Vĩnh Chân trong quá trình xây dựng nông thôn mới

 8186 lượt xem
Đến với xã Vĩnh Chân (huyện Hạ Hòa) vào những ngày bà con đang thu hoạch vụ mùa, tôi có cảm giác như đang lạc vào một công trường bởi những tiếng máy gặt, máy tuốt lúa đang hoạt động hết công suất. 

Đem những thắc mắc đó trao đổi với ông Phùng Đức Tuyên - Chủ tịch UBND xã Vĩnh Chân, chúng tôi được biết: “Với mục đích giảm ngày công lao động, nâng cao hiệu quả sản xuất, chúng tôi cố gắng lồng ghép nguồn vốn vào việc đầu tư mua các thiết bị máy móc như máy bơm nước, máy gặt đập liên hoàn, máy làm đất, bình phun thuốc có động cơ, giàn sạ…. Hiện nay toàn xã đã có 12 máy làm đất, mua và lắp đặt thêm một máy bơm có công suất 33KW để tưới tiêu, sẽ tiến hành mua thêm một máy gặt đập liên hợp loại lớn để giúp giảm thời gian thu hoạch, có thêm thời gian làm đất phục vụ các vụ kế tiếp”.

Việc thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) đã được Chính quyền và bà con nhân dân trong xã nhận thức một cách khá đầy đủ. Để quá trình xây dựng nông thôn mới đạt được những kết quả tốt, Vĩnh Chân đã thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng nông thôn mới và các tiểu ban thuộc các khu dân cư thực hiện công tác tuyên truyền, vận động người dân thực hiện các tiêu chí xây dựng NTM, lồng ghép các nguồn vốn hỗ trợ để xây dựng cơ sở hạ tầng, đầu tư các loại máy móc…. Năm 2011, xã được đầu tư 950 triệu đồng, mua một số loại máy phục vụ sản xuất, ngoài ra xã cũng đã đầu tư xây dựng được 1012m đường bê tông liên thôn, cứng hóa 596m kênh mương cấp 2 phục vụ tưới tiêu, tổng trị giá công trình khoảng 1,6 tỷ đồng. Quá trình xây dựng NTM đã nhận được sự ủng hộ, đồng lòng từ những người dân trong xã, họ đã tích cực đóng góp bằng nhiều hình thức khác nhau như tiền, ngày công lao động, hiến đất làm đường… 
 
So với những địa phương khác thì đất đai của Vĩnh Chân khá thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản, đất chủ yếu là chân ruộng trũng, cấy 1 vụ. Tuy nhiên việc phát triển thủy sản ở Vĩnh Chân không hiệu quả do người nuôi trồng thủy sản nuôi trồng quảng canh mà chưa có sự đầu tư thâm canh nên năng suất chưa cao, chỉ đạt khoảng 2,5 tấn/ha/năm. Trong thời gian tới, chính quyền xã chú trọng việc đầu tư phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, tăng năng suất cũng như sản lượng để từ đó có thêm nhiều nguồn vốn xã hội hóa trong tiến trình xây dựng NTM.
 
Việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp của Vĩnh Chân cũng gặp không ít khó khăn. Nguyên nhân cốt lõi trong việc thực hiện thành công cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp là việc thực hiện dồn điền đổi thửa, có những thửa ruộng liền vùng thì mới tạo điều kiện cho máy móc có thể đến tận chân ruộng, từ đó mới giảm được ngày công lao động cũng như nhân lực và các chi phí sản xuất khác. Tuy nhiên việc dồn điền đổi thửa ở Vĩnh Chân đang gặp khó khăn bởi một bộ phận không nhỏ người dân chưa nhận thức sâu sắc về kết quả của chính sách dồn điền đổi thửa mang lại, tuy họ đã không còn thiết tha với việc trồng lúa, chuyển qua nuôi trồng thủy sản trên những chân ruộng trũng của mình và họ có tư duy so sánh ruộng tốt với ruộng xấu nên không chịu hợp tác trong viêc dồn điền đổi thửa.
 
Chính quyền xã Vĩnh Chân luôn xác định trong quá trình xây dựng nông thôn mới, quan trọng nhất là đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp tạo điều kiện cho người nông dân nâng cao thu nhập và khi thu nhập của người dân đã được cải thiện thì việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa trong tiến trình xây dựng NTM sẽ gặp nhiều thuận lợi. Việc huy động các nguồn vốn xã hội hóa sẽ được đầu tư xây dựng hệ thống đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng, cứng hóa hệ thống kênh mương, mua sắm các trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất, như máy hái chè, máy chế biến thức ăn cho thủy sản, cho gia súc và đặc biệt là lắp thêm một số tổ máy bơm đảm bảo tưới tiêu khi úng ngập hoặc hạn hán. 
 
Việc tìm được hướng đi đúng cùng với việc sử dụng nguồn vốn một cách hiệu quả ở Vĩnh Chân là điểm sáng để các địa phương khác học tập. Việc đầu tư cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp sẽ tạo điều kiện thuân lợi cho việc xây dựng NTM ở Vĩnh Chân. 
 
Vũ Tuân
 
 
Ý kiến của bạn