Hiệu quả phong trào "hai tốt" ở Bắc Giang

 8504 lượt xem
"Hai tốt" là một trong những phong trào thi đua lớn do công đoàn ngành giáo dục Bắc Giang phát động, thu hút đông đảo cán bộ, giáo viên tham gia. Qua đó, nhiều đơn vị trường học đã nghiêm túc nhìn nhận những mặt hạn chế, từng bước nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. 

Một giờ dậy tốt ở Trường THPT Phú Nhuận (Lục Ngạn - Bắc Giang). 

Một trong những đơn vị điển hình trong phong trào thi đua "Hai tốt"  những năm gần đây là Trường THPT Lạng Giang số 3. Trước đây, do trường mới thành lập, đội ngũ cán bộ, giáo viên trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm; cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ hoạt động giảng dạy thiếu, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng giáo dục. Hưởng ứng phong trào thi đua "Hai tốt", tập thể cán bộ, giáo viên nhà trường đã đoàn kết, không ngừng học tập, sáng tạo, quyết tâm từng bước cải thiện vị trí trong bảng xếp hạng giáo dục. 

Năm học 2011 - 2012 vừa qua, Trường THPT Lạng Giang số 3 tiếp tục có bước tiến ấn tượng với thành tích đạt 22 giải tại kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh, xếp thứ 9/36 trường THPT công lập trong tỉnh, tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng chất lượng giáo dục so với năm học 2009-2011, được Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo khen thưởng. Cũng trong năm học này, tỷ lệ học sinh nhà trường tốt nghiệp đạt 99,57%, cao nhất từ trước đến nay. Các thầy, cô: Nguyễn Ngọc Khải; Phan Đức Tráng; Trương Văn Giáp, Lương Thị Ngọc Thu… và nhiều thầy giáo, cô giáo khác trở thành tấm gương điển hình lao động sáng tạo, góp phần đưa chất lượng giáo dục toàn diện của  nhà trường ngày một đi lên. Cô Trần Thị Vân Hải, Chủ tịch Công đoàn cho biết, để đẩy mạnh thi đua "Hai tốt" trong mỗi cán bộ, giáo viên, hàng năm, Công đoàn đều phối hợp với nhà trường phát động từ 4 đến 5 đợt thi đua chào mừng các ngày lễ, kỷ niệm lớn. Nội dung xoay quanh nhiệm vụ của từng tổ bộ môn và mỗi cán bộ, giáo viên, tiêu biểu là các hoạt động: thiết kế đồ dùng dạy học, sử dụng công nghệ thông tin, dạy học bằng bản đồ tư duy… nhằm nâng cao tính chủ động, tích cực của học sinh. Cũng trong phong trào thi đua "Dạy tốt, học tốt", Ban chấp hành Công đoàn còn phát động mỗi cán bộ, giáo viên có ít nhất từ một đến hai sáng kiến, kinh nghiệm hiệu quả áp dụng trong giảng dạy.  
 
Tại Trường THCS Phú Nhuận, xã Phú Nhuận (Lục Ngạn), thời gian qua,   phong trào thi đua "Hai tốt" cũng được Ban Chấp hành Công đoàn thống nhất với Ban giám hiệu nhà trường vận dụng linh hoạt phù hợp với đặc điểm tình hình của đơn vị. Do đặc thù địa phương có tỷ lệ hộ nghèo chiếm hơn 50%, giao thông khó khăn, học sinh phần lớn là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nhận thức hạn chế nên để nâng cao chất lượng giáo dục, Công đoàn đã đề xuất với nhà trường khuyến khích giáo viên dạy học bằng phương pháp phân nhóm, tăng các tiết học sử dụng đồ dùng trực quan, qua đó vừa có thể bồi dưỡng kiến thức cho học sinh khá, giỏi đồng thời quan tâm, giúp học sinh yếu kém nắm vững kiến thức cơ bản. 
 
Ngoài ra, Công đoàn Trường THCS Phú Nhuận còn tổ chức quyên góp hàng trăm cuốn sách vở, đồ dùng học tập, hàng chục bộ quần áo dành cho học sinh nghèo, mồ côi, hoàn cảnh khó khăn đến trường nhân dịp đầu năm học mới. Cô giáo Mai Thị Thuý Nga, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị giảng dạy còn thiếu thốn, sự chủ động, sáng tạo, trách nhiệm "vì học sinh thân yêu" của mỗi giáo viên chính là giải pháp được nhà trường thống nhất với tổ chức Công đoàn chỉ đạo, hướng dẫn cán bộ, giáo viên thực hiện. Với sự nỗ lực cố gắng đó, năm học 2011-2012, số học sinh hoàn cảnh khó khăn bỏ học giảm đáng kể, tỷ lệ học sinh tốt nghiệp đạt 96,4%.
 
Trao đổi với bà Nguyễn Thị Bích Hợp, Chủ tịch Công đoàn ngành giáo dục và đào tạo được biết: Toàn ngành hiện có hơn 840 công đoàn cơ sở, thu hút khoảng 26 nghìn đoàn viên tham gia sinh hoạt. Những năm qua, tổ chức công đoàn cơ sở luôn khẳng định vai trò nòng cốt, thường xuyên tham gia cùng cấp uỷ, chính quyền phát động và triển khai hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, thu hút đông đảo công chức, viên chức, người lao động tham gia, trong đó tiêu biểu là phong trào thi đua "Hai tốt". 
 
Nhằm nỗ lực nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, tổ chức công đoàn ngành đã cụ thể hoá các nội dung thi đua thông qua hoạt động hội giảng, thi thiết kế đồ dùng giảng dạy; đổi mới phương pháp giảng dạy… Do có sự phối hợp chỉ đạo sát sao giữa công đoàn với cấp uỷ, chính quyền cơ sở, 5 năm gần đây, thông qua các đợt thi đua chào mừng ngày lễ, kỷ niệm lớn đã có hàng nghìn đoàn viên tham gia thiết kế được hơn 71 nghìn sản phẩm phục vụ các môn học, trong đó gần 3.400 đồ dùng có giá trị sử dụng cao; 150 sáng kiến, kinh nghiệm, đề tài khoa học được nghiệm thu, đưa vào áp dụng. Ngoài ra, các đoàn viên còn nỗ lực sáng tạo, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, sử dụng bản đồ tư duy trong giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của học sinh, nhờ đó có hơn 100 giờ hội giảng được xếp loại khá, giỏi. 
 
Đi đôi với việc quan tâm, tạo điều kiện giúp công chức, viên chức, người lao động không ngừng học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, các cấp công đoàn còn làm tốt công tác vận động giáo viên bồi dưỡng học sinh giỏi, tham gia các kỳ thi giáo viên dạy giỏi các cấp; triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục như: điều chỉnh nội dung môn học, đổi mới phương pháp giảng dạy, tăng cường thăm lớp, dự giờ, rút kinh nghiệm chuyên môn, quan tâm dạy văn hoá với việc giáo dục ý thức đạo đức, kỹ năng sống cho học sinh. Những đơn vị điển hình đi lên từ phong trào này là công đoàn các Trường THPT: Chuyên Bắc Giang, Ngô Sĩ Liên, Việt Yên số 1, Cẩm Lý (Lục Nam), Hiệp Hoà số 2… Được biết hiện nay, chất lượng giáo dục Bắc Giang đứng trong tốp 20 tỉnh, thành phố dẫn đầu về thành tích tại các kỳ thi học sinh giỏi cấp quốc gia, thi đại học, cao đẳng.
 
Tiếp tục phát huy thành tích trong sự nghiệp giáo dục và đào tạo, đồng thời  thực hiện thắng lợi nhiệm vụ "Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục Việt Nam" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Bắc Giang lần thứ XVII và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI đã đề ra, thời gian tới, Công đoàn ngành giáo dục tiếp tục tuyên truyền, vận động đoàn viên tích cực tham gia phong trào thi đua "Hai tốt", "Mỗi thầy, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo". Chỉ đạo các công đoàn cơ sở phát động thi đua gắn với xây dựng quy chế khen thưởng cụ thể, công khai, tạo động lực thôi thúc đoàn viên hăng say lao động, sáng tạo, ghi thêm nhiều thành tích trong sự nghiệp đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho đất nước.
 
 
Ý kiến của bạn