trào phụ nữ cả nước nói chung và phong trào phụ nữ Yên Bái nói riêng đã không ngừng phát triển, đóng góp to lớn vào những thắng lợi, những thành tựu của cách mạng. 

Ngày nay, các tầng lớp phụ nữ tiếp tục phát huy truyền thống “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”, đạt được nhiều thành tích xuất sắc trên các lĩnh vực, làm đẹp thêm phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” trong thời kỳ đổi mới. Hưởng ứng phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã có 100% hội viên đăng ký tham gia.
 
Từ năm 2006 - 2011, tổ chức hội các cấp phối hợp với ngành giáo dục và đào tạo mở 117 lớp xóa mù chữ và tái mù chữ cho 3.729 phụ nữ; duy trì 16 nhóm tự học sau xóa mù chữ; xây dựng 1.576 hòm sách, hộp sách, 116 tủ sách báo, cấp miễn phí Báo Phụ nữ Việt Nam cho 1.700 chi hội, tổ phụ nữ vùng đặc biệt khó khăn, tạo điều kiện để phụ nữ cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức và chống tái mù chữ. 
 
Đến nay, có 100% ủy viên ban chấp hành phụ nữ cơ sở đều học qua tiểu học. Song song, các cấp hội đã phối hợp mở trên 1.200 lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật cho hội viên và tích cực áp dụng vào sản xuất. Các cấp hội đã vận động hội viên phụ nữ thành lập các mô hình phát triển kinh tế cho thu nhập cao như mô hình trồng lúa cho năng suất và chất lượng cao, trồng sắn cao sản; nuôi lợn hướng nạc, nuôi gà thả vườn, nuôi bò bán công nghiệp, nuôi ba ba; trồng nấm, trồng măng tre Bát Độ; mô hình trang trại VACR... và đến nay, có trên 3.000 mô hình phụ nữ làm kinh tế giỏi. 
 
Đặc biệt, mô hình áp dụng phân viên nén dúi sâu trong thâm canh lúa với mô hình bền vững về truyền thông đại chúng và hệ thống cung cấp phân viên qua các doanh nghiệp nhỏ (FDP) bắt đầu từ 3 xã điểm với 60 hộ thực hiện, đến nay đã nhân rộng ra 163 xã, trên 60.000 hộ gia đình áp dụng. 
 
Mô hình này đã tạo điều kiện giải phóng sức lao động cho chị em và nâng cao thu nhập, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo và đảm bảo an ninh lương thực. Phong trào giúp nhau xóa đói giảm nghèo có địa chỉ đã đi vào chiều sâu, đem lại hiệu quả thiết thực với các hình thức như nuôi heo đất tiết kiệm, ống tiền tiết kiệm, hũ gạo tiết kiệm... 
 
Đến nay, Hội đã có 48.584 ngàn lượt phụ nữ nghèo, cận nghèo được giúp đỡ và có trên 3.000 phụ nữ thoát nghèo. Tạo điều kiện cho hội viên phát triển sản xuất, Hội đã tăng cường phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội cho hội viên vay vốn. Đến nay, các cấp hội đã ủy thác cho vay 593 tỷ đồng thông qua 1.156 tổ vay vốn, giải quyết cho 38.046 hộ vay. 
 
Cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo đã thu hút sự quan tâm của các tập thể, cá nhân, các nhà hảo tâm và hội viên phụ nữ. Trên 4,7 tỷ đồng được huy động đã sửa chữa, làm mới 244 nhà cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. 
 
Nhân dịp khai giảng năm học mới 2012 - 2013, Hội LHPN tỉnh đã tặng 8.000 quyển vở cho học sinh các trường tiểu học khó khăn; tặng 47 suất học bổng cho các em có hoàn cảnh khó khăn học khá, giỏi; thăm hỏi các gia đình hội viên lúc khó khăn, gặp hoạn nạn và các gia đình chính sách nhân dịp lễ, tết. Hàng năm, các cấp hội vận động, tặng quà, động viên tân binh lên đường nhập ngũ và gia đình thương binh, liệt sỹ nhân dịp 27-7 trị giá trăm triệu đồng. 
 
Thực hiện Quyết định số 295/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc” giai đoạn 2010 - 2015, tất cả các huyện, thị, thành phố đã có chương trình ký phối hợp với Trung tâm Giới thiệu việc làm phụ nữ Yên Bái về đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm cho lao động. Năm năm qua đã tư vấn cho 11.236 lao động, đào tạo nghề cho 3.250 lượt lao động, trong đó 70% số lao động sau đào tạo có việc làm và tự tạo việc làm. 
 
Hoạt động của 11 câu lạc bộ doanh nhân nữ tiếp tục được mở rộng với tổng số 153 doanh nghiệp, hộ kinh doanh... đã không ngừng đổi mới, tìm kiếm thị trường, kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động và đóng góp cho ngân sách Nhà nước hàng trăm tỷ đồng. 
 
Các hội viên phụ nữ cũng luôn ý thức hoàn thiện bản thân, rèn luyện các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” và xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Việc hoàn thiện các phẩm chất “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” đã được cụ thể hóa trong Đề án “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. 
 
Hội phụ nữ các cấp đã tổ chức 10 buổi tọa đàm về “Phẩm chất người phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, có hơn 200 bài dự thi “Những tấm gương phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”... 
 
Hội các cấp đã triển khai thực hiện Đề án “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”; vận động hội viên phụ nữ thực hiện tốt các tiêu chí trong chương trình mục tiêu quốc gia “Xây dựng nông thôn mới”; phối hợp với các ngành: công an, tư pháp, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Sở Tài nguyên & Môi trường... mở 1.660 lớp tập huấn kiến thức cho 304.000 lượt hội viên về phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, HIV/AIDS, phòng chống mua bán người; vệ sinh môi trường, chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em đồng thời xây dựng 19 mô hình câu lạc bộ “5 không, 3 sạch”, mô hình câu lạc bộ “Kết nối mẹ con” với 469 thành viên tham gia, nâng tổng số các mô hình câu lạc bộ hiện nay trên địa bàn toàn tỉnh là 570 mô hình. 
 
Tập hợp, thu hút đông đảo hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt hội, trong những năm qua, các cấp hội đã không ngừng đổi mới, đa dạng hoá các phương thức hoạt động, xây dựng nhiều mô hình mới, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, có hiệu quả, chăm lo đời sống, vật chất, tinh thần cho chị em như: nâng cao chất lượng các buổi sinh hoạt hội, sinh hoạt câu lạc bộ; tổ chức giao lưu, đối thoại trực tiếp giữa ủy viên Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh với cán bộ, hội viên phụ nữ cơ sở; tạo việc làm, cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế, chăm lo và giúp đỡ phụ nữ, trẻ em nghèo có hoàn cảnh khó khăn. Đến nay, Hội đã kết nạp 145.283 hội viên, tỷ lệ thu hút đạt 74,5%. 
 
Các cấp hội đã chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách nhằm chăm lo quyền lợi và tạo điều kiện cho chị em phát huy cao nhất khả năng đóng góp của mình cho xã hội; kịp thời phát hiện, chủ động đề xuất với cấp ủy các cấp bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”. 
 
Những năm qua, Hội đã mở trên 500 lớp nghiệp vụ công tác hội; tham mưu và cử cán bộ chủ chốt của hội tham gia học trung cấp, cao cấp, cử nhân chính trị; đào tạo thạc sĩ các chuyên ngành xã hội học, kinh tế, tài chính. Tỷ lệ nữ tham gia cấp uỷ các cấp nhiệm kỳ 2010 - 2015: cấp tỉnh 14,54%; cấp huyện, thị, thành phố đạt 19,65%; cấp xã, phường, thị trấn đạt 19,42%; có 33,33% nữ tham gia đại biểu Quốc hội; nữ đại biểu hội đồng nhân dân cấp tỉnh đạt 37,28%; đại biểu hội đồng nhân dân cấp huyện, thị, thành phố đạt 31,77%; cấp xã, phường, thị trấn, đạt 28,30%; nữ tham gia thường trực ủy ban nhân dân cấp tỉnh, huyện là 07 đồng chí; có 5/9 huyện có chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân là nữ. 
 
Đảng viên nữ trong toàn tỉnh tính đến tháng 12 năm 2011 là 12.734 người trong tổng số 42.473 đảng viên toàn tỉnh; hàng năm, tỷ lệ nữ được kết nạp Đảng đều chiếm hơn 40% tổng số đảng viên mới kết nạp; tỷ lệ nữ tham gia quản lý Nhà nước là trưởng, phó ngành cấp tỉnh chiếm 25,36%. 
 
Các đồng chí lãnh đạo Hội LHPN tỉnh Yên Bái trao đổi kinh nghiệm hoạt động với cán bộ hội phụ nữ cơ sở. 
 
Không ngừng đẩy mạnh và mở rộng hợp tác quốc tế là một trong các nhiệm vụ trọng tâm của Hội. Trong những năm qua, Hội đã tích cực kêu gọi sự đầu tư và hỗ trợ từ Tổ chức Bánh mỳ cho thế giới, Tầm nhìn Thế giới, Codespa… trong các lĩnh vực phát triển kinh tế, giảm nghèo, cải thiện cuộc sống... 
 
Đảng và Nhà nước đánh giá cao những nỗ lực phấn đấu và đóng góp to lớn của tổ chức hội phụ nữ các cấp tỉnh Yên Bái trong xây dựng gia đình và trong công cuộc xây dựng đất nước. Đã có hàng chục ngàn chị đạt danh hiệu “Ba đảm đang”, "Giỏi việc nước, đảm việc nhà", "Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Nhân dịp này, chúng ta bày tỏ sự cảm ơn các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân, Trung ương Hội LHPN Việt Nam cùng các bậc lão thành tiền nhiệm của tỉnh, các thế hệ lãnh đạo của Hội Phụ nữ, các cấp, các ngành đã tạo điều kiện để phong trào phụ nữ tỉnh Yên Bái phát triển!
 
Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước, phong trào phụ nữ và hoạt động của các cấp hội gặp không ít khó khăn, thách thức. Nghị quyết Đại hội Phụ nữ tỉnh lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2011 - 2016 đã xác định các phong trào thi đua và 6 nhiệm vụ trọng tâm của Hội, đặc biệt lựa chọn hai khâu đột phá của nhiệm kỳ là tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ hội; tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khỏe gia đình và cộng đồng. Tổ chức hội phụ nữ các cấp trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau:
 
Một là: Làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng cho các tầng lớp phụ nữ; chú trọng giáo dục lý tưởng cách mạng, truyền thống, phẩm chất đạo đức, lối sống, rèn luyện phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước “Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang” gắn với việc thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
 
Hai là: Tập trung các hoạt động hướng về cơ sở, trọng tâm là nâng cao chất lượng và sức lan toả của các phong trào thi đua: “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế”, “Phụ nữ giỏi việc nước, đảm việc nhà”, đặc biệt là cuộc vận động xây dựng “Mái ấm tình thương” cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn và chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, chương trình xóa đói, giảm nghèo… 
 
Thông qua các phong trào phải xây dựng được các mô hình điểm để nhân rộng, kịp thời tôn vinh những tập thể và cá nhân có thành tích, tạo sức lan tỏa rộng rãi, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy các tầng lớp phụ nữ hăng hái thi đua đóng góp sức mình xây dựng cho phong trào phụ nữ tỉnh nhà.
 
Ba là: Triển khai thực hiện có hiệu quả các đề án giai đoạn 2010 - 2015 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: “Tuyên truyền, giáo dục phẩm chất đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”, “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi, dạy con tốt”, “Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm” và cuộc vận động xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”, “Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới”.
 
Bốn là: Kiện toàn, chăm lo xây dựng tổ chức hội vững mạnh về mọi mặt; tích cực đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của tổ chức hội theo hướng sát cơ sở nắm vững tâm tư, nguyện vọng của hội viên; mạnh dạn đề xuất với cấp ủy, chính quyền, các cơ quan chức năng kịp thời giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn cuộc sống; chăm lo, bảo vệ và đáp ứng nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp phụ nữ và trẻ em. Đồng thời thực hiện hai khâu đột phá của nhiệm kỳ đó là: tập trung đào tạo, nâng cao năng lực cán bộ hội và tích cực tham gia phòng chống tệ nạn xã hội, thực hiện tốt cuộc vận động vệ sinh an toàn thực phẩm, vì sức khoẻ gia đình và cộng đồng.
 
Năm là: Các cấp hội chủ động, tích cực tham mưu, đề xuất với cấp uỷ, chính quyền ban hành các chủ trương, chính sách nhằm chăm lo quyền lợi cho phụ nữ, tạo điều kiện cho chị em phát huy cao nhất khả năng đóng góp của mình cho xã hội; chủ động đề xuất với cấp ủy các cấp bố trí, sử dụng hiệu quả đội ngũ cán bộ nữ, góp phần thực hiện mục tiêu Chương trình hành động số 36-CTr/TU của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XVI, thực hiện Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa X về “Công tác phụ nữ trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa - hiện đại hóa đất nước”.
 
Phát huy những kết quả đạt được, công tác hội và phong trào phụ nữ tỉnh Yên Bái sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, đồng bộ, vững chắc, phấn đấu hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đại biểu phụ nữ tỉnh lần thứ XIV, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã đề ra. 
 
 
Ý kiến của bạn