Sinh ra trong một gia đình cả bố và mẹ đều làm nông nghiệp, khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Nguyễn Thị Phượng (SN 1984) đã rất thích màu xanh áo lính và ấp ủ ước mơ được trở thành một nữ quân nhân.
Năm 2003, Phượng tình nguyện nhập ngũ. Sau thời gian huấn luyện chiến sĩ mới, Phượng được tạo điều kiện cho đi đào tạo 3 năm chuyên ngành thư viện tại trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật quân đội, ra trường cô được điều động về Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn. Công việc ổn định, vui duyên mới chưa được bao lâu thì chồng của Phượng - cũng là một quân nhân công tác cùng đơn vị- hy sinh trong một lần làm nhiệm vụ cứu hộ, cứu nạn tại đập Thuỷ điện Sêrêpôk 4, khi bé trai đầu lòng của họ chưa đầy 2 tuổi. Nỗi đau mất mát qúa lớn, tưởng chừng khó có thể vượt qua, nhưng được sự động viên, giúp đỡ của đồng chí, đồng đội, Phượng nén nỗi đau để nuôi dạy con và luôn hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Là một nữ quân nhân được đào tạo chuyên ngành thư viện, nhưng khi về đơn vị lại đảm nhận công việc của một nhân viên chính sách nên Phượng cũng gặp không ít khó khăn. Cô đã tự hoàn chỉnhcho mình bằng việc không ngừng học hỏi, nghiên cứu tài liệu. Từ khâu tiếp nhận và xử lý hồ sơ, Phượng đều tận tâm hướng dẫn các đối tượng để tránh việc phải đi lại nhiều lần; những trường hợp phức tạp thì tham mưu, xin ý kiến chỉ đạo của cấp trên để có hướng giải quyết phù hợp, đúng và trúng đối tượng. Những chuyến công tác đi quy tập mộ liệt sĩ, với nam giới đã vất vả, với nữ giới, nỗi vất vả càng nhân lên khi gặp thời tiết xấu, địa hình đi lại khó khăn. Nhưng niềm hạnh phúc của những gia đình khi tìm được di hài người thân chính là niềm vui để Phượng cố gắng hoàn thành nhiệm vụ.
Khi được hỏi về những khó khăn của một nữ quân nhân, Phượng nở nụ cười thật hiền: “Xác định rõ mục tiêu và nhiệm vụ của mình đi theo nghề binh nghiệp đã chọn, tôi luôn phấn đấu để làm tốt công việc”. Bằng tinh thần và nghị lực ấy, trong suốt 3 năm liền (từ năm 2009-2012) Phượng đã kịp thời giải đáp những khúc mắc của các cựu quân nhân một cách tận tình, sâu sát, tỷ mỉ, không để thất lạc hồ sơ, giải quyết đúng và trúng đối tượng. Hiện Phượng cùng các đồng chí trong Ban Chính trị của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Buôn Đôn đã giải quyết chế độ chính sách cho 350 đối tượng cựu quân nhân được hưởng trợ cấp một lần với tổng số tiền trên 1,7 tỷ đồng, trao quyết định trợ cấp hàng tháng cho 3 đối tượng có thời gian công tác trong quân đội trên 15 năm; tham gia tìm kiếm được 5 mộ liệt sĩ, trong đó có 3 mộ đã được bàn giao cho gia đình thân nhân đưa về an táng tại địa phương; khảo sát đề nghị xây dựng được 3 nhà tình nghĩa tặng gia đình liệt sĩ và nữ cựu quân nhân.
Nói về những thành tích đã đạt được, Trung uý Nguyễn Thị Phượng vẫn khiêm tốn khi cho rằng những đóng góp của mình còn nhỏ bé so với nhiều đồng đội khác. Cô vẫn luôn tự nhủ phải xây dựng động cơ phấn đấu liên tục và bền bỉ để xứng đáng là một quân nhân trong lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Đàm Thuần