Đảng bộ xã Cư Ni - điểm sáng trong công tác dân vận khéo

 8942 lượt xem
Cư Ni là xã nằm ở phía Đông Nam huyện Ea Kar với diện tích tự nhiên 5.821 ha; dân số trên 19.000 người, có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó có 3 buôn người dân tộc thiểu số tại chỗ với trên 2.700 nhân khẩu. Cơ cấu kinh tế chủ yếu của xã là sản xuất nông nghiệp, nhưng với tập quán sản xuất nhỏ lẻ, độc canh nên hiệu quả không cao. 

Từ khi triển khai phong trào thi đua “Dân vận khéo”, xã đã tập trung tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu vật nuôi, cây trồng hợp lý, nhằm phá thế độc canh của cây lúa nước như trước. Đồng thời vận động nhân dân tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi, vốn đầu tư của các tổ chức tín dụng phục vụ cho sản xuất và chăn nuôi. Các đoàn thể chính trị-xã hội như Hội Phụ nữ, Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên tổ chức nhiều lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ, đầu chuồng, tọa đàm, trao đổi kinh nghiệm, xây dựng nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, thực nghiệm các điểm trình diễn lúa lai, heo siêu nạc… cho đoàn viên, hội viên của mình. Vì vậy trên địa bàn xã nhiều câu lạc bộ sản xuất, kinh doanh giỏi được hình thành, thu hút đông đảo người dân tham gia như: câu lạc bộ ca cao, lúa nước, tổ sản xuất cá giống… Năm 2012, xã đã chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức 6 lớp tập huấn về chăn nuôi cho hơn 400 hộ dân, đồng thời tập trung chỉ đạo làm tốt công tác phòng chống dịch bệnh cho gia súc, gia cầm, chủ động ngăn chặn sự lây lan của các loại dịch bệnh, nên đã duy trì ổn định đàn gia súc của xã với 10.604 con, đàn gia cầm 122.000 con.

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Đảng bộ và chính quyền địa phương đã đề ra nhiều giải pháp hữu hiệu nhằm hoàn tất 19 bộ tiêu chí nông thôn mới. Một trong những thành tích nổi bật của xã Cư Ni trong thời gian qua đó chính là công tác tuyên truyền, vận động người dân trong việc đền bù giải phóng mặt bằng xây dựng các tuyến đường giao thông. Đảng ủy xã đã tổ chức Hội nghị quán triệt các văn bản của cấp trên liên quan đến việc đền bù, thu hồi đất, đồng thời chỉ đạo thành lập Ban vận động giải phóng mặt bằng. Trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện, Đảng ủy đã cử đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận đi xuống từng thôn, buôn, từng địa bàn dân cư để trực tiếp tuyên truyền, vận động nhân dân với phương châm “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”. Đối với những hộ còn tư tưởng chây ỳ, có thái độ bất hợp tác, cán bộ dân vận xã đã đến từng nhà vận động, giải thích, thuyết phục một cách thấu tình, đạt lý. Quá trình triển khai luôn gắn với thực hiện Pháp lệnh về quy chế dân chủ ở cơ sở, công khai quy hoạch và giá đền bù để người dân so sánh, đối chiếu, do vậy đã tạo được sự đồng thuận trong nhân dân. Bên cạnh đó, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại của dân cũng được chú trọng: Trong thời gian qua, xã đã tiếp nhận và giải quyết 13 đơn kiến nghị của người dân; có một vài trường hợp khiếu nại khó giải quyết, xã đã chủ động mời cán bộ cấp trên cùng xuống giải quyết ngay, không để phát sinh điểm nóng. Nhờ đó, trong 9 tháng đầu năm 2012, xã Cư Ni đã vận động trên 150 hộ dân tự nguyện hiến đất đai và tài sản trên đất để giải phóng mặt bằng thi công con đường từ trung tâm huyện đi vào xã với số tiền gần 2 tỷ đồng; vận động 115 hộ dân thôn Quảng Cư 1A và Quảng Cư 1B hiến được 45.775m2 đất, 1.615 cây cà phê và 1.796 cây công nghiệp các loại để xây dựng đường giao thông liên xã tuyến Cư Ni – Ea Kmút với trị giá hơn 1,5 tỷ đồng. Ngoài ra, với sự huy động 100% vốn đóng góp của người dân, xã đã xây dựng và đưa vào sử dụng 2 nhà hội trường của thôn 3 và thôn 11 với tổng kinh phí đóng góp tự nguyện của nhân dân là 311 triệu đồng.
 
Một trong những nét nổi bật trong công tác vận động quần chúng của Đảng bộ xã Cư Ni đó là việc triển khai thành lập các Tổ Dân vận trên địa bàn. Mặc dù không phải là đơn vị làm điểm của huyện Ea Kar, song nhận thức rõ việc phát huy vai trò của cả hệ thống chính trị trong công tác dân vận của Đảng trong giai đoạn hiện nay là một việc làm rất quan trọng và cần thiết, do vậy Đảng ủy xã đã chủ động xây dựng quy chế, chương trình hoạt động của các Tổ Dân vận một cách sát thực, phù hợp với điều kiện và tình hình địa phương. Trong dịp kỷ niệm 82 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng và 13 năm Ngày dân vận, vừa qua, Đảng bộ xã Cư Ni đã tổ chức chương trình Tọa đàm gặp mặt đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận và 232 thành viên Tổ Dân vận thôn, buôn của xã; tiến hành trao quyết định thành lập Tổ Dân vận cho 23 thôn, buôn, đồng thời thông qua toàn bộ nội dung quy chế, chương trình hoạt động Tổ Dân vận, định hướng một số hoạt động trọng tâm mà các Tổ Dân vận cần tập trung thực hiện trong thời gian tới.
 
Có thể nói, hiệu quả công tác dân vận khéo của Đảng bộ xã Cư Ni đã góp phần quan trọng trong việc xây dựng, củng cố hệ thống chính trị tại cơ sở, từng bước nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho người dân, các phong trào “Cả nước chung tay xây dựng nông thôn mới”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Dân vận khéo”, “Toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc”… được triển khai sâu rộng, có sức lan tỏa trong đời sống nhân dân. Từ một địa phương có thu nhập thấp, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đã đạt mức 19 triệu đồng/ năm; toàn xã có 3.499 hộ gia đình đạt tiêu chuẩn văn hóa, 16/ 23 thôn, buôn đạt chuẩn văn hóa, xã đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận danh hiệu xã văn hóa cấp tỉnh.
Vũ Như Anh
 
 
 
Ý kiến của bạn