Sôi nổi phong trào thi đua “Giỏi việc trường, đảm việc nhà”

 8798 lượt xem
Thời gian qua, đội ngũ nữ cán bộ giáo viên ngành GD&ĐT Ninh Bình đã tích cực tham gia phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. 

Giờ học của cô và trò ở Trường tiểu học xã Thanh Lạc (Nho Quan). 

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Ninh Bình hiện có gần 13 nghìn nữ cán bộ, giáo viên, công nhân viên (CNV) trong tổng số trên 15 nghìn lao động, chiếm tỷ lệ trên 84%. Trình độ chuyên môn đạt chuẩn 99,6%, trong đó trên chuẩn là 60%; có 123/185 chị em có trình độ thạc sĩ, chiếm 66,5%. Trong đó, 79,6% chị em trong Ban giám hiệu, trên 90% là hiệu trưởng, trên 85% trong BCH Công đoàn, trên 62% là Chủ tịch Công đoàn. Trên 93% chị em là Bí thư chi bộ, số đảng viên nữ là 6.791/8.519, chiếm tỷ lệ 79,7%. Những con số đó khẳng định tầm quan trọng và vai trò to lớn của đội ngũ nữ cán bộ, giáo viên trong hệ thống giáo dục hiện nay.

Để thực hiện tốt phong trào thi đua “Giỏi việc trường - đảm việc nhà”, hàng năm, BCH Công đoàn, Ban nữ công Công đoàn ngành, Ban nữ công các đơn vị đã xây dựng chương trình công tác theo từng tháng, từng quý. Ngay từ đầu năm học, các cấp uỷ đã chỉ đạo Công đoàn cùng cấp xây dựng kế hoạch và cụ thể hoá tiêu chuẩn “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” phù hợp với tình hình thực tế của đơn vị, đề ra các biện pháp triển khai thực hiện phong trào. Các cơ sở đã hướng dẫn tiêu chí thi đua, đăng ký danh hiệu thi đua: Lao động tiên tiến, chiến sỹ thi đua, giỏi việc trường, đảm việc nhà; 96-98% chị em đăng ký có sáng kiến kinh nghiệm…
 
Năm học 2011-2012, nữ cán bộ, giáo viên, CNV ngành GD - ĐT đã nghiêm túc thực hiện quy chế chuyên môn, chấm trả bài cho học sinh theo đúng quy định, tổ chức dự giờ học hỏi kinh nghiệm của các đồng nghiệp, đánh giá, xếp loại giờ dạy theo đúng yêu cầu của ngành. Nhiều chị miệt mài bên trang giáo án để tìm ra những phương pháp giảng dạy phù hợp với từng tiết dạy, áp dụng CNTT trong giảng dạy, chất lượng giờ dạy được nâng cao. Nhiều chị có học sinh giỏi Quốc gia như: Đinh Thị Vui, Trần Thị Ngoan, Ngô Thị Hoa, Nguyễn Thị Loan, Đinh Thị Thanh Dung… (Trường THPT chuyên Lương Văn Tụy). Trong gần 12 nghìn sáng kiến kinh nghiệm, 2.300 sáng  kiến xếp loại giỏi, loại khá là 3.500 và loại trung bình trên 1.200. Năm 2011, chị Nguyễn Thị Nguyệt, giáo viên Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (thành phố Ninh Bình) được Tổng LĐLĐ Việt Nam cấp Bằng lao động sáng tạo.
 
Nhằm không ngừng nâng cao chất lượng giảng dạy, nhiều chị em tham gia các lớp trung cấp, cao đẳng, đại học về chuyên môn, góp phần nâng cao trình độ, chuẩn hoá đội ngũ. Hiện có 1.853 chị đang theo học đại học, 45 chị học cao học, 1 chị đang nghiên cứu sinh, nhiều chị tham gia học ngoại ngữ, tin học… Ban nữ công cũng cung cấp tài liệu hoạt động nữ công để cán bộ nữ công nghiên cứu, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực hoạt động; bồi dưỡng kiến thức về giới, kiến thức nuôi dạy con theo khoa học. Nhiều trường tổ chức hội thảo, sinh hoạt CLB với các chủ đề về vai trò, vị trí, trách nhiệm của chị em phụ nữ nhân kỷ niệm ngày Quốc tế 8-3, ngày thành lập Hội LHPN Việt Nam 20-10, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11…; đồng thời phối hợp với chuyên môn tổ chức các hội thi nữ công gia chánh, giáo viên giỏi các cấp, thi đồ dùng dạy học, tổ chức các chuyên đề đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo của nữ cán bộ, giáo viên.
 
Phong trào xanh, sạch, đẹp - ATVSLĐ gắn liền với phong trào xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực được BCH Công đoàn phối hợp với chuyên môn chỉ đạo sát sao, tạo cảnh quan môi trường giáo dục trong sạch, lành mạnh, giáo dục cho học sinh tình yêu quê hương, đất nước, yêu quý thầy cô, bạn bè, trường lớp.
 
Đối với những cán bộ, giáo viên kinh tế còn khó khăn, Ban nữ công các cấp đã hướng dẫn chị em vay vốn từ ngân hàng và các dự án với số tiền trên 15 tỷ đồng, chủ động xây dựng các quỹ giúp nhau phát triển kinh tế với số vốn gần 4 tỷ đồng. Do đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo trong cán bộ, giáo viên, CNV ngành Giáo dục chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Không chỉ “Giỏi việc trường”, nữ cán bộ, giáo viên còn quan tâm chăm lo cho gia đình. Các chị em đều phấn đấu xây dựng gia đình đạt các chuẩn mực: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc…
 
Năm học 2011-2012, toàn ngành có 98% gia đình nhà giáo đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá, nhiều trường đạt 100% gia đình văn hoá. Trên 10 nghìn chị đạt danh hiệu lao động tiên tiến, trên 1.300 chị đạt chiến sỹ thi đua cấp cơ sở. 96% chị em đạt danh hiệu “Giỏi việc trường - Đảm việc nhà” các cấp. 12 tập thể và 34 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong phong trào “Giỏi việc trường - đảm việc nhà” được Giám đốc Sở Giáo dục - Đào tạo tặng Giấy khen…
 
 
Ý kiến của bạn